MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biến đổi khí hậu khiến Việt Nam thiệt hại 15.000 tỷ đồng

08-07-2016 - 16:53 PM | Xã hội

Từ cuối năm 2014 đến 2016, do tác động của hiện tượng thời tiết Elnino, 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long phải hứng chịu hạn hán trên diện rộng, mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến cuộc sống khoảng 2 triệu người dân, thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa.

Thiệt hại nặng vì biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam khoảng 15.000 tỉ đồng, đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn “Xây dựng kế hoạch phục hồi dựa vào khả năng chống chịu để giảm thiểu tác động của Elnino và Lanina tại Việt Nam” do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Cơ quan Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức sáng nay (8/7) tại Hà Nội.

Cùng với thống kê thiệt hại, các địa phương đang tập trung sản xuất lấy lại giá trị đã mất do thiên tai gây ra, nhưng việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn do hậu quả từ biến đổi khí hậu rất nặng nề. Về lâu dài, các đại biểu cho rằng, cần huy động các nguồn lực thực hiện các giải pháp về công trình và phi công trình đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp như: trồng rừng để giữ nước bề mặt và nước ngầm, xây dựng các hồ chứa thủy lợi…

Ông Nguyễn Khánh Hoan, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre cho biết: “Bến Tre là tỉnh cuối nguồn sông Mê Kông và giáp biển nên việc giữ nước ngọt phục vụ nhu cầu dân sinh và sản xuất là hết sức quan trọng. Vì vậy cần phải có những công trình đê bao, cống dưới đê để trữ nước ngọt vào mùa mưa và sử dụng vào mùa khô. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lịch thời vụ gieo cấy, trước mắt chỉ còn sản xuất 2 vụ là đông xuân sớm và hè thu muộn để né mặn”.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, cần ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp người dân về nước sạch, lương thực và sinh kế cùng với tăng cường hệ thống giám sát y tế đảm bảo sức khỏe cộng đồng, nhất là những người có nguy cơ tổn thương cao nhất là trẻ em và phụ nữ mang thai và cho con bú.….

Để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, Trung ương và địa phương đã hỗ trợ gần 1.400 tỉ đồng, các đối tác và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ khẩn cấp 16,162 triệu USD giúp các tỉnh khắc phục hậu quả của Elnino.

Nâng cao năng lực ứng phó

Một số đại biểu cho rằng, cần thành lập một đơn vị làm đầu mối để thống kê kịp thời nhu cầu cần hỗ trợ của địa phương và người dân. Theo Bộ NN&PTNT, trước mắt, trong năm các địa phương sẽ cần 3.734 tỉ đồng để hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, cung cấp thiết bị lọc nước, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp công trình phòng chống hạn, mặn cấp bách. Đồng thời, các địa phương cần lưu ý về xây dựng kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn phải đảm bảo 4 mục tiêu là không để người dân thiếu lương thực, thiếu nước sạch, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và tạo sinh kế người dân.

Ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn từ 2016-2020 cần nguồn kinh phí hơn 25.000 tỉ đồng để khắc phục những thiệt hại do Elnino gây ra”.

Bà Pra-ti-ha Mét-ta, điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, cơ quan của Liên hợp quốc sẽ cùng với đại diện các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế cam kết tiếp tục hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất của người dân chịu ảnh hưởng vùng thiên tai.

Về dài hạn, Bộ NN&PTNT cho rằng, cần nâng cao năng lực chống chịu thiên tai của người dân, ứng phó thiên tai dựa vào cộng đồng. Các địa phương khẩn trương rà soát nhu cầu về các công trình phòng chống thiên tai, sắp xếp ưu tiên thức tự ưu tiên để kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ trong việc nâng cao năng của công tác phòng chống thiên tai. Đồng thời xây dựng các kịch bản, phương án và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng để người dân chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai.

Theo H.V

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên