MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biến động bất ngờ tại cổ phiếu VNB của CTCP Sách Việt Nam: Tăng gần 44% trong vòng 4 phiên

Điều gì tạo nên cú tăng mạnh mẽ này của Savina? Liệu dự án Savina Plaza có sắp được thực hiện?

Những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VNB của CTCP Sách Việt Nam trong vòng 1 năm qua đã phải chịu sự thử thách lòng kiên nhẫn rất lớn khi cổ phiếu chìm trong những phiên giảm giá triền miên. Ngay cả khi nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán xuất hiện con sóng thần với hàng loạt cổ phiếu tăng bằng lần thì VNB vẫn bền bỉ đi xuống. Bất ngờ trong vòng 4 phiên giao dịch gần đây, VNB “tỏa sáng”, ngược dòng thị trường mà tăng vùn vụt. Do giao dịch trên Upcom với biên độ 15%/phiên, chỉ 2 phiên tăng trần và 2 phiên xanh, VNB đã ghi nhận mức tăng giá 43,5%.

Dù vậy, thị giá 15.000 đồng hiện tại của VNB có lẽ chưa thể khiến những nhà đầu tư nắm giữ từ khi tham gia mua đấu giá cảm thấy hài lòng.

Hơn 1 năm trước đây, khi Savina tổ chức bán đấu giá 16,7 triệu cổ phần tại mức giá khởi điểm 10.500 đồng/cp, đã có 243 nhà đầu tư đăng ký mua, bao gồm 3 nhà đầu tư tổ chức và 240 nhà đầu tư cá nhân. Tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua là 30,1 triệu cổ phần – gấp 1,8 lần số lượng đấu giá. Kết quả cho biết, giá đấu thành công cao nhất là 26.700 đồng/cổ phần, giá đấu thành công thấp nhất là 12.800 đồng/cổ phần.

Sức nóng của Savina khi đó và cả lúc này không nằm ở hoạt động bán sách (dù đang tích cực cải thiện) mà ở những mảnh đất vàng mà doanh nghiệp quản lý mà nổi bật là dự án Savina Plaza tại số 22 Hai Bà Trưng (Hà Nội). Cùng với đó là sự xuất hiện của ông lớn Vingroup trong vai trò cổ đông chiến lược với tỷ lệ sở hữu 65% vốn điều lệ.

Trước VNB, thị trường đã chứng kiến sóng thần tại một trường hợp được cho là tương tự: cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam với lịch sử tăng hơn 6 lần trong 3 tháng. Nhiều người kỳ vọng VNB có thể làm nên chuyện như VEF nhưng Savina Plaza đã không nhanh chóng khởi công và cổ phiếu VNB chưa có cú tăng giá ấn tượng như vậy.

Vậy nên lần tăng giá này của VNB lại được "đồn đoán" rằng bắt nguồn từ dự án Savina Plaza. Dự án được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Savina làm chủ đầu tư xây dựng từ năm 2009 với tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng, diện tích xây dựng lên tới 32.000 m2 và dự kiến khởi công từ đầu năm 2017.

Tuy nhiên, khu đất này vừa là tài sản liên quan đến tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Savina với CTCP Đấu giá Hà Nội, lại vừa có gần 40 hộ dân đang cư trú nên vẫn chỉ nằm trên giấy.

Theo báo cáo phân tích của CTCK MBS hồi tháng 11/2016, một số cơ sở kinh doanh tại khu đất 22A-B Hai Bà Trưng phải hoàn tất trả mặt bằng sau ngày 30/11/2016 để doanh nghiệp đảm bảo tiến độ khởi công dự án đầu năm 2017.

Báo cáo tại Đại hội cổ đông thường niên cuối tháng 5/2017 cho biết, trong năm 2017, công ty sẽ thanh toán toàn bộ tiền nợ thuê nhà , thuê đất giai đoạn trước cổ phần hóa cho 4 địa điểm mà công ty đang quản lý, sử dụng là 44 Tràng Tiền, 50A Hàng Bài, 22A và 22B HAi Bà Trưng với tổng số tiền là 46 tỷ đồng và thu hồi lại diện tích khu đất tại 22A Hai Bà Trưng. Công ty cũng làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội để ký tiếp hợp đồng thuê nhà, đất của 4 địa điểm này. Đó là cơ sở để triển khai dự án Savina Plaza.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên