MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biến tướng nâng cấp thông tư thành Nghị định

Việc các bộ ngành ồ ạt nâng cấp nhiều thông tư thành nghị định, đồng thời hợp thức hóa các quy định “mềm” có lợi cho các nhóm lợi ích đang khiến chủ trương của Chính phủ về xóa bỏ những rào cản, quy định đi ngược Luật Doanh nghiệp, rơi vào vòng xoáy bế tắc.

Băn khoăn lợi ích nhóm

Ông Hồ Khắc Hùng, Giám đốc điều hành Công ty ôtô Tây Bắc cho biết, Thông tư 20 của Bộ Công Thương thời gian qua bị giới kinh doanh ô tô phản ứng rất mạnh. Giờ việc nâng cấp và đưa vào nghị định về bản chất chỉ nhằm bảo vệ cho lợi ích nhóm của những doanh nghiệp FDI và một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe lớn.

Việc bãi bỏ quy định trong Thông tư 20, theo ông Hùng, sẽ tạo cơ chế cho các doanh nghiệp nhỏ được nhập khẩu ô tô, tránh sự độc quyền trên thị trường ô tô hiện nay, khi gần như chỉ có những liên doanh FDI vào Việt Nam có quyền nhập ô tô ngoại. Thực tế cho thấy, trước đây, khi chưa có Thông tư 20, các công ty thương mại nhập đủ loại xe từ nhiều hãng khác nhau trên thế giới với mức giá khá cạnh tranh nhau để khách hàng có thể lựa chọn.

“Việc buộc các nhà nhập khẩu phải có “giấy phép con” từ chính hãng sản xuất khiến nhiều công ty thương mại đã phải đóng cửa và người tiêu dùng là người chịu thiệt do không có nhiều lựa chọn. Như với các dòng xe Hyundai giờ chỉ có Thành Công cung cấp. Khi hãng này lắp ráp mẫu nào thì sẽ không nhập mẫu đó về nữa. Như vậy khách không có lựa chọn. Việc nâng cấp đưa Thông tư 20 vào nghị định chỉ có lợi cho một số nhóm nhà nhập khẩu”, ông Hùng nói.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hiện có khoảng 5.700 điều kiện kinh doanh được quy định trong các văn bản dưới nghị định. Các thông tư của cấp bộ sẽ đương nhiên hết hiệu lực từ 1/7/2016, nếu không được nâng cấp lên thành nghị định của Chính phủ. Để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và người dân, một nửa trong số các điều kiện kinh doanh này phải được vô hiệu hóa.

Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, các điều kiện kinh doanh thuộc ngành nông nghiệp qua rà soát đang nằm ở 7 luật, 5 pháp lệnh và 17 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Riêng Bộ NN&PTNT hiện có tới 39 thông tư quy định về điều kiện kinh doanh. “Tính chung trong lĩnh vực nông nghiệp có đến 99 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng theo tinh thần của Luật Đầu tư sắp tới thì lĩnh vực nông nghiệp chỉ còn có 35 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trong dự thảo nghị định lần này, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ bỏ hẳn 3 ngành nghề không còn quy định điều kiện kinh doanh (liên quan đến cây cảnh, than hồng và ngư cụ). Các ngành nghề còn lại thì sẽ quy định theo hướng giảm tối thiểu thủ tục hành chính, chỉ tập trung vào các điều kiện rất căn bản để bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh của sản phẩm”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, điều khó khăn nhất trong việc rà soát các điều kiện kinh doanh chính là việc cắt bỏ các quyền lợi của chính ngành mình quản lý. “Hiện chúng tôi đã xác định rõ với cán bộ công chức là những ngành nghề kinh doanh tới đây còn quy định thì vẫn phải giảm căn bản thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, việc hậu kiểm cũng sẽ được tiến hành mạnh mẽ, chặt chẽ hơn để bảo đảm chất lượng các sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp quản lý”, ông Tuấn cho biết.

Biến tướng chính sách

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Bộ Công Thương đã rà soát hệ thống văn bản liên quan tới quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý.

“Trên cơ sở rà soát, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Nghị định để sửa đổi 9 Nghị định với nội dung chính là nâng cấp các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh tại 20 Thông tư (còn 1 Quyết định đề xuất hết hiệu lực, 1 Thông tư sẽ tự hết hiệu lực sau khi ban hành Nghị định thay thế vào tháng 7 tới). Các lĩnh vực được điều chỉnh trong dự thảo Nghị định này gồm các ngành nghề kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất, phân bón thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, khí dầu mỏ hóa lỏng, khoáng sản, tạm nhập tái xuất một số mặt hàng”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đến nay 17 bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, về cơ bản đã xác định số lượng nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều thông tư vào một nghị định, như Bộ NN&PTNT tích hợp 38 thông tư, Bộ GD&ĐT tích hợp 23 thông tư, Bộ Công Thương tích hợp 23 thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 thông tư...

Những vấn đề liên quan đến rà soát các điều kiện kinh doanh, ông Mai Tiến Dũng cũng bày tỏ lo ngại về tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật. Theo đó, tính đến 31/5, Chính phủ cần ban hành 51 văn bản hướng dẫn, nhưng mới ban hành được 14 văn bản, còn 37 văn bản chưa được ban hành.

Trong đó, 11 văn bản đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quy trình xử lý. Số văn bản chưa trình là 26. Ngoài ra, còn 91 thông tư và 13 thông tư liên tịch chưa được ban hành.

Về việc các cơ quan quản lý đang thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt các khâu thanh kiểm tra không cần thiết, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, đây là yêu cầu cần kíp. “So với Nghị quyết 19 của các năm trước, nghị quyết 19/2016 có nhiều đổi mới, trong đó yêu cầu giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành trong cải cách thủ tục hành chính. Mỗi bộ ngành đơn lẻ thì không thể thực hiện được”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trả lời PV Tiền Phong.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên