MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc bầu cử lạ kỳ

28-09-2016 - 19:25 PM | Tài chính quốc tế

Sau giai đoạn tranh cử khó chịu nhất trong gần nửa thế kỷ, gần 20% cử tri Mỹ nói rằng họ vẫn chưa quyết định hoặc dự định sẽ không bỏ phiếu cả bà Clinton và ông Trump. Con số 20% là quá lớn.

Hôm qua, hai ứng viên cho vị trí Tổng thống Mỹ đã có cuộc tranh luận trực tiếp được coi là sự kiện chính trị có nhiều người theo dõi nhất từ trước đến nay. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến ngày quyết định, cuộc đua giữa người phụ nữ từng là chính trị gia đầy kinh nghiệm với vị doanh nhân chưa từng bước chân vào chính trường đem đến nhiều điều thú vị có một không hai trong lịch sử nước Mỹ.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là điều đặc biệt nhất của cuộc bầu cử năm nay. Cho đến thời điểm này, các cuộc thăm dò dư luận vẫn cho thấy hai ứng viên bám đuổi sát nút, sát nút hơn rất nhiều so với tưởng tượng của bất kỳ ai.

Sau đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ diễn ra hồi cuối tháng 7, thị trường cá cược chỉ đánh giá Trump có 20% cơ hội trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Cuộc tấn công vào cha mẹ của một binh sĩ thiệt mạng ở Iraq khiến uy tín của Trump sụt giảm ghê gớm. Chưa hết, tỷ phú này còn khiến hình ảnh của mình tồi tệ hơn nữa khi ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin hay gợi ý trợ lý an ninh của bà Clinton nên vứt hết súng đi. Thời điểm ấy, nhiều người đã nhún vai tỏ vẻ ngán ngẩm.

Thế nhưng bà Clinton cũng không ngừng mắc lỗi. Căn bệnh viêm phổi làm dấy lên những hoài nghi về sức khỏe của người phụ nữ đã 68 tuổi, trong khi các vụ đánh bom ở New York và New Jersey là lợi thế để đối thủ Donald Trump lấy thêm điểm trong mắt cử tri vì ông luôn kêu gọi kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, thậm chí là trục xuất toàn bộ người Hồi giáo ra khỏi nước Mỹ.

Hiện tượng kết quả thăm dò sít sao không phải là chưa từng xảy ra, nhưng điều đặc biệt là ở cuộc bầu cử năm nay số người đến thời điểm này vẫn chưa quyết định mình sẽ bỏ phiếu cho ai là quá lớn. Hơn nữa, những người bỏ phiếu cho bà Clinton thừa nhận rằng họ không thực sự hứng thú với ứng viên của đảng Dân chủ, không tin rằng bà là người tốt nhất cho nước Mỹ. Họ chọn bà chỉ vì so với Trump thì Clinton là lựa chọn tốt hơn.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ người dân không hài lòng với cả 2 ứng viên đang ở mức cao hơn so với bất kỳ cuộc bầu cử nào kể từ năm 1992, khi Ross Perot là một ứng viên đến từ đảng thứ ba nhận được tới 19% phiếu bầu.

Lần này không phải là một đảng dân túy thứ ba đang đe dọa sẽ cướp đi hàng chục triệu phiếu bầu từ tay đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, nhưng bao trùm bầu không khí là sự lưỡng lự và chán ghét. Nhiều người Mỹ thậm chí muốn khởi động lại cuộc đua với hai ứng viên hoàn toàn mới (tất nhiên điều này không thể xảy ra). Sau giai đoạn tranh cử khó chịu nhất trong gần nửa thế kỷ, gần 20% nói rằng họ vẫn chưa quyết định hoặc định sẽ không bỏ phiếu cho ai cả.

Con số 20% là quá lớn. Những gì các cử tri này làm trong 5 tuần nữa sẽ có ý nghĩa quyết định đối với kết quả bầu cử.

Đối với những người người cảm thấy lo cho bà Clinton, cuộc tranh luận trực tiếp hôm qua là một cơ hội tốt để bà Clinton giành lấy lá phiếu từ những cử tri vẫn còn đang lưỡng lự và dường như bà đã làm được điều đó.

Suốt từ đầu mùa, người dân Mỹ đã dùng 2 tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá bà Clinton và ông Trump. Bà Clinton luôn được kỳ vọng sẽ đem đến một bài diễn thuyết được gọt giũa cẩn thận và công chúng có cái nhìn khá khắt khe đối với bà. Trong khi đó, ông Trump có thể được nhìn nhận là xuất sắc, vượt kỳ vọng chỉ nhờ việc không nổi nóng hay không xúc phạm đến quá nhiều người. Các nhà báo nói phỏng vấn Trump giống như việc bạn đang cố gắng “bắt một con cá trong dòng sông chảy xiết với tay không”. Tranh luận với Trump không phải là điều dễ dàng.

Ở thời điểm mà người Mỹ chán ngấy các chính trị gia như hiện nay, bà Clinton được coi là một hình mẫu gần như hoàn hảo cho tất cả những thứ mà họ không thích khi nhắc đến chính trị. Mặc dù đã chạy đua cho vị trí Tổng thống hơn 1 năm nay và đã vận động được 166 triệu USD, có cả một chuyên gia thăm dò dư luận phụ trách chiến dịch tranh cử, trong mắt mọi người Trump vẫn chưa có dáng dấp của một chính trị gia.

Những cử tri đến giờ vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai nhìn vào ông Trump, bà Clinton và nghĩ rằng chẳng có ai đáng để được chọn. Tuy nhiên cốt lõi của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không chỉ dừng lại ở câu hỏi ai nên làm Tổng thống mà đằng sau đó là một câu hỏi sâu sắc hơn: nước Mỹ nên đi theo con đường nào? Có lẽ những người dân Mỹ bỏ phiếu cho đảng thứ ba nghĩ rằng chính trị là điều gì đó xảy ra ở một nơi xa xôi khác, không liên quan gì đến cuộc sống của mình. Tuy nhiên, trớ trêu thay, những người này sẽ tạo nên bất ngờ.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên