MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[BizSTORY] Nguyễn Thị Quỳnh Viên và hành trình gây dựng thương hiệu rau xanh “6 không”

24-06-2018 - 07:15 AM | Doanh nghiệp

Tuân thủ nguyên tắc “6 không” với 317 chỉ tiêu đạt chuẩn khi test SGS ở nước ngoài, vườn rau xanh rộng hơn 4.000m2 của giảng viên Đại học Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thị Quỳnh Viên đã trở thành một mô hình hữu cơ tiêu biểu, có thể chuyển giao công nghệ và nhân rộng cho các hộ nông dân nhỏ lẻ.

Đó cũng là ước mơ của Viên, để có thể lan tỏa giá trị của sự tử tế trong cả người trồng, người tiêu dùng, và toàn xã hội

Đang là giảng viên đại học Kiến trúc, vì sao chị quyết định khởi nghiệp với rau hữu cơ? Vì mưu sinh hay vì điều gì khác?

Quê tôi ở Bà Rịa-Vũng Tàu, sống ở miền quê từ nhỏ, thích cây cỏ, nhưng khi học hành chẳng liên quan gì đến nông nghiệp cả.

Tôi đến với nông nghiệp cũng vì một cơ duyên, đó là khi thực hiện đề tài khoa học “nghiên cứu sự khống chế của sâu bệnh trên sâu ăn lá bằng phương pháp vi sinh”.

Học về hóa, tôi thấy có nhiều cái khoa học không làm được mà vi sinh làm được. Sau đề tài cao học, mình muốn đi sâu hơn vào vi sinh.

Cuộc cách mạng vi sinh là cuộc cách mạng của tương lai. Vì phân hóa học không thể giải quyết triệt để, gây ra tồn dư hóa học. Nếu biết kết hợp giữa vi sinh và hóa học sẽ bổ trợ cho nhau rất tốt.

Tôi đã bước vào nông nghiệp với tư cách của một người nghiên cứu, và muốn biến nghiên cứu ấy thành hiện thực.

Để rồi tôi có thể xây dựng được một mô hình chuẩn, nhằm chứng minh rằng nhà nông nào cũng có thể trồng rau hữu cơ, và sẵn sàng chuyển giao công nghệ ấy cho mọi người cùng làm một cách vô vị lợi.

Nhưng “nhà nghiên cứu” cũng đã… trả giá không nhỏ khi bắt tay vào trồng rau xanh ăn lá trong điều kiện đất đai, nguồn nước bị nhiễm độc hiện nay?

Tôi chẳng biết gì về nông nghiệp, một hai năm đầu thuê ở Tân Bình 4.000m2 để thử nghiệm trồng rau ăn lá trước, ban đầu… te tua tơi tả.

Thuê một nông dân trồng rau nổi tiếng tại TP.HCM, nhưng khi nghe đến yêu cầu “6 không”, ông ấy nhất quyết không làm, vì theo ông là… không thể!

Do đó, tôi phải tự làm, và trả giá rất đắt về thời gian cũng như tiền bạc.

Môi trường không tốt, còn tồn dư kim loại, cần có thời gian chuyển đổi.

Để hàm lượng kim loại giảm, cân bằng sinh thái tăng lên, thời gian đầu chúng tôi phải cải tạo đất bằng cách lấy phân bò, phân chim, ủ thật hoai rồi cho xuống đất, kiểm tra nồng độ dinh dưỡng bằng máy đo, biết hoai tới mức nào.

Cũng may đây là mảnh đất xung quanh không có dân cư, chỉ toàn cỏ dại, nên rút ngắn thời gian chuyển đổi.

Sau hai năm, cứ mỗi năm phải kiểm tra lại nồng độ kim loại nặng, thấy giảm đi rõ rệt, tới năm thứ ba thì hầu như không còn.

Điều đó khẳng định khả năng trồng hữu cơ là rất lớn.

Mất khoảng ba năm, từ 2011 mon men khai hoang, 2012 thực sự quyết định sản xuất.

Áp dụng nguyên tắc “6 không”: Không sử dụng thuốc trừ sâu và diệt cỏ; Không trồng trên đất và nước ô nhiễm hóa chất; Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; Không sử dụng phân bón hóa học; Không sử dụng giống biến đổi gen và Không sử dụng chất bảo quản…

Tới 2013 mới có cải ngọt, cải xanh, cải mầm, rau muống, rau mùng tơi, rau ngót nhật… những loại rau nhiệt đới, có cả bí, bầu, dưa leo…

Rõ ràng khi trồng hữu cơ một thời gian, thấy vườn đầy giun, bọ bù, bọ ngựa… những côn trùng có ích cho đất, cho cây.

Làm hữu cơ phải đối diện với rất nhiều thử thách từ khí hậu, thời tiết, dịch bệnh… làm thế nào để chị có thể kiểm soát mọi thứ?

Ngoài việc cần thời gian bổ sung dinh dưỡng hoàn hảo, thử thách lớn nhất là dịch bệnh.

Nhưng thực sự, một điều kỳ diệu đã xảy ra, khi môi trường trở nên cân bằng, thiên địch tự đến.

Thiên địch là các loài sâu có thể tự tiêu diệt lẫn nhau. Lâu lâu sâu cắn lá, sâu rầy xuất hiện, nhưng ngay sau đó bọ rùa bay đến ăn rầy, chim sâu ăn sâu…

Vấn đề của mình là tạo ra vi sinh để đẩy môi trường tiến tới cân bằng sinh thái, nếu không sẽ kéo dài thời gian.

Thường phân bò cứ để ẩm tự 6 tháng cũng sẽ hoai, nhưng mình có vi sinh trong phân bò, nên chỉ cần 40 ngày sẽ hoai, giúp môi trường nhanh đạt tới cân bằng…

Tuy nhiên, để dùng chuẩn nào cho loại rau nào thì tôi đã phạm rất nhiều sai lầm, sai và sửa thường xuyên.

Tôi cam kết không dùng hóa học, trồng cây cải con, đã giăng mùng toàn khu vườn để ngăn cách với bên ngoài, nhưng chỉ một đêm sâu ăn lá rỗ hết làm mình tan nát. Con này ăn lá thì khủng khiếp, thời gian đầu bế tắc, chỉ biết ngồi khóc.

Phải suy nghĩ nát óc làm sao hút bọ nhảy? Tôi nghĩ ra cách can thiệp về cơ học, với một máy hút tự chế. Sau khi có cái máy này, mấy bạn làm vườn rất yên tâm, chỉ cần lấy máy hút sạch sẽ mà lá không hề bị ảnh hưởng

Sau mô hình rau, chúng tôi hướng đến bổ sung củ quả, chế biến trái cây…

Giờ chúng tôi còn có một vườn ở Măng Đen, Tây Nguyên nữa để trồng cây ôn đới. Chọn Măng Đen vì môi trường khá trong lành, tốt hơn những nơi đã bị phun xịt thuốc nhiều như Đà Lạt, nhiệt độ cao nhất 25 độ C, thích hợp xúp lơ, bắp cải.

Hiện rau hữu cơ Happy Vegi tiêu thụ rất tốt, là sản phẩm duy nhất được tiêu thụ tại bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM.

[BizSTORY] Nguyễn Thị Quỳnh Viên và hành trình gây dựng thương hiệu rau xanh “6 không” - Ảnh 1.

Chị Viên (phải) bên vườn rau sạch.

Chị nói mình chỉ dừng ở mô hình? Làm thế nào để mọi người cùng làm rau hữu cơ, một ước mong gần như của mọi nhà? 

Nếu chúng ta quy hoạch được một vùng không gian rộng lớn, sẽ không phải giăng mùng, khi mọi người cùng làm, chắc chắn giá thành giảm, vì vận hành không cao, chi phí môi trường giảm xuống…

Mô hình này rất phù hợp cho các hộ dân vừa và nhỏ, tầm khoảng 3 đến 4 ngàn mét vuông, với 3-4 nhân công, thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng/người…

Với mức thu nhập đó, tôi nghĩ để mọi người được ăn rau hữu cơ là hoàn toàn có thể, nếu biết kết hợp với tổ chức phát triển vì cộng đồng nông nghiệp sạch để lan tỏa mô hình.

VinEco là ví dụ, chương trình của họ khá ý nghĩa về giáo dục cộng đồng, sức lan tỏa rất mạnh và lớn. Chúng tôi cũng tham gia vào chương trình giáo dục của họ.

Xuất thân là giáo viên, nên tôi rất tâm huyết với giáo dục cộng đồng về dùng và sản xuất rau sạch.

Rất nhiều nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay đang điêu đứng, vì thu chưa đủ bù chi, riêng chị thì thế nào?

Sau ba năm, hiện nay thu mới bù chi, còn tiền công mình không tính, chỉ tính tiền bảo trì, bảo dưỡng cho khu vườn thôi. Lương của nhân viên cũng tốt, từ 6-7 triệu một tháng, tạm ổn.

Nhiều người nói tôi vất vả thế mà sao không bán công nghệ đi?

Tôi chỉ muốn nhân rộng mô hình bằng cách chia sẻ cho tất cả mọi người. Tôi sẵn sàng mở lớp để nhân rộng mô hình hữu cơ linh hoạt này để giúp nông dân ứng dụng trong môi trường thực tế, một mô hình mẫu mà ai cũng có thể làm được…

Vậy theo chị, mức giá hiện nay của các sản phẩm hữu cơ có quá cao so với túi tiền của người dân?

Hiện lượng rau chúng tôi sản xuất không đủ bán, vì các đối tượng mua họ hiểu giá trị của mình, nên tiêu thụ không có gì khó khăn.

Tuy nhiên vì mình làm loại vườn chỉ mấy loại rau, sợ người tiêu dùng ngán, nên phải có thêm Măng Đen để thử nghiệm rau ôn đới.

Tôi lo nhất là sức mình bé quá, chỉ làm việc bé. Nhìn tầm rộng hơn, 10 năm nữa nếu Măng Đen không giữ môi trường sinh thái sẽ lại như Đà Lạt thôi.

Nhưng thực tế đang xảy ra hiện nay là không ai chịu hy sinh ban đầu để làm sản phẩm sạch.

Ai cũng sợ nếu tôi làm sản phẩm sạch ai sẽ thu mua cho tôi với mức giá tương xứng?

Vì vậy nên cứ làm bẩn, lại bài toán con gà và quả trứng. Rút cục người nông dân vẫn dùng phân thuốc vô tội vạ, cho sản phẩm bóng bẩy đẹp, giá tốt.

Quan trọng là ý thức nông dân. Ngay cả tập đoàn lớn VinEco cũng gặp khó với nông dân, cả đất nước chuyển mình mới có được nông nghiệp sạch, còn mình VinEco cũng không làm được.

Nhưng chị có lo ngại nhiều không khi các đại gia nhảy vào nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh, sẽ làm mất đi cân bằng sinh thái rất lớn, như bài học của Trung Quốc?

Chúng tôi đi hướng hữu cơ, đó là hướng đi khó nhất.

Theo tôi, đất nước mình trải dài ven biển, đi kèm nông nghiệp hữu cơ là tuyệt vời, tại sao phải chạy theo những chuyện người ta phải trả giá rồi?

Cộng đồng hữu cơ hiện nay quả thực là ít ỏi, nhưng tinh thần thì… bất khuất!

Ai cũng làm với cái tâm thôi, chỉ vì cộng đồng chứ chưa ai có lợi nhuận cả.

Ba giá trị tạo cảm hứng cho tôi để quyết liệt tới cùng với nông nghiệp hữu cơ, trước tiên là vì 70% nông dân của đất nước này.

Chưa nói tới sản phẩm, hàng ngày chính họ mới là người hít phải chất độc nhiều nhất từ phân thuốc trừ sâu trong khi canh tác.

Dù họ có trồng luống rau để ăn riêng nhưng trong môi trường dùng hóa chất, họ hít nhiều hơn người ăn rất nhiều.

Thứ hai là chỉ có hữu cơ mới giúp cho đất đai không bạc đi, môi trường trong lành. Thứ ba sản phẩm hữu cơ đưa tới tay người tiêu dùng an toàn tuyệt đối.

[BizSTORY] Nguyễn Thị Quỳnh Viên và hành trình gây dựng thương hiệu rau xanh “6 không” - Ảnh 2.
"Giá trị tạo cảm hứng cho tôi để quyết liệt tới cùng với nông nghiệp hữu cơ, trước tiên là vì 70% nông dân của đất nước này", chị Vên cho biết.  

Làm thế nào để chị truyền cho 15 nhân viên của mình một tinh thần bất khuất như thế, để kiên định với hữu cơ, kiên định với sự tử tế?

May mắn tôi có một đội ngũ cùng chí hướng cả trong những phút cơ cực nhất.

Muốn thế, mình phải truyền lửa cho cả những công nhân. Mặc dù lương luôn trả đủ, nhưng làm ra không có sản phẩm họ cũng nản. Ai cũng tâm niệm 6 không, phải học thuộc nằm lòng.

Bên cạnh đó phải hiểu rõ ba tiêu chí: Mình trồng không bị hóa chất, không ảnh hưởng sức khỏe chính mình; Sản phẩm làm ra tốt cho người tiêu dùng; Môi trường trở lại cân bằng tự nhiên, đất đai tốt lên…

Được cái khả năng là việc nhóm của các bạn rất tốt, biết giúp nhau vượt khó, có “ngọn cờ đào” để hướng tới…

Bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc, điều tôi vui nhất khi bước vào nông nghiệp hữu cơ là được gặp rất nhiều người tốt.

Tôi chưa tốn đồng nào cho truyền thông cả…mọi người đều tự nguyện xúm vào giúp mình làm cho mình càng quyết tâm.

Có được thành công hôm nay, người đồng đội luôn kề cận, giúp tôi rất nhiều về marketing, xây dựng thương hiệu chính là chị Trần Ngọc Diệp.

Xuất thân là bác sĩ dinh dưỡng, có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Nestlé, chị cũng có khuynh hướng thích trồng trọt giống mình.

Khi gặp chị, tôi như cá gặp nước, bởi chị bổ khuyết cho tôi những điều mà mình thiếu.

Về kỹ thuật thì tôi rất mạnh, nhưng về marketing rất yếu.

Khó nhất với tôi là truyền lửa cho nông dân, khó thứ hai là xây dựng thương hiệu.

Buồn nhất là đi bán rau mà các cửa hàng không chịu dán thương hiệu của mình lên sản phẩm.

Là bác sĩ dinh dưỡng, hiểu về phẩm sức khỏe, trẻ em, có chị tôi như được tiếp thêm sức mạnh

Chúng tôi cũng được hỗ trợ rất nhiều từ chương trình Hàng Việt của BSA qua Phiên chợ xanh tử tế, kết nối với hoạt động của BSA để giáo dục cho các bạn trẻ làm nông nghiệp…

Mình cảm thấy không đơn độc nhờ có nhóm làm nông tử tế, dù nhóm nhỏ thôi nhưng cùng tinh thần vì cái thiện lành…

Trở lại với thực tế, không lợi nhuận thì chị… lấy gì nuôi con?

Người “ức” nhất không phải chồng, vì anh xuất thân là nông dân, hiểu rất rõ công việc mình làm.

Nhưng người thương và băn khoăn nhất là mẹ, mẹ khóc ròng “mày làm gì vậy, suốt ngày ở ngoài đồng ruộng đen thủi đen thui, lâu lâu lại lấy tiền chồng bù vô?”…

Mình làm vì cộng đồng thôi, từ khi trồng rau, mình vứt đề tài khoa học vào sọt. Cuộc sống cuốn đi, mình thay đổi lúc nào không biết. Chẳng bao giờ nghĩ mình đi học cho đã để làm nông dân.

Thời đại 4.0 rồi, người nông dân không thể lấy cần cù bù thông minh, mà cần tri thức…

Điều mình được lớn nhất là giá trị tinh thần, một môi trường tốt, một sản phẩm tốt, những con người tốt, mình thấy an vui hơn nhiều.

Ai làm khởi nghiệp cũng mất thời gian, công sức, tiền bạc.

Hiện giờ cuộc sống của tôi đã qua giai đoạn mưu sinh, ở trạng thái ổn định, không phải nuôi nó nữa.

Nếu mô hình hữu cơ nhỏ này giúp nông dân có thể sống tốt được nhờ không phải trả giá, nhờ kinh nghiệm người khác… thì tôi thấy mãn nguyện lắm rồi.

Điều tôi lo nhất là ý thức của người tiêu dùng. Một số lớn người tiêu dùng bây giờ nghĩ rau phải rẻ, rau mắc hơn thịt khó bán lắm.

Phải tìm hiểu giá trị thực sự của một bó rau, chu kỳ cây rau rất ngắn, người nông dân rất tốn công, nếu giá rau hữu cơ so với rau thường đắt gấp 10 lần là bình thường…

Thực tế giá rau hữu cơ hiện nay chưa đúng với giá thực, người làm hữu cơ vẫn đang hy sinh, tại sao người tiêu dùng không chia sẻ được điều đó?

Theo Kim Yến

BizLive

Trở lên trên