MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bloomberg ASEAN Business Summit 2016: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo về sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ

08-12-2016 - 11:41 AM | Tài chính quốc tế

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Bloomberg 2016, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể và đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Bloomberg 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt chính phủ Việt Nam chào mừng các đại biểu và đại diện doanh nghiệp tham dự hội nghị đồng thời đánh giá cao sự kiện Bloomberg tổ chức tại thủ đô Hà Nội ngày 8/12.

Phát biểu trước đông đảo các lãnh đạo CEO của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới cũng như khu vực cùng với nhiều chuyên gia uy tín, Thủ tướng đã cảnh báo về sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ.

Thủ tướng nhấn mạnh, ASEAN và thế giới đang đối mặt với hàng loạt thách thức về an ninh, kinh tế, lương thực, tiền tệ, biến đổi khí hậu trong khi chủ nghĩa bảo hộ đang có dấu hiệu quay trở lại. Dẫu vậy, thế giới cũng đang đứng trước những thuận lợi lớn từ cuộc cách mạng Công nghiệp lần 4. Trong khu vực, việc hình thành cộng đồng ASEAN cũng mang đến nhiều lợi thế.

Do đó, các nước ASEAN cần đoàn kết, đẩy mạnh kết nối kinh tế, phát triển giao thông, đạo điều kiện xây dựng thị trường ASEAN thống nhất, hiệu quả. Từng thành viên của ASEAN cần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng AEC, có vai trò là động lực của quá trình liên kết kinh tế, tạo động lực mới cho quá trình phát triển thương mại và đầu tư.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần tìm cơ hội hợp tác có lợi cho ASEAN. Về phần mình, Thủ tướng chinh phủ khẳng định Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện và chào đón các doanh nghiệp quốc tế đã chọn ASEAN làm điểm đến tin cậy.

Tại thời điểm đánh đấu một năm các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua các cộng đồng, trong đó có Cộng đồng Kinh tế (AEC), Thủ tướng cho biết thực hiện tầm nhìn tới năm 2025, Việt Nam đang cùng các nước ASEAN quyết tâm củng cố và làm sâu sắc hơn nữa liên kết, xây dựng một cộng đồng vận hành theo luật lệ, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người dân.

Việt Nam hiện có 22.000 dự án đầu tư FDI với tổng số 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Bên cạnh AEC, Việt Nam đã ký 12 hiệp định Thương mại Tự do (FTA) tiêu chuẩn cao với các nước, hợp tác cùng 55 quốc gia bao gồm nhiều nước G7 và 15/20 nước thuộc nhóm G20.

Linh Anh - Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên