MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ bớt những quy định chung chung

Luật Hỗ trợ DNNVV đang được nhiều DN, đặc biệt là những DN nhỏ và siêu nhỏ mong chờ.

Tuy nhiên theo ý kiến nhiều chuyên gia, hiện Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng, nội dung chưa hợp lý cần phải thay đổi, chỉnh sửa cho sát hơn nữa. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức (ảnh), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) về vấn đề này.

Ông nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa của Luật Hỗ trợ DNNVV với nhóm DN này?

DN nói chung có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là DNNVV. Đây là nền tảng bền vững giải quyết công ăn việc làm và đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế vĩ mô. Nếu không có DNNVV thì không thể có DN lớn. DN lớn, DN có đầu tư nước ngoài muốn hoạt động tốt đều phải dựa vào DNNVV. Bởi vậy, việc ban hành một đạo luật hỗ trợ DNNVV vào thời điểm này là muộn so với tiến trình hội nhập. Tuy nhiên muộn còn hơn không. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra đó là cần có một hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp và hỗ trợ tốt hơn cho DNNVV.

Ông có đánh giá gì về dự thảo Luật DNNVV? Dự thảo này đã đúng và trúng với yêu cầu đặt ra phải hỗ trợ cho nhóm DN này phát triển chưa thưa ông?

Trước hết, để Luật này có thể phát huy hết tác dụng, cần có một định nghĩa chuẩn về DNNVV. Định nghĩa được sử dụng trong dự thảo xem chừng chưa được hợp lý lắm khi chưa phân biệt rõ ràng nhóm DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với nhóm DN vừa. Lấy ví dụ, với quy định trong dự thảo, 1 DN vừa là DN có doanh thu dưới 3 tỷ đồng với 300 lao động. Nhưng thực chất với quy mô nền kinh tế của nước ta, đây có thể coi là một DN lớn bởi nó có khoảng cách khá rõ với nhóm DN nhỏ. Như vậy việc xếp DN này chung nhóm để hưởng ưu đãi với những DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ là không công bằng.

Khái niệm cần tiếp cận theo hướng xác định tiêu chí vốn và số lao động. Bên cạnh đó, cũng nên phân loại làm ba nhóm DN là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phân loại làm ba nhóm lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ. Cần đặc biệt quan tâm đến DN nhỏ và siêu nhỏ thuộc tất cả các lĩnh vực và tách riêng hai nhóm này với những ưu đãi và sự quan tâm nhất định.

Vậy theo ông, những chính sách đặt ra trong dự thảo để hỗ trợ DN đã hợp lý chưa?

Hỗ trợ như thế nào và hỗ trợ những gì cũng là câu hỏi được đặt ra? Theo tôi các biện pháp hỗ trợ DN cần được dự thảo quy định cụ thể chi tiết hơn, bao gồm trợ giúp về mặt tài chính, mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công.

Mặt khác, vấn đề quan trọng đối với DN đó chính là vốn và việc được hưởng vốn vay ưu đãi vẫn còn điểm chưa hợp lí và khả thi. Chẳng hạn, đặt quy định các ngân hàng cho DN vay nhiều sẽ được ưu đãi. Với quy định này, nếu như ưu đãi những gì thuộc về chính sách Nhà nước, ngân sách thì hợp lí. Còn nếu ưu đãi theo cách ngân hàng giảm lãi suất hay ngân hàng được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm khó các ngân hàng bởi trong mọi trường hợp ngân hàng vẫn cần căn cứ vào đánh giá rủi ro, khả năng thu hồi vốn, tài sản đảm bảo, phương án dự án… và đặc biệt ngân hàng luôn phải đảm bảo an toàn vốn và khả năng thanh khoản nhất định. Nếu ưu đãi DN mà ảnh hưởng đến “sức khoẻ” của nhóm ngân hàng thì không được. Bởi vậy đòi hỏi dự thảo Luật phải xác định rõ nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay từ nguồn khác và cách thức để các DN nhận được hỗ trợ này như thế nào.

Một điểm nữa không thấy dự thảo Luật nhắc đến đó là việc hỗ trợ pháp lý cho DN. Một DN có thể kinh doanh tốt, hiểu biết thị trường nhưng hiểu biết chuyên sâu về pháp lý thì ít DN làm được bởi những DN nhỏ hầu như không có điều kiện kinh tế để thuê nhân viên chuyên trách về vấn đề này.

Mặt khác, Luật cũng cần quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan Nhà nước với những chính sách hỗ trợ cụ thể chứ không thể chỉ dừng lại ở những quy định chung chung như “trả lời” hay “xử lý”. Như thế hiệu quả làm việc sẽ không cao.

Với dự thảo như vậy, khi Luật hỗ trợ DNNVV ra đời có đáp ứng được đúng mong muốn và nguyện vọng của DN không thưa ông?

Theo nhận định của tôi, tại dự thảo Luật vẫn còn khá nhiều điều không thực tế, không khả thi hoặc chỉ mang tính khẩu hiệu, chung chung. Luật phải được áp dụng ngay, không cần phải giải thích, hướng dẫn trừ những trường hợp phát sinh do diễn biến tình hình không lường trước được. Đặc biệt, Luật Hỗ trợ DNNVV được hình thành trên cơ sở đã có đầy đủ hết từ Luật DN nên theo tôi chỉ nên đưa vào những điều cụ thể, không cần thiết phải nhắc lại luật khác. Những quy định chung chung tốt nhất nên bỏ, tập trung vào những điều khả thi.

Đặc biệt, ban hành Luật phải bảo đảm sự phù hợp, không mâu thuẫn và nhất là không được trái với các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do. Bởi nếu không cẩn thận đây sẽ là một trong những nguyên nhân khiến DN XK bị kiện về việc chống trợ cấp. Nếu Luật không rõ ràng, các nước khác sẽ không khó chứng minh điều này nếu chiếu theo quy định của Luật.

Quan trọng nhất, xuất phát từ thực tế, việc tiếp nhận thông tin về các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của các DNNVV rất hạn chế, thậm chí văn bản đã có hiệu lực thi hành nhưng các DN vẫn chưa hề hay biết dẫn đến việc thực hiện sai quy định của pháp luật. Bởi vậy, cần thiết phải bổ sung biện pháp hỗ trợ thông tin và tư vấn pháp lý cho DNNVV.

Cần có quan điểm chỉ đạo rõ ràng, đổi mới đột biến của người soạn thảo, góp ý thì Luật mới thực sự đáp ứng được kỳ vọng của DN.

Xin cám ơn ông!

Ông Nguyễn Đức Định, Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý dự án xây dựng miền Trung:

Trong dự thảo có quy định DN nhỏ được giảm 5% thuế Thu nhập DN trong 5 năm đầu kể từ khi sản xuất kinh doanh. Tôi thấy quy định này nghe có vẻ hay nhưng không hợp lý bởi một DN bình thường vài năm đầu sau khi thành lập thường khó có lãi. Thu nhập không có vậy thì miễn thuế thu nhập để làm gì? Nếu quy định miễn giảm thì nên tập trung vào miễn thuế Giá trị gia tăng hay thuế đất đai. Ngoài ra cũng chưa có quy định ưu đãi rõ ràng về mặt bằng sản xuất, tham gia mua sắm, cung ứng dịch vụ công. Đó mới là điều một DN nhỏ cần.

Ông Đỗ Hồng Thái, Giám đốc Công ty Cổ phần kết cấu thép Vsteel:

Dự thảo mới chỉ có những quy định chung chung rằng DNNVV sẽ được hỗ trợ ưu đãi về chính sách, về thuế, về thuê mặt bằng… nhưng tôi thấy còn chưa cụ thể. Còn nếu quy định cụ thể thì chỉ nên đưa vào những điều có khả năng thực hiện. Ví dụ như dự thảo nêu rõ DN được cho vay với lãi suất ưu đãi hơn, rẻ hơn nhưng lại không nêu rõ những ngân hàng nào cho vay, trường hợp nào được vay. Quy định như vậy không có nghĩa lý gì trừ trường hợp nếu Nhà nước cảm thấy có quỹ nào đó hỗ trợ được thì Nhà nước cần đặt ra rằng sẽ có một quỹ nào đó bảo lãnh DN, hay quỹ cho vay phát triển tài trợ và thông qua ngân hàng chính sách. Còn việc nhận ưu đãi thông qua ngân hàng thương mại thì không thể làm được bởi bản thân ngân hàng cũng là DN, cũng cần tính toán thiệt hơn. Một DN siêu nhỏ vốn ít, không tài sản đảm bảo thì lấy gì cam kết để được cho vay.

Những vấn đề về lao động, đất đai, thuế cũng tương tự. Tôi nghĩ phải có đầu mối, cơ quan chuyên trách làm việc đó để hỗ trợ DNNVV thay vì đầu mối nói chung. Phải quy định rõ nhiệm vụ, vai trò của đơn vị hỗ trợ.

Thuỳ Linh (ghi)

Theo Thùy Linh

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên