MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương khẳng định sẽ 'cứu' nhiệt điện Thái Bình 2

Bộ trưởng Công Thương cho biết tháng 3 sẽ cử đoàn công tác về làm việc tại địa phương liên quan đến nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Tháp tùng Thủ tướng làm việc với tỉnh Thái Bình chiều 14/2, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải cứu Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy vậy, để làm được, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ với Uỷ ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp với các bộ ngành liên quan và địa phương.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ cứu nhiệt điện Thái Bình 2 - Ảnh 1.

Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia làm chủ đầu tư là một dự án lớn, có công suất 1.200 MW. Hiện dự án mới đạt khoảng 83% khối lượng, tiến độ.

"Không có lý do gì mà chúng ta lại để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực đầu tư lớn như vậy, nhất là khi Dự án có điều kiện để hoàn thành", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương dẫn lời.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất trong tháng 3, Bộ sẽ cử Đoàn công tác về làm việc cụ thể với địa phương trong đó có nội dung liên quan đến Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Công Thương trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để có hướng xử lý vướng mắc của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thời gian tới. Dự kiến năm 2020, nhà máy này được khánh thành.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), đến giữa tháng 10/2018, tiến độ tổng thể của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đạt 82,78% khối lượng, giải ngân đến tháng 10/2018 là 31.263 tỷ đồng.

Như vậy, sau gần một năm kể từ lúc PVN báo cáo Thủ tướng là tháng 11/2017, dự án gần như không có tiến triển, tiến độ tổng thể dự án chỉ tăng từ mức 80,9% lên 82,78%.

Có rất nhiều vướng mắc, tồn tại được các cơ quan chức năng chỉ ra, chẳng hạn như nhà thầu PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện than, năng lực tài chính lại kém.

Mới đây, theo Tuổi Trẻ, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ chủ động cân đối tiến độ vận hành nhà máy trong quy hoạch điện VII điều chỉnh là tháng 6 và tháng 10/2020.

Trong khi đó,theo kiến nghị của PVN, Tập đoàn này muốn dùng 2.500 tỷ đồng từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2, lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh để hoàn thành dự án.

Đồng thời, sử dụng vượt số vốn chủ sở hữu theo tỉ lệ 30/70 (vốn chủ sở hữu/vốn vay) quy định trong dự án đầu tư, đề nghị điều chỉnh tiến độ hoàn thành tổ máy 1 dự án vào tháng 6/2020 và tổ máy 2 tháng 10/2020.


Theo Nam Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên