MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương: Mục tiêu xuất khẩu tăng 10%, nhập khẩu thép có thể tăng mạnh

18-01-2018 - 12:31 PM | Thị trường

Trong năm nay, nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-6,7% Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính chung cả năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước. Tính chung cả năm 2017, Việt Nam xuất siêu 2,7 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc cho biết "Năm 2017, Việt Nam có 29 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Nếu chúng ta có khoảng 50 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD thì sẽ rất tuyệt vời".

Trong năm nay, nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-6,7%, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Bộ Công Thương cho biết dự báo kinh tế thế giới năm 2018 tiếp tục phục hồi, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu. Bên cạnh đó, các dự án lớn trong các các ngành điện tử- viễn thông, công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến chế tạo được đầu tư trong thời gian qua sẽ bước vào khâu sản xuất, xuất khẩu hứa hẹn tạo ra nguồn hàng cho xuất khẩu.

Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường đạt tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) như xuất khẩu sang ASEAN tăng 24,3%, đạt 21,7 tỷ USD, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60,6% đạt 35,3 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 15 tỷ USD, tăng 31,1%...Ngoại trừ xuất khẩu sang thị trường châu Phi giảm 2,9%, xuất khẩu sang châu lục khác đều đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Trong năm 2018, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, dày dép, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nông sản và thủy sản tiếp tục được hưởng lợi từ các FTA đã ký kết thời gian qua và kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn tại thị trường EU khi FTA với khu vực này chính thức có hiệu lực. Trong năm 2017, riêng đối với mặt hàng nông sản, thủy sản, nhóm hàng này cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh, đạt 25,9 tỷ USD, tăng 16,9%. Đây là mức tăng trưởng cao gấp 2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43,1%, gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 22,7%.

Tuy nhiên, xuất khẩu năm 2018 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như EU và Mỹ có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều. Căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi có thể ảnh hưởng đến tài chính thế giới và giá cả các mặt hàng nguyên nhiên liệu đồng thời nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng giảm theo.

Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản. Nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản. Xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng, các nước nhập khẩu đặt ra ngày càng nhiều rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại.

Một số mặt hàng nông sản, khoáng sản sắp đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao về lượng xuất khẩu.

Về chiều nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết nhập khẩu máy móc thiết bị, sắp thép được dự báo tiếp tục tăng do nhu cầu xây dựng nhà xưởng, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký trong thời gian qua. Nhập khẩu các mặt hàng nhiên liệu dự báo giảm tốc khi các dự án sản xuất nhiên liệu được đầu tư trong thời gian qua đi vào hoạt động, cung cấp sản phẩm cho thị trường. Tuy vậy, một số dự án nhiên liệu sử dụng nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu nên xét về tổng thể kim ngạch nhập khẩu không giảm nhiều.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

Trở lên trên