MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương sẽ xem xét phát triển điện mặt trời với cơ cấu hợp lý

Cần thực hiện thí điểm đấu thầu các dự án điện mặt trời năm 2020 để hoàn thiện và thực hiện rộng rãi từ năm 2021, đảm bảo minh bạch, sát giá thị trường.

Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) về nội dung và kết quả cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời diễn ra mới đây, phù hợp với việc phát triển lưới truyền tải, mức độ khuyến khích phù hợp đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; cần khuyến khích điện mặt trời áp mái; không nên chia nhiều vùng, cần xem xét chia vùng phù hợp.

Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tập trung nghiên cứu đề xuất cơ chế tư nhân tham gia đầu tư hệ thống truyền tải.

Bộ Công Thương sẽ xem xét phát triển điện mặt trời với cơ cấu hợp lý - Ảnh 1.

Điện mặt trời góp phần cung ứng, bổ sung nguồn điện sạch cho hệ thống điện Việt Nam.


Sau khoảng 2 năm thực hiện Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, đến nay đã đạt được một số kết quả tốt. Thu hút đầu tư và đưa vào vận hành 84 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 4.500 MW, góp phần cung ứng, bổ sung nguồn điện sạch cho hệ thống điện Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ chế này cũng đã bộc lộ một số nhược điểm như giá mua điện vẫn cao hơn giá bán lẻ điện, phát triển quá ồ ạt dẫn đến khó khăn trong giải tỏa công suất.

Thực tế là thời gian qua, các dự án điện mặt trời và điện gió đã được đầu tư nhiều, đặc biệt tại các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa... đã gây nên sự quá tải lên đường dây truyền tải; nhiều trường hợp không thể giải tỏa hết công suất các dự án khiến điện không bán được làm nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Giải thích về điều này tại cuộc họp báo tại Bộ Công Thương gần đây, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, sau khi có các cơ chế về giá ưu đãi đối với điện mặt trời, điện gió, các dự án điện năng lượng tái tạo này phát triển quá nhanh.

Để đầu tư 1 dự án điện mặt trời với công suất 50-100MW chỉ mất khoảng 6 tháng, nhưng việc đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500kV phải mất 3 năm, đường dây 220kV mất 2 năm. Do vậy, việc phát triển lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ đầu tư các dự án điện mặt trời.

“Để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng đã có tờ trình Chính phủ bổ sung quy hoạch tổng sơ đồ điện 7 hiệu chỉnh, xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, các trạm 500kV, đường dây 500kV, mạch kép và các đường dây 220kV, các nhánh rẽ... Dự kiến sẽ có thêm nhiều công trình được đầu tư vào cuối 2019 và đầu năm 2020”, ông Hùng nêu giải pháp.

Mặc dù vậy, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho rằng, việc đầu tư triển khai xây dựng các đường dây này còn gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, thời gian thi công, đền bù giải phóng mặt bằng...

Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN khẩn trưởng thực hiện tiến độ các dự án đường dây đi vào vận hành; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế xã hội hóa, tư nhân với đầu tư đường dây truyền tải, để đáp ứng tiến độ, giảm áp lực đầu tư, đáp ứng các dự án điện mặt trời, điện gió đi vào vận hành./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên