MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất giảm thuế để 'giải cứu' xi măng

Bộ Kế hoạch & Đầu tư ước tính chi phí xuất khẩu xi măng tăng 7,5 USD một tấn và clinker (nguyên liệu đầu vào với sản xuất xi măng) tăng khoảng 4,5 USD một tấn.

Mới đây công ty chứng khoán ngân hàng BIDV (BSC) công bố báo cáo tổng quan về các ngành quý III năm 2017. Với ngành xi măng, công ty này nhận định thị trường tiêu thụ xi măng chưa có tín hiệu khả quan.

BSC ước tính 5 tháng đầu năm, tiêu thụ thị trường nội địa đạt 24,09 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức 24,13 triệu tấn của cùng kỳ 2016. Trong đó tiêu thụ tại miền Bắc là 9,85 triệu tấn (giảm 2,05% so với cùng kỳ năm ngoái), miền Trung là 5.45 triệu tấn (giảm 3,04%) và miền Nam là 8,79 triệu tấn (tăng 4,06%).

Với hoạt động xuất khẩu lượng xi măng và clinker xuất khẩu đạt 8,25 triệu tấn (tăng 16,6%) và trị giá 288 triệu USD (tăng 10,9%).

Tuy nhiên công ty chứng khoán này nhận định xuất khẩu xi măng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi quy định về Thuế. Cụ thể năm 2016 Chính phủ ban hành một số quy định liên quan đến ngành xi măng bao gồm: Nghị định số 100/2016/NĐ-CP (xuất khẩu hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào) và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP (các vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế xuất khẩu 5%).

Hai chính sách này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng xi măng xuất khẩu, dẫn đến tăng nguồn cung và cạnh tranh trong nước. Tổng cục Hải quan cũng đã trao đổi với đại diện hiệp hội Xi măng và phía doanh nghiệp để có thể tìm ra giải pháp giải quyết hợp lý.

Mới đây, báo cáo về các ngành công nghiệp của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề cập đến vấn đề thuế. Bộ này đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét, báo cáo Chính phủ giảm thuế xuất khẩu xi măng xuống thấp hơn mức 5% đang áp dụng, và cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào với ngành sản xuất chế biến nguyên liệu từ khoáng sản.

Với quy định về thuế trên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư ước tính chi phí xuất khẩu xi măng tăng 7,5 USD một tấn và clinker (nguyên liệu đầu vào với sản xuất xi măng) tăng khoảng 4,5 USD một tấn. Điều này khiến xi măng Việt Nam khó cạnh tranh với xi măng Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản..., ảnh hưởng rất lớn đến cung cầu xi măng trong nước.

Hiệp hội xi măng Việt Nam cũng từng công bố số liệu về tổng công suất ngành trong đó năm 2016 đạt gần 88 triệu tấn, năm 2018 sẽ là 108 triệu tấn và năm 2020 có thể đạt 120-130 triệu tấn. Dự kiến ngành xi măng sẽ dư thừa khoảng 36-47 triệu tấn trong 3 năm tới. Theo quy hoạch ngành này với sức tiêu thụ trong nước ước tính đến năm 2020 là 93 triệu tấn thì con số cung vượt cầu sẽ từ 25-36 triệu tấn.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên