MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Lao động nói gì về đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu?

Trong Bộ Luật Lao động 2012 sửa đổi sắp tới sẽ đề cập tới phương án tăng tuổi nghỉ hưu và giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như hiện nay.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày 27-4, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết hiện nay, đề án cải cách BHXH đang trong quá trình hoàn thiện để trình Hội nghị Trung ương 7. Trong đề án này có đề cập đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu .

Cũng theo ông Nam, tuổi nghỉ hưu là một vấn đề được đưa ra trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động 2012 tới đây. Trong đó có phương án tăng tuổi nghỉ hưu và giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như hiện nay. Khi Trung ương, Quốc hội xem xét tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề này tiếp tục được đưa vào Bộ Luật Lao động để Quốc hội thông qua. "Thời điểm này vẫn có nhiều phương án về tuổi nghỉ hưu. Có điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hay không sẽ do Trung ương xem xét quyết định và Quốc hội có ý kiến chính thức. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không phải là mới"- ông Nam thông tin thêm.

Nói thêm về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết thời gian qua có ý kiến nói rằng lý do đề xuất tăng tuổi hưu nhằm tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH ở giai đoạn sau này. Đây là nhận định hoàn toàn chưa có căn cứ. Theo ông Quảng, trong quá trình hoàn thiện pháp luật BHXH, đặc biệt là quá trình xây dựng Luật BHXH năm 2006, Tổ chức Lao động quốc tế có đưa ra một nhận định trên cơ sở nghiên cứu, đó là nếu thực hiện nguyên tắc đóng và hưởng như quy định của Luật BHXH năm 2006 thì có khả năng mất cân đối quỹ trong tương lai. Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014, thay cho Luật BHXH 2006, đã được sửa đổi và bổ sung để giải quyết các bất cập đó.

Luật BHXH sửa đổi đã có nhiều quy định điều chỉnh mới, trong đó mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nâng chế độ ưu đãi khi tham gia BHXH tự nguyện để mở rộng các diện bao phủ. Cùng đó, Luật BHXH năm 2014 đã tính toán cụ thể về tỉ lệ giảm trừ quyền lợi khi người lao động nghỉ hưu trước tuổi theo Luật Lao động, tăng thời gian đóng góp để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% cho lao động nam và nữ... Những quy định này cũng nhằm khắc phục dự báo mất cân đối quỹ trong tương lai.

Trước đó, tại buổi trình bày sơ bộ đề án cải cách BHXH chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7 tại phiên họp Ủy ban Về các vấn đề xã hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết trong đề án sẽ bàn đến 2 phương án tuổi nghỉ hưu. Phương án 1 là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm 3 tháng. Phương án hai là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm 4 tháng.



Theo D.Thu

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên