MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet làm "nóng" nghị trường Quốc hội

23-05-2019 - 14:49 PM | Thị trường

Quy định cấm hay không cấm bán rượu, bia trên internet đã làm nóng nghị trường sáng 23.5, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia .

Bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet

Theo bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, trước việc nhiều đại biểu cho rằng quy định cấm bán rượu, bia trên internet không khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet.

Bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet làm nóng nghị trường Quốc hội - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. Ảnh:quochoi.vn

Quy định này được điều chỉnh theo hướng, dự Luật không cấm bán rượu, bia trên internet mà chỉ quy định điều kiện bán theo hình thức thương mại điện tử.

Ngoài ra, dự thảo chỉ quy định cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên thay vì cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên như dự thảo trước

Tổ chức, cá nhân khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ cồn phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan; truyền hình không được quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn từ 19h đến 20h hằng ngày.

"Vẽ đường cho hươu chạy"?

Việc bỏ ra khỏi dự thảo một số điều luật về quảng cáo, cũng như thu hẹp khung giờ cấm quảng rượu, bia dưới 15 độ cồn khiến một số đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), cho rằng nên giữ lại quy định cấm bán rượu bia trên Internet.

Còn đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khẳng định, điều luật được cho là "xương sống" của dự thảo luật lần trước như cấm quảng cáo, cấm bán rượu, bia trên internet… đã bị "đẩy ra ngoài”.

Bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet làm nóng nghị trường Quốc hội - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương).

Ông cho rằng với xu thế phát triển của internet và độ tuổi tiếp cận ngày càng trẻ hóa hiện nay, việc bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên 15 độ cồn trên internet bị bỏ ra là "vẽ đường cho hươu chạy".

Trước các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là cần thiết. Việc soạn thảo dự luật này đã qua 2 nhiệm kỳ của Quốc hội, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi hiện có 155 nước đã xây dựng và có luật này.

Cũng theo Bộ trưởng Tiến, thời gian tới, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến trên bình diện, vừa đảm bảo bảo vệ sức khỏe của người dân, các ảnh hưởng của xã hội, nhưng phải đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp rượu bia để có lộ trình thích ứng từ từ.

11 hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến rượu, bia

1. Sử dụng cồn, men, nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; men, cồn thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nguyên liệu không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

2. Quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên.

3. Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên hoặc sử dụng rượu từ 15 độ cồn trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

4. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

5. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia.

6. Bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi, người đã có dấu hiệu say rượu, bia.

7. Cho người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

8. Người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

9. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

10. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khoẻ.

11. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, thời gian học tập, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Theo Đ.Chung-C.Nguyên-T.Trung

Lao động

Trở lên trên