MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng hệ sinh thái tài chính số vào năm 2025

Cá nhân hóa, qua các thiết bị di động, công nghệ đám mây,… là định hướng cung cấp dịch vụ công, dịch vụ dữ liệu được nêu trong Nghị quyết về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực Tài chính – Ngân sách do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ký ban hành.

Theo bản Nghị quyết, Bộ Tài chính đang chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.

"Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái Tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức" – bản Nghị quyết nêu rõ.

Bộ Tài chính đặt mục tiêu hoàn thành đám mây ngành Tài chính ở mức hạ tầng vào năm 2025. Đồng thời, tiến hành quy hoạch và chuyển đổi từng bước các ứng dụng sang môi trường đám mây; thiết lập hệ thống quản trị an toàn thông tin toàn diện, thống nhất, phù hợp với các giai đoạn chuyển đổi số ngành Tài chính, tuân thủ các quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thông tin.

Khi thành công, đám mây ngành tài chính sẽ giúp hoàn thiện môi trường làm việc điện tử trong ngành theo hướng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, tinh giản và tự động hóa các quy trình hoạt động nội bộ, cung cấp khả năng tra cứu thông tin và xử lý nghiệp vụ trên thiết bị di động, hướng tới văn phòng không giấy tờ.

Việc ứng dụng công nghệ mới thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng sẽ tạo nên hệ sinh thái Tài chính số trên cơ sở dữ liệu mở ngành Tài chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức dễ dàng, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của ngành Tài chính.

Nghị quyết này được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dụng ban hành trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Cách đây 1 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hành Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang bước đầu xây dựng Chính phủ điện tử. Chính phủ số là bước phát triển cao hơn tiếp theo sau Chính phủ điện tử. Nếu như Chính phủ số nhìn nhận việc chuyển đổi nghiệp vụ thông qua việc sử dụng công nghệ, thì Chính phủ điện tử nhìn nhận các cải tiến quy trình thông qua việc khai nộp các văn bản điện tử và tương tác người dùng qua cổng thông tin điện tử trên mạng.

Do đó, Chính phủ số đầu tư vào các công nghệ mới thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (như Internet kết nối vạn vật – Internet of Things, chuỗi khối – Blockchain, thiết bị di động - Mobility, điện toán đám mây- Cloud, dữ liệu lớn – Big Data với mô hình phân tích dữ liệu – Data analytics và trí tuệ nhân tạo – Artificial intelligence) để hợp lý hóa hoặc loại bỏ các quy trình, từ đó cho phép chính phủ có khả năng đổi mới công tác quản lý và dịch vụ công, mang lại tính hiệu quả, hiệu lực cao hơn cho Chính phủ trong thời đại kỹ thuật số. Chính phủ số cũng là nền tảng để xây dựng Chính phủ thông minh.  

DQ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên