MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính muốn “siết” việc phân chia lợi nhuận tại các ngân hàng

29-06-2017 - 22:03 PM | Tài chính - ngân hàng

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ bổ sung quy định người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn chi phối của nhà nước phải thống nhất việc phân chia lợi nhuận còn lại tránh lùm xùm như thời gian vừa qua tại một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

Tại cuộc họp báo chuyên đề về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp chiều nay (29/6), ông Đặng Quyết Tiến, Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã chủ trì, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức , lợi nhuận được chia vào Ngân sách nhà nước nhằm tăng cường xử lý trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước phần cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của Nhà nước. Việc này nhằm tránh trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định để lại doanh nghiệp và điều chỉnh tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung tại dự thảo Nghị định quy định: Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước phải báo cáo xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận còn lại để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên.

Quy định này cũng được áp dụng tương tự quy định đối với người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp là ngân hàng thương mại cổ phần tại Nghị định số 57/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ và thực tế điều hành việc này của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp cổ phần thời gian qua.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, quyết định nêu trên được rút ra từ lùm xùm thời gian qua khi ngân hàng muốn giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức để tăng vốn nhưng Bộ Tài chính lại muốn thu cổ tức về.

Việc bổ sung quy định sẽ tránh trường hợp một số doanh nghiệp muốn tăng vốn bằng lợi nhuận để lại nhưng ở góc độ Nhà nước, việc tăng vốn này đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ tăng quy mô vốn sở hữu tại doanh nghiệp đó.

"Thậm chí, với một số trường hợp còn phải thoái vốn chứ không phải là tăng quy mô vốn sở hữu lên. Quy định trên sẽ đảm bảo lợi ích của Nhà nước khi giờ công khai luôn là phải chia, còn không muốn chia phải có ý kiến", ông Tiến nói.

Trước đó, việc chi trả cổ tức cho cổ đông bằng phát hành cổ phiếu thưởng hay bằng tiền mặt đã khiến Bộ Tài chính nhiều lần phải “thúc giục” Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại có vốn cổ phần Nhà nước chi phối.

Cụ thể, trong năm 2016, Bộ Tài chính nhiều lần có công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) biểu quyết chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước. Hiện phần vốn Nhà nước tại VietinBank là 64,46%, còn tại BIDV là hơn 95%.

Mặc dù ban đầu, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, cả hai ngân hàng này đều cam kết sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ trên dưới 10% nhưng sau đó đều lỡ hẹn. Nếu như BIDV cho biết sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 8,5% thì VietinBank thậm chí còn tuyên bố không chia cổ tức.

Sau nhiều lần Bộ Tài chính “thúc” đến đầu năm 2017 VietinBank mới chốt lại được phương án trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2015, với tỷ lệ 7%. Trong khi, BIDV giữ nguyên mức chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 8,5%.

Theo Nguyễn Thảo

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên