MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính nói gì về việc chào bán không thành công hơn 52 triệu cổ phiếu Vinamilk?

Thời gian thực hiện việc bán vốn là gấp khi kế hoạch mới chỉ được duyệt hồi tháng 9 và tới tháng 12 đã tổ chức bán ngay.

Phiên đấu giá bán 9%/vốn điều lệ cổ phần nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (mã VNM) với kết quả chỉ có 2 tổ chức mua 5,4% còn lại 3,6% là chưa bán hết hoặc “không có người mua”.

Thông tin tại cuộc họp chiều 23/12, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân do, thời gian thực hiện việc bán vốn là gấp khi kế hoạch mới chỉ được duyệt hồi tháng 9 và tới tháng 12 đã tổ chức bán ngay.

Đặc biệt, tháng 12 theo ông là thời điểm các nhà đầu tư tất toán để nghỉ Tết nên không dễ để các đơn vị bỏ tiền đi mua. “Chỉ bán 9%, còn nếu tung ra nhiều hơn là vỡ trận ngay”, ông Tiến nói.

Cũng theo vị đại diện Bộ Tài chính, trước khi công bố giá khởi điểm là 144.000 đồng/ cổ phiếu thì giá của VNM “rất đẹp” nhưng sau đó lại mất giá, với thị trường chứng khoán bé như Việt Nam, chỉ cần “vài ông lớn” can thiệp là có thể khiến thị trường lên xuống ngay.

Lý giải thêm mức giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khá nhiều so với thời điểm bán, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, giá thị trường có thể lên xuống “như thời tiết” nhưng mức giá cơ quan chức năng đưa ra phải đảm bảo hợp lý vì đây là sản phẩm tốt. “Mình đưa ra giá thấp, người ta cũng sẽ đánh giá thấp” ông Tiến nêu quan điểm.

Đồng thời, ông Tiến cũng cho biết, cổ đông nước ngoài mua Vinamilk không chỉ vì mức giá mà còn vì họ muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và tự tin khi cho rằng, nếu tiếp tục bán, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ “ôm ngay”.

Trước đó, bình luận về đợt chào bán này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) từng cho biết, việc phiên đấu giá không đạt được mục tiêu ban đầu do giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phiếu cao hơn giá thị trường khoảng 7%.

Bên cạnh đó, quy mô của nhà đầu tư tài chính trong nước và quốc tế còn nhỏ bé, việc huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài còn rất khiêm tốn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn một số nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn để tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài đang dễ mua cổ phần Vinamilk trên sàn chứng khoán với số vốn giải ngân có thể đạt được ở mức hàng trăm triệu USD. Trong tương lai gần nguồn cung chứng khoán gia tăng khi Chính phủ đang đẩy mạnh tiến trình thoái vốn và thúc các doanh nghiệp đã cổ phần hoá lên sàn…

Theo Nguyễn Thảo

Bizlive

Trở lên trên