MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra "khuyết tật chết người" của các DN lớn, trước khi sụp đổ đều trải qua 6 bước này

"Các công ty lớn đang thành công quả là có một thách thức rất lớn khi nói về đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận. Bộ trưởng chỉ ra quy trình 6 bước sụp đổ của một doanh nghiệp lớn, mà những "khuyết tật chết người" của những gã khủng long lại tạo ra cơ hội vươn lên trở thành số 1 của những công ty không tên tuổi...

" Đổi mới sáng tạo bao giờ cũng bắt đầu từ nhận thức và tư duy", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2019 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức.

Bộ trưởng cho biết, khi một cuộc cách mạng xảy ra, tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ.

"Đổi mới sáng tạo xảy ra vào đúng lúc này. Hạ tầng cũ, khách hàng cũ, sản phẩm cũ, mô hình kinh doanh cũ không còn phù hợp. Chúng ta cần hạ tầng mới, cách làm mới, tri thức mới, sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới".

"Rất nhiều thứ chỉ đơn giản là làm ngược lại. Trước đây chúng ta tìm mọi cách để tránh sai lầm, nay sai nhanh hơn để chi phí rẻ hơn. Trước đây là học trước làm sau, nay làm trước học sau, cái mới chưa có nên không thể học trước. Trước đây có việc trước tìm người sau, nay tìm người phù hợp trước mới tính đến làm gì. Trước đây sức mạnh của doanh nghiệp là đông người, thì nay là ít người để phản ứng và chuyển biến nhanh", Bộ trưởng nói.

Với cách tiếp cận này, điều quan trọng nhất với các CEO là tìm cách tiếp cận mới trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mình.

Một công ty thành công, đứng ở vị trí số 1 thường sụp đổ khi xuất hiện những công nghệ mới, đột phá. Bộ trưởng cho biết, quy trình sụp đổ thường như sau:

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra khuyết tật chết người của các DN lớn, trước khi sụp đổ đều trải qua 6 bước này - Ảnh 1.

1- Các công nghệ mới đột phá được các công ty thành công nhất phát triển đầu tiên.

2- Đội ngũ marketing thăm dò phản ứng của những khách hàng trọng yếu về công nghệ mới và không nhận được sự ủng hộ, bởi sản phẩm cũ thường đang tốt và khách hàng quen dùng.

3- Các công ty thành công quay sang thúc đẩy các công nghệ mang tính duy trì, cải tiến sản phẩm cũ, nhằm nâng cao hiệu suất, tăng doanh thu và lợi nhuận.

4- Các công ty mới được thành lập dựa vào công nghệ mới đột phá, phải thăm dò thị trường mới, khách hàng mới thường là khách hàng cấp dưới, bằng cách thử và sai, và từ đây hàng loạt ứng dụng mới, sản phẩm mới được hình thành

5- Các công ty mới gia nhập thị trường sẽ tiến lên các thị trường cao cấp.

6- Các công ty thành công nhập cuộc quá trễ nên không thể giữ được khách hàng cơ bản của họ, và sự đổi ngôi diễn ra.

Các công ty lớn và thành công có những "khuyết tật chết người", và tạo ra cơ hội vươn lên trở thành số 1 của những công ty không tên tuổi

Và như vậy, đổi mới sáng tạo thường tạo ra cơ hội cho các công ty mới, với công nghệ mới mang tính đột phá, công nghệ mới mang tính phá huỷ.

"Từ góc nhìn này, các công ty lớn và thành công có những " khuyết tật chết người ", và tạo ra cơ hội cho các công ty mới, công ty nhỏ, cơ hội vươn lên trở thành số 1 của những công ty không tên tuổi, dựa vào những công nghệ mới đột phá, đi đến thị trường mới để quay lại lật đổ thị trường truyền thống", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, các công ty lớn đang thành công vẫn có cơ hội tiếp tục tồn tại và phát triển, bằng phương thức tiếp cận sau: Giao trách nhiệm thương mại hoá công nghệ đột phá cho các bộ phận mới đủ nhỏ để hiệu suất kinh doanh của những bộ phận này chỉ phụ thuộc vào công nghệ mới. Những bộ phận mới này phải được hoạt động theo quy trình mới, để có thể giải quyết các vấn đề mới.

Như vậy, công ty lớn phải phân mình từ 1 tổ chức thành 2 tổ chức độc lập, với 2 phần khác nhau, 2 cách vận hành khác nhau, 2 bài toán khác nhau. Và điều này không dễ.

"Đổi mới sáng tạo đòi hỏi sự thay đổi, nhưng chính các cơ chế, quy trình, hệ giá trị, mà thông qua đó công ty tạo ra giá trị và thành công lại là kẻ thù của sự thay đổi".

"Năng lực của một tổ chức bao gồm 3 yếu tố: Tài nguyên, quy trình và hệ giá trị. Cả 3 yếu tố này khi công ty ở quy mô lớn và thành công đều mang tính duy trì. Do vậy, chính các năng lực của một tổ chức cũng là sự ấn định những khuyết tật của tổ chức đó. Nhiệm vụ của các CEO là phải giải quyết mâu thuẫn này khi có yêu cầu đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Hùng nói.

Trước yêu cầu phải thay đổi, các CEO có 3 lựa chọn: Thâu tóm một công ty có hệ giá trị tương đồng, Cố gắng thay đổi các quy trình và hệ giá trị của tổ chức hiện tại, và Tạo ra một bộ phận độc lập để phát triển theo quy trình mới, tạo hệ giá trị mới để đáp ứng yêu cầu mới.

"Với góc nhìn này, các công ty lớn đang thành công quả là có một thách thức rất lớn khi nói về đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Hùng nhìn nhận.

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên