MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bộ trưởng có "giận", chúng tôi vẫn nhắc!"

"Có bộ trưởng nói vui là bây giờ tôi gặp bà này tôi hãi, vì cứ thiếu cái gì là bị bà ấy nhắc", Trưởng ban Dân nguyện kể...

Khi Ban Dân nguyện chỉ đích danh các vị bộ trưởng mà cử tri hỏi một đằng trả lời một nẻo thì có ai tỏ thái độ giận dỗi không?

Đó là một trong số các câu hỏi được VnEconomy đặt ra với bà Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong cuộc trao đổi đầu xuân Mậu Tuất.

Bà Hải cho biết trung bình mỗi năm có khoảng 43 ngàn đơn, thư của công dân gửi đến Quốc hội. Và, quá trình nghiên cứu, chuyển đơn, rồi theo dõi, đôn đốc giải quyết cũng lắm chuyện bi, hài.

Gặp là "hãi"

Lâu nay các báo cáo được trình bày trước Quốc hội về giải quyết đơn thư của dân thường đánh giá khá chung chung, kiểu như hầu hết các bộ ngành đã tích cực,  tuy nhiên còn có lúc có nơi, có cơ quan chưa quan tâm đúng mức... Nhưng mấy kỳ họp gần đây thì báo cáo liên quan đến giải quyết kiến nghị của cử tri đã chỉ đích danh các bộ còn nợ kiến nghị của cử tri hoặc trả lời chưa đến nơi đến chốn. Việc này có mang lại kết quả tích cực hơn không, thưa bà?

Một số phóng viên và cử tri cũng đã gọi điện trực tiếp cho tôi nhận xét như vậy. Tôi đánh giá đó là cách làm mới, dù chỉ thay đổi rất nhỏ nhưng có hiệu quả rất lớn.

Thường thì kiến nghị của cử tri gửi đến các bộ khi trả lời thì gửi qua Ban Dân nguyện một bản và gửi cho cử tri một bản. Từ trước đến nay những số liệu trả lời vẫn được tập hợp nhưng trước đây báo cáo chính có thể viết là một số bộ tích cực/chưa tích cực... sau đó chú thích là xem ở phụ lục.

Giờ tôi yêu cầu cách làm mới, liệt kê xem bộ nào trả lời và giải quyết được nhiều nhất, bộ nào được ít nhất, trong số nhiều nhất thì có cái gì là tốt nhất, để cho anh em chuyên môn đánh giá. Bộ nào làm kém nhất cũng phải nêu nguyên nhân, nếu là vì nguyên nhân khách quan thì có thể không nhấn mạnh trong báo cáo.

Việc này có tác động rất tích cực. Chẳng hạn, một số cử tri Lạng Sơn kiến nghị do có sự thay đổi nên họ từ chỗ có mã ngạch để xếp lương lại thành không có mã ngạch, vì thế 7 năm liền họ không được tăng lương. Vấn đề này liên quan đến cả Bộ Nội vụ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả hai bộ đã từng trả lời rồi nhưng cử tri vẫn kiến nghị.

Khi xem thì chúng tôi thấy cần sự phối hợp của cả hai bộ và Ban Dân nguyện đã nêu trong báo cáo, ngay sau đó 15 ngày kiến nghị đó được giải quyết. Đến kỳ  báo cáo sau chúng tôi nêu là do có sự phối hợp thì đã giải quyết được tồn đọng đã nêu ở báo cáo trước.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 thì chúng tôi đã chuẩn bị bốn báo cáo liên quan đến giải quyết kiến nghị của cử tri, sau mỗi lần thì càng thấy việc nêu địa chỉ cụ thể có tác dụng tích cực.

Thứ nhất là giải quyết được chính cái kiến nghị đó, hai là giúp cho các bộ ngành khác thấy là nếu không giải quyết thì rất có thể sẽ phải nêu trước Quốc hội nên góp phần "đe" các bộ, ngành khác.

Chẳng hạn chúng tôi từng nêu ví dụ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cử tri kiến nghị Bộ sớm nghiên cứu xây dựng đê bao ngăn mặn khép kín cho các tuyến đê tại các huyện Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Bộ lại trả lời "hệ thống đê biển, đê cửa sông thuộc huyện Trần Đề hàng năm đều được Chính phủ bố trí kinh phí".

Có những việc khác, có thể nội dung anh trả lời vẫn đúng nhưng nhầm địa chỉ, nghe thì dường như là việc nhỏ nhưng các bộ khác cũng phải cẩn thận hơn, điều chỉnh lại cách thức trả lời kiến nghị cử tri của mình. Việc đó có tác dụng cảnh báo các bộ, ngành phải quan tâm nhiều hơn việc trả lời cử tri nếu không sẽ được nhắc trước Quốc hội.

Bị "nêu gương" như thế thì có bộ trưởng nào "giận dỗi" không, thưa bà?

Có!

Khen thì rất dễ nhưng khi chê thì phải chuẩn bị đầy đủ căn cứ, số liệu. Ví dụ về việc Trần Đề nhầm thành Kế Sách nêu trên, khi đọc báo cáo trước Quốc hội tôi có mang theo cả văn bản trả lời đích thân lãnh đạo bộ ký, đóng dấu đỏ hẳn hoi, để nếu ai hỏi thì nói có sách, mách có chứng ngay tại chỗ.

Việc bộ trả lời "nhầm" thì sau đó chúng tôi có văn bản nhắc là Bộ trả lời chưa đúng, Bộ lại có văn bản trả lời thêm là đã sửa. Tất cả các văn bản đó đều được kẹp đầy đủ kèm với báo cáo để tránh việc nhắc nhầm thì ảnh hưởng đến uy tín của bộ ngành đó, và sự nhắc nhở cũng không còn thiêng nữa.

Vì thế chúng tôi hết sức cân nhắc khi đưa ra hạn chế để nhắc nhở và luôn tâm niệm đã nhắc là phải cụ thể có địa chỉ rõ ràng, bước đầu lý giải nguyên nhân, rồi đưa ra yêu cầu, kiến nghị mang tính chất xây dựng.

Có bộ trưởng nói vui là bây giờ tôi gặp bà này tôi hãi, vì cứ thiếu cái gì là bị bà ấy nhắc.

Theo quy trình thì trước khi trình báo cáo ra Quốc hội có xem xét ở các Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để các bộ có liên quan được nghe, được có ý kiến. Thường các báo cáo đều có trao đi đổi lại để có đủ khen chê, không "lạm phát" khen, và khi chỉ ra hạn chế thì cũng phải có căn cứ, có phân tích, đánh giá, so sánh với kết quả của những nhiều năm.

Tôi rất nhớ là ở kỳ họp thứ 4 vừa rồi của Quốc hội, cử tri cuả Lâm Đồng nêu kiến nghị có đoạn đường đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa sửa, Bộ Giao thông vận tải trả lời cử tri là đang tiến hành rà soát, sẽ quan tâm sửa chữa trong thời gian tới.

Khi nhận được trả lời này thì đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng đã có văn bản gửi đến Bộ và Ban Dân nguyện nói đây là câu trả lời đã nhận được trong 8 năm và đoạn đường đó vẫn đang rất hư hỏng nên yêu cầu là có trả lời một cách thấu đáo hơn, phải có lộ trình, thời hạn và nguyên nhân. Đó cũng là ví dụ được chúng tôi nêu trong báo cáo.

Chúng tôi cũng có hướng dẫn cụ thể là với những vấn đề cử tri kiến nghị mà đang giải quyết thì đề nghị nêu lộ trình và biện pháp giải quyết, nếu câu trả lời không có lộ trình thì chúng tôi xem rằng chưa trả lời.

Càng phát biểu nhiều, càng nhận nhiều đơn

Thường vào thời gian của mỗi kỳ họp Quốc hội hay các phiên họp của Uỷ ban Thường Thường vụ Quốc hội thì đều có những công dân đến cổng hội trường Ba Đình kêu oan, bà có nghe thấy không và cảm giác của bà khi đó thế nào?

Tôi vẫn chứng kiến cảnh đó. Hiện nay việc tiếp công dân của Quốc hội diễn ra ở hai trụ tại Hà Nội và Tp.HCM. Bình thường, về mặt nguyên tắc dân đăng ký ở hai nơi đó, ban thường trực tiếp công dân sẽ nhận đơn nghiên cứu, nếu hồ sơ đầy đủ thì sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đôi khi người dân kỳ vọng quá vào các cơ quan dân cử, nghĩ là có thẩm quyền giải quyết chứ không chỉ chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc, giám sát. Trong khi hiện nay chức năng đôn đốc, giám sát thực sự chưa được rõ ràng.

Ví dụ tôi giám sát thấy ông này mãi không trả lời thì cùng lắm cũng chỉ làm văn bản đôn đốc, nếu ông ấy vẫn chỉ trả lời là đã nhận được, sẽ xem xét trong thời gian tới thì chúng tôi cũng chả có thẩm quyền gì bảo ông như thế là vi phạm mà chỉ là nhắc nhở, nên có cái nhắc nhở tận 5 năm.

Luật nêu rất rõ là dân không đồng tình với hành vi hành chính, quyết định hành chính thì có thể khởi kiện ra toà, nhưng tỷ lệ khởi kiện rất ít, chỉ dưới 5%. Đa số khi không đồng tình thì công dân gửi đơn thư lên cấp trên, tìm đến cơ quan dân cử.

Việc này có nguyên nhân là phần lớn nộp đơn ra toà thì tỷ lệ thua kiện rất nhiều, có trường hợp quyết định của toà án có hiệu lực nhưng không thi hành nên họ hay tìm đến đại biểu dân cử. Vị nào càng phát biểu nhiều, càng chất vấn hay thì số lượng đơn thư nhận được càng nhiều lên rất nhiều. Cử tri có thể chỉ nghĩ rằng, đấy, đại biểu còn chất vấn được cả bộ trưởng thế kia thì đơn của mình sẽ được giải quyết hơn là mang ra toà án.

Bạn hỏi tôi khi nghe dân kêu oan thì cảm giác thế nào? Cá nhân mình không có thẩm quyền giải quyết mà chỉ có thể tiếp nhận thôi, vì thế tôi có mong muốn hai điều. Một là cơ quan có thẩm quyền giải quyết cố gắng quan tâm giải quyết trong lĩnh vực mình quản lý một cách rốt ráo và công khai kết quả giải quyết, đặc biệt là trong đền bù giải phóng mặt bằng, lĩnh vực đang phát sinh rất nhiều đơn thư.

Hai là công dân hãy quan tâm đến quyền khởi kiện của mình.

Khó "xếp hạng" bộ trưởng

Báo cáo trước phiên chất vấn kỳ họp cuối năm vừa qua bà cho biết ngày 25/7/2017 Thủ tướng đã ban hành quyết định quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời khiếu nại tố cáo do Quốc hội chuyển đến, xác định việc trả lời khiếu nại tố cáo là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương. Theo căn cứ này thì bà "xếp hạng" các vị bộ trưởng như thế nào?

Tôi không "xếp hạng"được vì có những bộ ngành cử tri rất ít kiến nghị, như Bộ Ngoại giao hay khối vũ trang, Uỷ ban Dân tộc. Nhưng có những bộ rất nhiều kiến nghị như Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và xã hội... Gần đây nhiều câu hỏi liên quan đến Bộ Nội vụ về bổ nhiệm người nhà, cán bộ, luân chuyển...

Vì có đặc thù như vậy, mà đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của bộ trưởng thì phải tổng hoà nhiều yếu tố.

5 năm kiến nghị thì Thủ tướng đã ban hành được quy chế đó, còn quy trình đánh giá thế nào, tiếp nhận thông tin ra sao thì chúng tôi sẽ giám sát tiếp  tục. Nếu quy định như thế mà triển khai không đầy đủ thì sẽ kiến nghị tiếp.

Từ khi có quy định đó thì việc trả lời kiến nghị của cử tri đã khởi sắc hơn rất nhiều. Các bộ ngành nhận được khoảng 3.000 kiến nghị trong kỳ họp cuối năm 2017 đến bây giờ có đến 60 - 70% được trả lời, có những vấn đề đã giải quyết xong.

Đáng chú ý là các bộ trưởng bây giờ trực tiếp ký toàn bộ các văn bản trả lời cử tri, dù luật không quy định đích thân bộ trưởng phải ký văn bản trả lời. Khi mà bộ trưởng trả lời đã ký, tất cả đều đưa lên mạng, ai cũng khai thác được, đó cũng là hình thức minh bạch hoá.

Trước đây trả lời gửi về đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh và Ban Dân nguyện thì có thể tàm tạm cho xong, nhưng bây giờ công khai hoá, cử tri ai cũng xem đước, nếu chất lượng chưa đảm bảo thì dân có thể qua đó giám sát, đánh giá.

Theo bà nói thì tác dụng của việc coi trả lời khiếu nại tố cáo là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương rất tốt, vậy tại sao phải ròng rã đến 5 năm trời kiến nghị đó mới được chấp nhận?

Tôi mới công tác ở Ban Dân nguyện, nhưng qua nghiên cứu hết các báo cáo trước thì đúng là qua 5 năm (10 kỳ họp) kiến nghị mới thành hiện thực. Tôi không hiểu rõ nguyên nhân trước đây.

Nhưng hiện nay mối liên hệ giữa cử tri và Quốc hội gần gũi hơn, từ đòi hỏi của dân và Chính phủ cũng thấy rằng cần thiết lấy chất lượng giải quyết công việc của dân làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ nên có thể đã chín muồi để ban hành quy định đó.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên