MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Công an: Tội phạm bắt đầu lợi dụng địa bàn Việt Nam để chuyển ma túy sang các nước thứ ba

Tại phiên chất vấn sáng ngày 4/6/2019 trong khuôn khổ Kỳ họp Quốc hội thứ 7 khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã báo cáo về tình hình chung về hoạt động đảm bảo an ninh trật tự xã hội, phòng chống tội phạm.

Trước hết, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá: "Việt Nam vẫn được bạn bè quốc tế đánh giá là điểm đến an ninh an toàn, trong đó có sự cố gắng nỗ lực rất lớn của lực lượng công an nhân dân. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự còn có nhiều diễn biến phức tạp".

Chúng ta hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức lớn, trong đó có nhiều loại tội phạm gây bức xúc dư luận mà cử tri và đại biểu quốc hội đã quan tâm, nhất là tội phạm ma túy xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ vận chuyển ma túy lớn đã bị bắt giữ. 

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Điều này cho thấy, tội phạm bắt đầu lợi dụng địa bàn Việt Nam để chuyển ma túy sang các nước thứ ba. Trong khi đó, số người nghiện ma túy trong nước cũng còn rất lớn. Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện còn nhiều bất cập, tạo áp lực rất lớn lên các vấn đề xã hội. Ma túy đang là tội phạm của các loại tội phạm khác".

Sau khi bị trấn áp mạnh, tội phạm liên quan đến tín dụng đen cũng đã được kiềm chế. Nhiều cơ sở đã dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, nhưng tín dụng đen vẫn len lỏi đến vùng quê, vùng miền núi gây nhiều lo lắng trong nhân dân. Đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại: Đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đánh trúng, đánh đúng, khám phá thành công nhiều chuyên án lớn, triệt phá được các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại…

Theo báo cáo trình Quốc hội, về hoạt động đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, Bộ Công an đã triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm liên quan đến tình trạng nhập khẩu phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với thủ đoạn thành lập nhà máy phế liệu nhưng không tái chế; giả mạo giấy tờ, dùng địa chỉ "ma" nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam; vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp "bảo kê" cho tội phạm.

Tội phạm mua bán xâm hại phụ nữ, trẻ em cũng là vấn đề dư luận xã hội bức xúc. Trong đó, có những hình thức mới như mua bán bào thai qua biên giới. Việc xử lý cũng đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam có xu hướng gia tăng trên tất cả các loại tội phạm và xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

Vấn đề tai nạn giao thông, nhất là sử dụng rượu bia, ma túy và các chất kích thích khi tham gia giao thông cũng là vấn đề đang gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, cần sự chung tay giải quyết của toàn xã hội.

Chủ trương của Bộ Công an là làm giảm tội phạm, xóa bỏ các nguyên nhân nảy sinh tội phạm. Từ những tháng năm 2019, chúng ta đã giảm ít nhất gần 3% vi phạm hình sự. Bộ Công an chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu này, bước đầu có một số kết quả đáng ghi nhận.

Điều tra, khám phá 27.169 vụ phạm pháp hình sự, bắt, xử lý 55.285 đối tượng, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 76,63% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6,63%); trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,91% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra) về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; triệt phá 1.552 băng, nhóm tội phạm các loại.

Đã bắt vận động ra đầu thú, thanh loại 3.278 đối tượng; trong đó, số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm bị bắt, vận động đầu thú, thanh loại là 717 đối tượng, phát hiện 11.382 vụ phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (giảm 2,16%); 217 vụ phạm tội tham nhũng (tăng 5,34%).

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên