MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng nào có tỷ lệ không đồng ý miễn nhiệm cao nhất?

Nguyên Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cùng nguyên Thống đốc Nhà nước Nguyễn Văn Bình là hai lãnh đạo có số phiếu không đồng ý miễn nhiệm cao nhất.

Chiều nay, Quốc hội đã bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm đối với các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và một số thành viên Chính phủ.

Theo đó, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua hai Nghị quyết về việc miễn nhiệm hai Phó Thủ tướng và 18 Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.

Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu kín với từng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ có nhiều điểm đáng chú ý. Đặc biệt là với một số chức danh Bộ trưởng, tỷ lệ các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tán thành khá cao.

Đó là nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Trong tổng số 479 đại biểu tham gia bỏ phiếu, có 403 đại biểu Quốc hội đồng ý miễn nhiệm và có tới 76 đại biểu (chiếm khoảng hơn 15% tổng số đại biểu) không đồng ý miễn nhiệm ông Bùi Quang Vinh. Đây là vị Bộ trưởng có số lượng đại biểu Quốc hội không đồng ý miễn nhiệm cao nhất.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có 433 đại biểu trên tổng số 477 đại biểu tham gia bỏ phiếu đồng ý miễn nhiệm. Như vậy, số đại biểu không đồng ý miễn nhiệm là 45 đại biểu.

Trong danh sách miễn nhiệm còn có một số bộ trưởng có số đại biểu không đồng ý miễn nhiệm cao, bao gồm: Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận có 24 đại biểu; Bộ trưởngTư pháp Hà Hùng Cường có 26 đại biểu.

Ngoài ra, là Tổng Thanh Tra Chính Phủ Huỳnh Phong Tranh có 22 đại biểu; Bộ trưởng Lao động, Thương bình và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền 19 đại biểu; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có 17 đại biểu.

Việc ông Bùi Quang Vinh và ông Nguyễn Văn Bình trở thành hai lãnh đạo cấp có số phiếu không đồng ý miễn nhiệm cao nhất cũng bởi những nỗ lực đóng góp của hai vị trên cương vị tư lệnh ngành trong suốt nhiệm kỳ vừa qua.

Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng mỗi vị Bộ trưởng, trưởng tư lệnh ngành đều ghi được nhiều dấu ấn trong suốt quá trình điều hành vừa qua. Như đối với nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ông trở thành nhà lãnh đạo có nhiều trăn trở nhất với hoạt động cải cách thể chế, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Những nỗ lực đó của nguyên Bộ trưởng Vinh, đã thể hiện trên chính kết quả hiện nay trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thuận lợi, thông thoáng với môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, đối với ngành ngân hàng, Đại biểu Khánh ấn tượng nhất với sự linh hoạt trong điều hành của nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Từ mức lãi suất cao, doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn, tín dụng thì nguyên Thống đốc đã có những động thái điều chỉnh, quản lý phù hợp để kéo mặt bằng lãi suất giảm xuống ở mức thấp, tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tín dụng.

Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, trên mỗi lĩnh vực các tư lệnh ngành đều ít nhiều tạo được dấu ấn cho chính hoạt động của ngành, lĩnh vực được phụ trách. Mặc dù còn có những vấn đề chưa thực sự đạt được như kỳ vọng của Quốc hội và người dân, doanh nghiệp, song đây là sự nỗ lực lớn của Chính phủ và các thành viên trong điều hành suốt nhiệm kỳ vừa qua.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên