MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cả thế giới quan tâm đến 4.0, Google ghi nhận đến 2,8 tỷ kết quả với cụm từ “Internet vạn vật”

Từ một khái niệm mới, đến nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở thành một cụm từ “nóng”, nhận được sự quan tâm của toàn thế giới. Cuộc cách mạng này cũng mở ra những cơ hội và thách thức cho từng quốc gia.

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã có phần tham luận tại Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit, chủ đề “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0”, sáng 3/10. Nói về 4.0, Bộ trưởng Dũng cho biết Việt Nam đã nắm bắt được xu thế, không ngừng cải thiện trong việc tiếp cận cuộc cách mạng này. “Chúng ta có thể tự tin nói rằng, đây là một cơ hội quan trọng để Việt Nam nắm bắt nhằm mục tiêu tăng tốc phát triển nền kinh tế, hướng tới đưa nước ta trở thành nước công nghiệp”, ông nhận xét. 

Theo Bộ trưởng, chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0 của Việt Nam được xây dựng bao gồm 3 yếu tố nền tảng. Thứ nhất là đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. 

Thứ hai là phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để áp dụng các công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở quy mô và phạm vi rộng, kết nối Internet tốc độ cao; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu.

Thứ ba là phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.

Bên cạnh 3 yếu tố nền tảng này, Bộ trưởng Dũng cho biết Chính phủ sẽ triển khai thêm một số nhóm chính sách khác. Đơn cử như áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công: bao gồm xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số để quản lý nhà nước nhanh hơn, minh bạch hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, đem lại sự hài lòng cao hơn cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp để tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực; phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn; cắt giảm chi phí; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng quản trị chuỗi cung ứng...

Đồng thời, Chính phủ sẽ cơ cấu lại và tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển, hướng tới làm chủ một số công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ thế hệ tiếp theo, vươn lên vị trí dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ hiện đại, giúp cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Ngoài ra, ông Dũng cũng đề cập đến một số chính sách bổ sung như thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… 

“Tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đối với chúng ta, đây còn là một chủ trương lớn, quan trọng, một định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Thực tế, hôm 27/9, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong việc tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng 4.0 cho Việt Nam đồng thời đề ra nhiều giải pháp lớn, quan trọng, mang tính quyết sách.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên