MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ tứ công nghệ - Nỗi lo mới của nước Mỹ

20-06-2019 - 10:59 AM | Tài chính quốc tế

Các doanh nghiệp thống trị Internet đem đến nguy cơ độc quyền nước Mỹ phải đối mặt từ lâu.

Mạng Internet giống như một đường ray – một cơ sở hạ tầng công quan trọng và nơi diễn ra nhiều hoạt động thương mại và liên lạc toàn cầu. Tuy nhiên, các công ty thống trị Internet lại là các doanh nghiệp tư nhân hay những tổ chức theo đuổi lợi nhuận. Tương tự như những công ty đường sắt trước đây, chúng đem đến một nguy cơ độc quyền.

Christine Lagarde, chủ tịch IMF, và Makan Delrahim, trưởng ban chống độc quyền thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, đã cảnh báo về quyền lực do các doanh nghiệp công nghệ lớn nắm giữ trong thời gian gần đây. Bộ Tư pháp và Uỷ ban Thương mại Liên bang đã cùng chịu trách nhiệm điều tra các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon, Facebook và Apple.

Bên cạnh đó, uỷ ban tư pháp của Hạ viên Mỹ đã tuyên bố sẽ xem xét sửa đổi luật chống độc quyền nhằm đối phó với các thách thức từ các công ty công nghệ lớn. Trong khoảng 18 tháng tới, uỷ ban sẽ tiến hành các buổi điều trần và có thể sẽ thẩm vấn một số lãnh đạo cấp cao của các công ty này và đối thủ của họ.

Trong chương "Vấn đề của ngành đường sắt" trong cuốn sách Railroads: Their Origins and Problems (Đường sắt: Nguồn gốc và Vấn đề), Charles Francis Adams, một cựu giám đốc điều hành và điều tiết đường sắt, từng viết: các luật thương mại được công nhận có được áp dụng nhưng không hiệu quả trong việc điều tiết sử dụng đường phố hiện đại của những đơn vị sở hữu và độc quyền chúng.

Nếu có thể đổi tên chương này sang "Vấn đề của ngành Internet", hẳn ta sẽ có một bản tóm tắt hoàn hảo cho hiện trạng ngày nay. Amazon nắm giữ hơn 1/3 tổng chi tiêu bán lẻ trực tuyến tại Mỹ. Google chiếm lĩnh 88% thị trường công cụ tìm kiếm tại Mỹ và 95% lượng tìm kiếm trên điện thoại. 2/3 người dân Mỹ sử dụng Facebook, đơn vị đã mua lại Instagram và WhatsApp và sở hữu 4 trong số 8 ứng dụng mạng xã hội hàng đầu.

Những công ty này, bao gồm cả Apple – doanh nghiệp nghìn tỉ đô đầu tiên trên thế giới, hiện đang phải hứng chịu búa rìu dư luận do sử dụng hệ sinh thái khổng lồ nhằm ưu tiên sản phẩm và dịch vụ của mình và hạn chế các đối thủ trong mạng lưới của mình.

Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý là sau những năm 1970, luật Mỹ quy định một đơn vị khó có thể chiến thắng một vụ kiến chống độc quyền nếu không thể chứng minh rằng giá tiêu dùng tăng do một thế lực độc quyền. Trong ngành công nghệ, điều này càng khó khăn hơn do người dùng tương tác với các nền tảng thực hiện các giao dịch không rõ ràng (dữ liệu đổi dịch vụ "miễn phí"). Do đó, khó có thể bắt bẻ các ông lớn công nghệ.

Tuy nhiên, gió có lẽ đã xoay chiều. Lina Khan, chuyên gia về luật cạnh tranh tại tiểu ban luật chống độc quyền, thương mại và quản trị của Hạ viện, đã so sánh rạch ròi giữa vấn đề đường sắt trong quá khứ và vấn đều của những "kẻ gác đền" kỹ thuật số hiện nay. Bà cho biết cần có sự tách biệt giữa các nền tảng và các hoạt động thương mại nhằm tạo ra một không gian số cạnh tranh và công bằng hơn.

Ý kiến này nhận được nhiều sự ủng hộ của nhiều người, bao gồm Elizabeth Warren, nghị sĩ Massachusetts và ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Bà cũng so sánh các công ty công nghệ lớn với các công ty trong ngành đường sắt và tin rằng không nên cho phép các doanh nghiệp có doanh thu toàn cầu trên 25 tỉ USD vừa sở hữu nền tảng riêng, vừa là thành viên của nền tảng đó.

Quan điểm này gợi nhớ lại các quy định ngăn cản các công ty đường sắt vừa tạo thị trường, vừa chiếm lĩnh thị trường đó. Ví dụ, vào năm 1900, sáu công ty đường sắt tại Mỹ sở hữu hoặc kiểm soát 90% than đá antraxit trên thị trường đã đẩy giá than lên cao, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho ngành, nhưng đồng thời cũng cản trở các doanh nghiệp than độc lập.

Cuối cùng, vấn đề này đã được khắc phục thông qua một "điều luật hàng hoá" tách riêng các công ty đường sắt và kinh doanh thương mại. Điều luật tương tự cũng được áp dụng với nhiều ngành khác như ngân hàng, ngăn cản các ngân hàng cạnh tranh với khách hàng trong mọi lĩnh vực.

Có lẽ những tiêu chuẩn tương tự cũng nên được áp dụng đối với các công ty công nghệ hiện nay. Như Adams đã từng nhắc đến, vào thế kỷ 19, quá trình hợp nhất gây ra vấn đề đường sắt đã nghiêm trọng tới mức nếu không bị chính quyền bang kiểm soát, các công ty đường sắt có thể kiểm soát cả một bang. Cuộc chiến điều tiết các ông lớn công nghệ sẽ chứng minh liệu các công ty công nghiệp lớn ở thời đại này đã có thể kiểm soát hệ thống chính trị hay chưa.

Quỳnh Mai

FT

Trở lên trên