MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BOE Technology - từ nhà máy 'hấp hối' đến biểu tượng công nghệ của Trung Quốc

06-04-2019 - 16:10 PM | Tài chính quốc tế

25 năm trước, Beijing Electron đứng trên bờ vực phá sản nhưng một tập đoàn lớn của chính phủ đã giúp doanh nghiệp này trụ lại trên thương trường thông qua một chương trình giúp họ có cơ hội tiếp cận những công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Vài thập kỷ sau, với nguồn hỗ trợ tài chính lên đến hàng tỷ USD đến từ ngân sách quốc gia, với tên gọi mới là BOE Technology Group Co, doanh nghiệp này đang hợp tác kinh doanh với Apple và nỗ lực để trở thành nhà cung cấp màn hình thế mới lớn nhất trên thế giới.

Sự thành công của “con tàu” BOE Technology được chèo lái bởi “thuyền trưởng” Wang Dongsheng, một cựu kế toán viên, người từng tiếp quản công ty chuyên sản xuất đèn chân không đang trong tình trạng “rệu rã”. Sau đó, ông đã phải đi xin hỗ trợ của chính những người công nhân tại đây để chuyển hướng sang sản xuất nước súc miệng và sau này là giúp nhà máy thoát khỏi cảnh nợ nần.

Cuối cùng, ông đã thành công trong việc kêu gọi nguồn vốn rót về từ thủ đô Bắc Kinh để xây dựng lên nhà máy sản xuất màn hình phẳng lớn nhất Trung Quốc, và giờ đây đã đưa BOE lên đỉnh cao của lĩnh vực khi có thể sản xuất ra màn hình gập phục vụ các dòng điện thoại có tính năng bẻ cong như Samsung Fold và có thể là những chiếc iPhone thế hệ tiếp theo.

Giờ đây, BOE là một biểu tượng cho tham vọng chiếm lĩnh thị trường công nghệ của Trung Quốc. Với việc có đến 2 lần đứng trên bờ vực phá sản, đó chính là minh chứng rõ ràng cho một quá trình phát triển đầy chông gai và kết quả là một nhà máy có giá trị lên đến 7 tỷ USD đã được xây dựng tại khu vực ngoại ô thành phố Thành Đô, phía tây của Trung Quốc, nơi vốn nổi tiếng với các loại gia vị và gấu trúc.

Nhà máy này có diện tích tương đương với 16 sân bóng đá, chuyên sản xuất màn hình OLED đắt tiền, loại màn hình mà các hãng công nghệ lớn như Apple và Huawei đang sử dụng trong các dòng sản phẩm cao cấp.

BOE Technology - từ nhà máy hấp hối đến biểu tượng công nghệ của Trung Quốc - Ảnh 1.

Trụ sở của BOE tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg.

Vào cuối năm nay, BOE sẽ trở thành nhà cung cấp màn hình OLED cho điện thoại lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Samsung Electronics Co, với công suất hàng tháng có thể lên đến 64.000 tấm màn hình, theo Zhang Yu, phó chủ tịch phụ trách marketing của tập đoàn.

Số lượng tấm màn hình sản xuất được có thể phục vụ cho 6 triệu thiết bị điện thoại gập trong vòng một tháng, ngay cả khi công ty cũng đang nhắm vào các dòng thiết bị đeo, bảng điều khiển xe hơi cũng như các vật dụng điện tử gia dụng và TV. Theo một số phân tích, nếu như được sử dụng trên iPhone, công ty sẽ có thể gia nhập vào một thị trường màn hình điện thoại thông minh còn rất sơ khai nhưng có giá trị lên đến 39 tỷ USD.

“Màn hình gập là một động lực mang tính cách mạng cho sự thay đổi lớn trong tương lai”, Zhang cho biết. Chúng tôi đã có một kế hoạch toàn diện cho dòng sản phẩm màn hình OLED. Mảng màn hình điện thoại thông minh chỉ là một phần trong kế hoạch đó”.

Bên trong nhà máy tại thành phố Thành Đô, những cánh tay robot đang vận chuyển những tấm kính với kích thước tương đương với tấm bảng giữ rổ trong bóng rổ một cách dễ dàng và nhẹ nhàng tựa như những tờ giấy. Một tấm phim với độ mỏng chỉ 0,03 mm phủ lên một nền kính gắn chặt trong những ô chân không trong suốt chống bụi, trước khi những lớp linh kiện điện tử được thêm vào.

Laze công suất cao sẽ bóc những lớp màng bọc lúc đầu và dần hé lộ ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Đó chính là “bài giao hưởng” của sự chính xác mà không một bàn tay con người nào có thể làm được chỉ trong một vài giây ngắn ngủi.

Đứng đằng sau sự thành công của BOE không thể không nhắc đến sự bảo trợ của chính phủ. Công ty này có quan hệ mật thiết với nhiều quan chức trên khắp cả nước, trong đó có sự góp mặt của các cơ quan thân chính phủ và những đơn vị này đã đồng ý giúp đỡ kêu gọi số vốn hỗ trợ lên đến 20,5 tỷ nhân dân tệ để công ty xây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Phúc Châu, phía nam của Trung Quốc. Những sự hỗ trợ còn còn tồn tại dưới dạng bất động sản, năng lượng và những cơ chế đặc biệt.

Những dạng hỗ trợ này chính là nguyên nhân khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm thấy không hài lòng. Nhưng những gói hỗ trợ đó không phải là vật “cho không”. Để đáp ứng tăng quy mô, số nợ của BOE đã tăng lên gấp hơn 4 lần đạt mức kỷ lục 118 tỉ nhân dân tệ kể từ khi công ty bắt đầu phát triển dòng màn hình OLED vào năm 2014.

BOE Technology - từ nhà máy hấp hối đến biểu tượng công nghệ của Trung Quốc - Ảnh 2.

Nguyên mẫu một màn hình OLED của BOE. Ảnh: Bloomberg.

Với việc có sự hợp tác kinh doanh với Apple và Samsung, công ty này luôn tránh vướng phải những rắc rối tương tự như đối với Huawei trong khoảng thời gian gần đây. Trong tháng 11/2018, thời báo Korea Economic Dailytiết lộ rằng BOE là một trong những công ty Trung Quốc đã trái phép sử dụng công nghệ màn hình bẻ cong của Samsung, theo một nguồn thạo tin.

Cáo buộc trên được cho là có liên quan đến thương vu mua lại công ty Hydis vào năm 2003, một công ty chuyên sản xuất màn hình của Hàn Quốc. Đơn vị này là nền tảng khi BOE muốn “dấn thân” vào lĩnh vực kinh doanh màn hinh tinh thể lỏng. Thương vụ này vấp phải hàng loạt những cáo buộc từ phí tổ chức công đoàn của công ty tại thời điểm mà BOE lấy hết những công nghệ của Hydis và để công ty này phá sản. BOE tuyên bố chỉ “mượn” những công nghệ này từ phía tổ chức công đoàn và từ chối đưa ra bình luận về cáo buộc “ăn cắp” công nghệ nêu trên.

Cho dù nắm vài trò quan trọng tại BOE, nhưng Wang lại khá hạn chế tiếp xúc với giới truyền thông. Ông đã từ chối lời mời phỏng vấn xung quanh chủ đề tranh cãi này.

“Sự tôn trọng dành cho các công nghệ cũng như sự bền chí theo đuổi những sáng tạo là những giá trị cốt lõi của BOE”, Wang phát biểu trong buổi tri ân đối tác của công ty hồi tháng 11/2018.

Sau khi đã tạo dựng được vị thế trong lĩnh vực sản xuất màn hình LCD, BOE giờ đây tập trung sản xuất màn hình OLED vì loại màn hình này cho phép thể hiện nhiều màu sắc hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn và cũng mỏng hơn so với các loại màn hình truyền thống.

Nó có thể bẻ cong, vặn xoắn, thậm chí vo tròn thành bất cứ hình dạng nào mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng hiển thị của màn hình. OLED đã được sử dụng trong các sản phẩm iPhone của Apple và Huawei cũng sử dụng màn hình này trong thiết bị điện thoại gập trị giá hơn 2.600 USD của họ.

Điểm trừ ở đây là màn hình OLED đắt hơn gấp 5 lần so với màn hình LCD, qua đó gián tiếp nâng giá các sản phẩm sử dụng loại màn hình này, cũng như yêu cầu việc vận chuyển cẩn thận hơn. Nhưng công ty Trung Quốc vẫn đặt cược vào tương lai của những chiếc điện thoại linh hoạt, qua đó có thể tăng quy mô sản xuất và hạ giá thành.

Nhà máy tại Thành Đô đã chính thức đi vào sản xuất hàng loạt từ năm 2017, và cơ sở sản xuất màn hình OLED chính của BOE, đang cho công suất khoảng 32.000 tấm màn hình/tháng, đạt 70% so với tổng công suất thiết kế. Công ty cũng đang cho xây dựng một nhà máy khác tại thành phố lân cận Miên Dương, với công suất không hè kém cạnh nhà máy tại Thành Đô.

Nhưng cả hai nhà máy của BOE mới chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu kỳ vọng. Do đó, công ty đang tìm thêm những địa điểm xây dựng mới tại các địa phương lân cận là Trùng Khánh và Phúc Châu với mục tiêu sản xuất màn hình với số lượng lớn vào năm 2020.

Những dự án trên có thể sẽ tiêu tốn số tiền lên đến 14 tỷ USD. BOE cũng đang trong quá trình thử nghiệm sản xuất một tấm màn hình có diện tích lớn hơn (khoảng 10m2) tại Hợp Phì, nhằm có thể phục vụ những sản phẩm kích cỡ lớn hơn như TV. Dự án này chính là đối trọng của BOE với LG Display Co.

BOE Technology - từ nhà máy hấp hối đến biểu tượng công nghệ của Trung Quốc - Ảnh 3.

Một màn hình cảm ứng đa điểm của BOE. Ảnh: Bloomberg.

Kế hoạch “bành trướng” này một phần giúp Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia sản xuất màn hình lớn nhất trên thế giới. Các nhà cung cấp của Trung Quốc, dẫn đầu bởi BOE và Tianma Microelectronics Co, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, chiếm khoảng 25% thị phần màn hình OLED toàn cầu và đang “nhăm nhe” vượt qua những đối thủ đến từ Hàn Quốc sau năm 2020, theo TrendForce.

Chính sự phát triển này cũng dấy lên những quan ngại về việc có quá nhiều sản phẩm màn hình được cung cấp ra thị trường, qua đó làm tăng rủi ro cho công ty. Trong năm 2018, công ty đạt doanh thu khoảng 96 tỷ nhân dân tệ và có giá trị thị trường khoảng 20 tỷ USD.

“Thị trường màn hình OLED cỡ nhỏ và trung đang được thống trị bởi Samsung Display và hiện trong tình trạng bão hòa”, Jerry Kang, chuyên gia kì cựu thuộc IHS Markit, nhận định. “Nhu cầu sẽ không quá nhiều do mức giá quá cao”.

Trong năm ngoái, BOE đã vượt lên trên LG Display để trở thành nhà sản xuất màn hình LCD lớn nhất thế giới. Công ty tham vọng có thể làm điều tương tự đối với mảng màn hình OLED, nơi mà Samsung đang là nhà cung cấp duy nhất màn hình cho các dòng sản phẩm iPhone.

“Mọi người bắt đầu ý thức được rằng BOE hoàn toàn có thể thay đổi cuộc chơi trên thị trường sản xuất màn hình”, theo Boyce Fan, giám đốc nghiên cứu TrendForce. “Trong khi các công ty Trung Quốc đang thử thách sức mạnh của các đối thủ đến từ Hàn Quốc thì các hãng điện thoại nội địa của quốc gia này cũng luôn sẵn sàng sử dụng những sản phẩm màn hình nội địa”.

Trong năm tháng đỉnh cao vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, Beijing Electron là doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất tại Trung Quốc khi sản xuất bóng đèn chân không sử dụng công nghệ của Liên Xô. Công ty bắt đầu rơi vào giai đoạn khó khăn sau khi Trung Quốc cho phép mở cửa với những công nghệ tân tiến từ nước ngoài, buộc công ty phải cho 10.000 nhân công tại nhà máy chính, phía đông bắc thủ đô Bắc Kinh, nghỉ việc.

Zhang vẫn còn nhớ như in việc 90% số những sinh viên tốt nghiệp được tuyển vào công ty trong năm 1988 rời đi vì mức lương quá thấp. Các kỹ sư ở lại công ty thậm chí còn nhận được mức lương thấp hơn những người lao công làm việc tại một khách sạn gần đó, trong khi những công nhân còn trẻ cũng quyết định rời bỏ công ty. Chỉ còn lại đó những công nhân non tay nghề hoặc đã lớn tuổi.

Wang đã có thể tìm một công việc mới với mức lương hậu hĩnh hơn vào thời điểm đó nhưng ông đã quyết định ở lại và sau đó được chỉ định lên làm người điều hành công ty. Ông đã quyết tâm thực hiện một phép thử cuối cùng. Ông bắt đầu chương trình cải tổ vào năm 1992, yêu cầu ban lãnh đạo cũng như các công nhân đóng góp vốn để cứu công ty khỏi bờ vực phá sản.

Zhang cho biết đã có khoảng 2.600 người lao động quyên góp số tiền lên đến hơn 6,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1 triệu USD). Thậm chí có người còn quyên góp số tiền tương ứng với tiền lương 5 năm của họ.

Số tiền đó vừa đủ để công ty trả các khoản lãi và công ty không thể tìm ra một mô hình kinh doanh cốt lõi tạo ra lợi nhuận khi mà nhu cầu sử dụng bóng đèn chân không sụt giảm.

“Chúng tôi thậm chí còn không nhớ hết những mô hình kinh doanh mà chúng tôi đã thử nghiệm”, Zhang, người được tuyển vào công ty với vai trò một ký sư hóa học, cho biết. Công ty đã thử nghiệm sản phẩm nước súc miệng và thậm chí thành lập một trung tâm giới thiệu việc làm, nhưng cả hai đều không mang lại hiệu quả.

BOE Technology - từ nhà máy hấp hối đến biểu tượng công nghệ của Trung Quốc - Ảnh 4.

Ông Wang Dongsheng. Ảnh: Bloomberg.

Vào tháng 4/1993, nhà máy được đổi tên thành Beijing Oriential và Wang đã chuyển hướng sang mảng TV màu khi sản xuất ống tia âm cực, trước khi gia nhập vào ngành sản xuất các sản phẩm tấm màn hình phẳng vào đầu những năm 2000.

“Có rất nhiều các yếu tố tiếp sức cho tốc độ tăng trưởng đáng mơ ước của BOE. Tôi cho rằng một phần đến từ sự hỗ trợ của chính phủ và cả những nỗ lực của riêng BOE để có thể 'sống sót' trên thương trường”, Fan cho biết.

BOE đã phải đối diện với một quyết định sinh tử vào quãng thời gian đó: loại màn hình nào công ty nên “đặt cược” vào? Sau một cuộc trao đổi nội bộ, công ty đã quyết định sản xuất màn hình OLED, theo ý kiến của một số người tham dự thì điều đó "có thể tạo nên sự khác biệt”.

“Đó là một cuộc họp hết sức cân não và mọi người ai cũng đang phải chịu áp lực hết sức khủng khiếp”, Zhang cho biết. Và đó là một sự đánh đổi. Nếu như BOE thất bại trong việc thương mại hóa màn hình OLED trong vòng 3 năm, công ty sẽ sụp đổ dưới gánh nặng nợ nần, ông cho biết.

BOE bắt đầu xây dựng một dây chuyền thử nghiệm vào năm 2011 và sản phẩm mẫu đầu tiên được cho ra đời vào năm 2013. Mất nhiều năm nghiên cứu và chiêu mộ những ứng viên sáng giá nhất từ những trường đại học danh tiếng trong cả nước, sau nhiều giờ làm việc liên tục trong phòng thí nghiệm tại thủ đô Bắc Kinh, hàng trăm thí nghiệm đã được thực hiện nhằm tạo nên một bước đột phá trên thị trường.

Điều gì đến cũng phải đến. Giờ đây, trụ sở chính của công ty chiếm một phần rộng lớn trong một khu công nghiệp lớn tại thủ đô Bắc Kinh. Công ty đang là “hàng xóm” của những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Mercedes và General Motor. Đây cũng là nơi công ty cho lắp đặt những màn hình trong suốt và một chiếc màn hình kích thước 65 inch được làm từ công nghê in máy tính.

“Đó có thể là một phép màu trong mắt những đối thủ đến từ nước ngoài. Nhưng đối với chúng tôi, đó chính là hơn một thập kỷ dày công chuẩn bị”, Zhang nói.

Theo Trọng Đại

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên