MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BSC dự báo VN-Index có thể về dưới 950 điểm trong tháng 9 nếu có thông tin bất lợi từ thế giới và khối ngoại bán ròng

Trong tháng 9, những thông tin từ hoạt động cơ cấu ETFs, dự báo KQKD quý 3 và hơn cả là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng lớn tới biến động thị trường.

CTCK Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) công bố báo cáo chiến lược thị trường tháng 9 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các động lực tăng trưởng giảm nhẹ so cùng kỳ

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định ở các chỉ tiêu quan trọng. CPI tháng 7 tăng 0,28%, đưa mức CPI 7 tháng đầu năm đạt 2,57% so cùng kỳ, CPI bình quân 8 tháng tăng 1,9% là mức thấp trong vài năm gần đây. Giá USD giảm 0,17% tháng 8, giảm 0,38% so với tháng 12 và giảm 0,13% so cùng kỳ năm trước. Tháng 8 ước xuất siêu 1,7 tỷ USD, tính chung 8 tháng đạt 3,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đến 15/8 tăng khá, bằng 66% dự toán và thặng dư 97 nghìn tỷ.

Các động lực đóng góp tăng trưởng vẫn đang chậm lại so cùng kỳ: (1) Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng 8 tháng 2019 ở mức 11,5%, giảm 0,6% so với mức tăng cùng kỳ 2018; (2) Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 9,5% so với mức tăng 10,8% cùng kỳ; (3) Tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 9,1 tỷ USD, giảm 32% so cùng kỳ; (4) Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách tăng 3,8% cùng kỳ so với mức tăng 10,4% năm 2018; (5) Tổng kim ngạch XNK tăng 7,3% so cùng kỳ so với mức tăng 13,5% của năm 2018. Nền kinh tế thế giới giảm tốc ảnh hưởng đến Việt Nam, dù vậy mức giảm sút nhẹ này có chấp nhận được và vẫn tích cực hơn so với các nền kinh tế khác.

Ngân hàng nhà nước vẫn đang điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ ổn định vĩ mô trước biến động phức tạp từ thế giới. Trong tháng 8, Ngân hàng nhà nước ra liền 2 văn bản: (1) yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu Doanh nghiệp và (2) cảnh báo việc các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và mạnh ở một số kỳ hạn, hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao. Đây là những quy định cần thiết để định hướng, kiểm soát dòng tín dụng và đồng thời chặn đà tăng lãi suất không lành mạnh đi ngược lại xu hướng giảm lãi suất của thế giới.

Việt Nam vẫn nằm trong watchlist nâng hạng của FTSE Russell, ETF cơ cấu danh mục quý 3

FTSE sẽ công bố kết quả xếp hạng thị trường vào cuối tháng 9. Thị trường Việt Nam đã có sự thay đổi về quy mô vốn hóa do một số công ty niêm yết trên Upcom chuyển sàn sang HoSE dù vậy chưa có chuyển biến chính sách để đáp ứng tiêu chí của FTSE Russell. Những thay đổi chỉ đến khi Luật chứng khoán sửa đổi được thông qua vào cuối năm 2019 và có hiệu lực vào 2020. Do vậy, nhiều khả năng Việt Nam vẫn được giữ trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell trong đợt công bố này và cơ hội nâng hạng chỉ đến vào cuối năm 2020 hoặc 2021.

Về hoạt động cơ cấu ETF, tại dữ liệu chốt lại 21/8, BSC dự báo FTSE VN sẽ bổ sung VJC, PHR và có khả năng HVN trong khi loại CII. Quỹ ETF VNM bổ sung VJC và có khả năng HVN. Với trường hợp HVN, cổ phiếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện ngoại trừ tỷ lệ Free float đang được tính toán khác nhau giữa các nguồn thông tin.

Chiến tranh thương mại leo thang

Mỹ và Trung Quốc liên tiếp có những động thái áp thuế trả đũa nhau trong thời gian gần đây. Những đòn trả đũa kéo theo những điều chính sách đáng lưu ý. Sau 10 năm, FED giảm lãi suất 0.25% xuống biên độ 2% – 2,25% vào kỳ họp chính sách tháng 7 trong bối FED chịu nhiều áp lực tổng thống Hoa Kỳ và quan điểm chưa rõ ràng về chu kỳ cắt giảm lãi suất.

Trung Quốc cũng giảm giá NDT xuống dưới ngưỡng tâm lý 7 CNY/USD, đồng thời nhận mức giảm mạnh nhất trong 25 năm với mất -3,9% trong tháng 8. Hoa Kỳ ngay lập tức liệt Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ vào ngày 5/8. Vậy là từ cuộc chiến thương mại ban đầu nguy cơ lan rộng sang cuộc chiến tiền tệ và các thái trả đũa vào doanh nghiệp của nhau dần rõ nét.

Sau hơn 1 năm và trải qua nhiều vòng đám phàn, các cuộc đàm phán vẫn bế tắc và mức độ nghiêm trọng trả đũa lẫn nhau ngày càng mở rộng. Những toan tính chính trị được lồng ghép vào cuộc chiến thương mại đang đẩy cuộc chiến đi xa và khó lường. Đây tiếp tục là rủi không chỉ cho kinh tế toàn cầu mà cả kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

VN-Index có thể giảm dưới 950 điểm nếu có thông tin bất lợi từ Thế giới

Về diễn biến TTCK, BSC cho rằng thị trường sẽ có những vận động đón đầu KQKD quý 3 vào nửa cuối tháng 9, dù vậy đây chưa thể là động lực bứt phá khi những thông tin bất lợi từ thế giới vẫn còn phía trước. Vùng vận động giá VN-Index tháng 9 tiếp tục trong khoảng 965 điểm – 1.015 điểm.

BSC dự báo trong trường hợp tích cực, VN-Index giữ trên 965 điểm ở nhịp điều chỉnh, với vùng giá trung tâm 980 điểm. Vận động giá đón đầu KQKD quý 3, thanh khoản cải thiện tại một số ngành và cổ phiếu triển vọng tăng trưởng tốt.

Trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể giảm dưới 950 điểm nếu có những thông tin bất lợi từ thế giới và hoạt động bán ròng từ khối ngoại.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên