MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh ngành thủy sản quý 3/2019: Lợi nhuận các doanh nghiệp lớn lao dốc trước hàng loạt khó khăn

Các doanh nghiệp ngành thủy sản đang cùng chung "bài toán" cần giải quyết là vùng nguyên liệu.

Hầu hết các doanh nghiệp ngành thủy sản quý 3 đều kinh doanh giảm sút so với cùng kỳ, thậm chí có nhiều doanh nghiệp lỗ nặng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp ngược lại có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ.

Thủy sản Hùng Vương lỗ gần 500 tỷ đồng năm tài chính 2018-2019

Nhắc đến doanh nghiệp ngành thủy sản, chắc hẳn cái tên cần nhắc tới trước tiên là Thủy sản Hùng Vương (HVG). Nhắc đến đầu tiên không phải vì là doanh nghiệp lớn nhất, cũng không phải là lãi lớn hay lỗ sâu, mà bởi đây là doanh nghiệp có nhiều câu chuyện đáng nói nhất.

Khác với hầu hết các doanh nghiệp khác, năm tài chính của Thủy sản Hùng Vương bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau. Thời điểm này công ty đã hoàn thành các hoạt động kinh doanh của năm tài chính 2018 – 2019.

Bức tranh ngành thủy sản quý 3/2019: Kết quả kinh doanh giảm sút, điểm sáng ở vài doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng - Ảnh 1.

Kểt quả kinh doanh những năm gần đây của Thủy sản Hùng Vương.

Điểm lại, 2 quý đầu năm, báo cáo tự lập của công ty đều ghi nhận lãi sau thuế với số lãi lần lượt là 21,5 và 6,1 tỷ đồng. Tổng lãi sau thuế nửa đầu năm rơi vào khoảng 27,6 tỷ đồng. Tuy nhiên sau kiểm toán Hùng Vương đã bất ngờ bị điều chỉnh từ lãi sang lỗ sâu với số lỗ hơn 134 tỷ đồng. Kiểm toán còn đưa ra một số ý kiến ngoại trừ, và ghi nhận sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Sau 2 quý đầu bị điều chỉnh lỗ, Thủy sản Hùng Vương tiếp tục ghi nhận lỗ 129 tỷ đồng trong quý 3 và lỗ thêm gần 240 tỷ đồng trong quý 4, nâng tổng lỗ cả năm lên hơn 496 tỷ đồng – đây là số lỗ lớn thứ 2 sau lần lỗ kỷ lục 713 tỷ đồng năm tài chính 2016-2017. Tổng lỗ lũy kế chưa phân phối đến 30/9/2019 lên đến 891 tỷ đồng.

Bức tranh ngành thủy sản quý 3/2019: Kết quả kinh doanh giảm sút, điểm sáng ở vài doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh theo quý.

Đáng chú ý, dù kết quả kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu HVG ngược lại đang tăng mạnh. Từ vùng giá dưới 3.000 đồng/cổ phiếu trước ngày 21/10/2019, đến nay sau hơn nửa tháng, HVG có 14 phiên tăng trần trong tổng số 18 phiên giao dịch. Trong đó phiên giao dịch, lên mức giá 7.230 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dù cổ phiếu tăng, nhưng vẫn dưới mệnh giá, Thủy sản Hùng Vương cũng đang dự định đưa 5 triệu cổ phiếu quỹ ra bán theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch. Hiện công ty đang hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định trước khi đăng ký bán.

Bức tranh ngành thủy sản quý 3/2019: Kết quả kinh doanh giảm sút, điểm sáng ở vài doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu HVG trong 1 năm gần đây.

Thủy sản Minh Phú cho biết đang gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu

Không thua lỗ, nhưng Thủy sản Minh Phú (MPC) đang gặp khá nhiều vấn đề về thiếu hụt nguồn nguyên liệu, dẫn đến việc hạn chế ký kết các đơn hàng mới. Doanh thu xuất khẩu tháng 9/2019 của Minh Phú chỉ đạt gần 60 triệu USD, giảm 33,85% cùng kỳ năm trước, lũy kế 9 tháng đạt 484,56 triệu USD giảm 8,92%. Tổng sản lượng xuất khẩu trong tháng 9 đạt 5.455 tấn, giảm 35,34% cùng kỳ năm trước, 9 tháng đạt 43.464 tấn, giảm 9% cùng kỳ năm trước, chỉ hoàn thành 56% kế hoạch năm.

Minh Phú hiện đang lên kế hoạch đẩy mạnh hoàn thành vùng nuôi công nghệ cao Lộc An ngay trong năm 2019 để chủ động hơn nguồn cung và năng lực đáp ứng đơn hàng trong những tháng cao điểm trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Không chỉ vậy, trên thị trường cổ phiếu MPC đang giảm sâu về vùng đáy của nhiều năm trở lại đây, hiện giao dịch quanh mức 21.800 đồng/cổ phiếu.

Bức tranh ngành thủy sản quý 3/2019: Kết quả kinh doanh giảm sút, điểm sáng ở vài doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu MPC trong 1 năm gần đây.

Nhìn chung quý 3 hầu hết các doanh nghiệp ngành thủy sản trên sàn đều có kết quả kinh doanh giảm sút so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận quý 3 của Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) chỉ bằng 1/5 cùng kỳ, đạt 19,2 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm cũng giảm hơn 10,5%, còn 132 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý 3 của Camimex (CMX) cũng giảm hơn một nửa, còn 18,6 tỷ đồng. Cổ phiếu CMX cũng giảm mạnh hơn một nửa so với vùng giá đỉnh lập được mấy tháng trước, hiện giao dịch quanh mức 16.500 đồng/cổ phiếu.

Bức tranh ngành thủy sản quý 3/2019: Kết quả kinh doanh giảm sút, điểm sáng ở vài doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng - Ảnh 5.

IDI đang hoàn thiện chuỗi giá trị cá tra phục vụ cho những thị trường khó tính

Hay doanh nghiệp thủy sản khác như IDI cũng báo lãi quý 3 giảm sút 57% so với cùng kỳ, còn 62,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, IDI đạt 5.454 tỷ đồng tăng 29% so với cùng kỳ trong khi LNST sụt giảm 39% xuống còn gần 279 tỷ đồng tương đương EPS đạt 1.408 đồng.

Trước đó Ban lãnh đạo IDI cho biết, hiện IDI nằm trong top 3 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất Việt Nam, thị trường tiêu thụ mở rộng lên đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. IDI đang đầu tư để hoàn thiện chuỗi giá trị cá tra phục vụ cho những thị trường khó tính. Trong đó, vùng nuôi của công ty rộng đến 300ha đủ khả năng đáp ứng hơn 80% nhu cầu nguyên liệu sản xuất. Hai nhà máy thủy sản đông lạnh đạt công suất 400 tấn cá/ngày. Công ty cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy số 3 với công suất 400 tấn nguyên liệu/ngày.

Kết quả kinh doanh giảm sút cũng kéo theo giá cổ phiếu đi xuống. Nếu tính từ đầu năm 2019 thì cổ phiếu IDI không tăng giảm nhiều, nhưng nếu so với mức giá xấp xỉ mệnh giá đạt được cuối năm 2018, thì cổ phiếu IDI đã mất đi gần 50% giá trị.

Bức tranh ngành thủy sản quý 3/2019: Kết quả kinh doanh giảm sút, điểm sáng ở vài doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng - Ảnh 6.

Lợi nhuận quý 3 của Vĩnh Hoàn (VHC) giảm 58% so với cùng kỳ

Lợi nhuận quý 3 của Vĩnh Hoàn (VHC) cũng giản 58% so với cùng kỳ, còn 254 tỷ đồng. Còn tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu Vĩnh Hoàn đạt 5.699 tỷ đồng, thực hiện được 56% kế hoạch. Còn lợi nhuận sau thuế ghi nhận 981 tỷ đồng, giảm sút 4% so với cùng kỳ.

Trong lần chia sẻ mới đây, đại diện Công ty dự báo cho nửa năm còn lại xuất khẩu sang Mỹ sẽ phục hồi, trong khi xuất khẩu sang EU và Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Thành viên HĐQT - cho biết chi tiết về thị trường Mỹ - nơi Vĩnh Hoàn có lợi thế cạnh tranh, đang có nhiều cơ hội khi cá rô phi vừa bị áp thuế 25% khiến giá đẩy lên cao hơn. Hiện, các siêu thị vẫn đang bán cá tra và kết quả thu về rất tốt, song vấn đề cần phải làm để đạt được kỳ vọng chính là đầu tư mạnh hơn marketing.

Cổ phiếu VHC cũng đang giảm mạnh về vùng đáy của hơn 1 năm trở lại đây, hiện giao dịch quanh mức 78.800 đồng/cổ phiếu.

Bức tranh ngành thủy sản quý 3/2019: Kết quả kinh doanh giảm sút, điểm sáng ở vài doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng - Ảnh 7.

Các doanh nghiệp thủy sản đang giải quyết bài toán nguồn nguyên liệu

Việc chủ động nguồn nguyên liệu hiện đang là bài toán cần giải quyết trước tiên của các doanh nghiệp ngành thủy sản. Mở rộng vùng chăn nuôi, liên kết với các doanh nghiệp, các nhà cung cấp nguyên liệu là bước đi đầu tiên. IDI, Hùng Vương, Minh Phú... cũng đang từng bước khắc phục để chủ động nguồn nguyên liệu.

Điểm sáng trong nhóm các doanh nghiệp ngành thủy sản trên sàn quý 3 vừa qua có thế kể đến là Nam Việt (ANV), Agifish (AGF) hay Thủy sản Bến Tre (ABT) với lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.

Bức tranh ngành thủy sản quý 3/2019: Kết quả kinh doanh giảm sút, điểm sáng ở vài doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Trọng Hữu, trợ lý ban Tổng Giám đốc Nam Việt (ANV) cho biết công ty hiện có 3 nhà máy được thiết kế với công suất 600 tấn/ngày. Hiện Nam Việt đang tập trung vào dự án vùng nuôi Bình Phú với hơn 200 ao cá thịt và 40 ao cá giống. Bên cạnh đó, Nam Việt đang tập trung mạnh cho dự án chiến lược là vùng nuôi Bình Phú, có diện tích 600 ha. Nam Việt sở hữu 500 ha trong số đó và được quy hoạch thẳng theo quy mô lớn.

Công ty đã đưa vào cung cấp cho thị trường sản phẩm mới là chả cá surimi, đây là sản phẩm giá trị gia tăng đầu tiên. Năm 2020, công ty dự kiến phối hợp với một công ty Hàn Quốc thực hiện sản xuất sản phẩm collagen và đang có kế hoạch hợp tác với đối tác từ Hàn Quốc.

Kết quả kinh doanh của Nam Việt cũng phản ánh thực trạng tốt của công ty. Doanh thu hợp nhất quý 3 tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 1.127 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế tăng 34%, lên 152,8 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2019 Nam Việt báo lãi sau thuế trên 506 tỷ đồng, tăng trưởng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. EPS đạt 3.985 đồng.

Bức tranh ngành thủy sản quý 3/2019: Kết quả kinh doanh giảm sút, điểm sáng ở vài doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng - Ảnh 9.

Thực phẩm Sao Ta (FMC) cũng đạt 76,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý 3, tăng 30% so với quý 3 năm ngoái. Phần lớn doanh thu và lợi nhuận của công ty đều từ bán hàng thủy sản.

Tính chung 9 tháng đầu năm doanh thu Thực phẩm Sao Ta đạt 2.748 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng 41%, đạt 168 tỷ đồng. EPS đạt 3.484 đồng.

Các doanh nghiệp thủy sản đang chung tay tháo gỡ thẻ vàng

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau 2 năm EC cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam. Còn các doanh nghiệp cũng cho rằng, thẻ vàng IUU đã gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản sang EU và kéo theo sau là ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.

Qua 2 năm kiên định với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã rất tích cực chung tay cùng cộng đồng các doanh nghiệp hải sản đang quyết giữ vững thị trường XK của các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam, khắc phục khó khăn trước mắt để ổn định lại thị trường.

Dự báo sản lượng xuất khẩu sẽ tăng nhẹ vào cuối năm, do vậy các doanh nghiệp trong ngành đang ra sức cạnh tranh để có kết quả kinh doanh tốt hơn vào quý 4 cuối năm 2019.

Thạch Lâm

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên