MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bùng nổ kênh TPDN: Lãi suất trung bình 8,8%/năm, nhóm BĐS chi trả cao nhất – hơn 10%/năm

Tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành năm 2019 là 106.5 nghìn tỷ đồng, chiếm 38% tổng phát hành toàn thị trường và chỉ xếp sau nhóm ngân hàng. Kỳ hạn bình quân của nhóm này là 3,7 năm và lãi suất bình quân là 10,3%/năm – cao nhất thị trường nếu loại trừ lô phát hành của Hồng Hoàng.

Về bình quân gia quyền theo giá trị phát hành năm 2019, lãi suất trái phiếu trung bình toàn thị trường là 8,8%/năm và kỳ hạn trái phiếu bình quân là 4,04 năm. Lãi suất và kỳ hạn đều nhích tăng trong quý cuối năm phần nhiều do các NHTM gia tăng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài và lãi suất cũng cao hơn, ghi nhận bởi SSI Research.

Nhóm ngân hàng có lãi suất thấp nhất (7,04%), ngược lại nhóm BĐS cao nhất với 10,3%/năm

Có 51,3% trái phiếu phát hành có lãi suất cố định, tập trung chủ yếu vào các trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm của nhóm NHTM, trả lãi định kỳ hàng năm. 48,7% trái phiếu còn lại có lãi suất thả nổi, chủ yếu là trái phiếu các doanh nghiệp BĐS và trái phiếu ngân hàng kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Nhóm trái phiếu ngân hàng có lãi suất bình quân thấp nhất (7,04%/năm), nhóm có lãi suất bình quân cao nhất là BĐS (10,3%/năm). Nhóm các doanh nghiệp khác có lãi suất bình quân cao ngang bằng nhóm BĐS chủ yếu là do lô phát hành 1.402 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất 20% của CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng. Nếu loại trừ khoản này, lãi suất bình quân của nhóm các doanh nghiệp khác chỉ là 9,86%/năm.

Ngoài lô trái phiếu lãi suất cao bất thường kể trên, có 3 lô phát hành của BĐS Phát Đạt (PDR) và 2 lô phát hành của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Gia Cư có lãi suất trên 13%/năm – đều là các doanh nghiệp BĐS. Công ty Đầu tư Kinh doanh BĐS Star Beach chào bán 150 tỷ đồng trái phiếu 24 tháng, lãi suất tới 18%/năm nhưng không có bên nào mua cho thấy thị trường cũng có chọn lọc, không hẳn chỉ nhìn vào lãi suất.

Ngoại trừ nhóm trái phiếu ngân hàng, hầu hết các trái phiếu nằm trong khoảng lãi suất 10-11%/năm, tức là cao hơn lãi suất tiền gửi từ 3-4%/năm. Mức này cũng ngang bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn đang là 9-11%/năm (theo thông tin từ NHNN).

Kỳ hạn trái phiếu bình quân dài nhất (7,3 năm) thuộc về nhóm phát triển hạ tầng và các doanh nghiệp năng lượng, khoáng sản – phù hợp với tính chất dài hạn của các dự án đầu tư mà những doanh nghiệp này thực hiện. Nhóm phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn nhiều nhất là các công ty chứng khoán, chủ yếu là chỉ từ 1-2 năm. Cá biệt có 2 lô phát hành với tổng giá trị là 104 tỷ của VNDirect là có kỳ hạn lên tới 10 năm.

Bùng nổ kênh TPDN: Lãi suất trung bình 8,8%/năm, nhóm BĐS chi trả cao nhất – hơn 10%/năm - Ảnh 1.

Nhóm NHTM: BIDV đứng đầu huy động trái phiếu với 18.371 tỷ đồng, kỳ hạn 6-15 năm

Có 19 NHTM có phát hành trái phiếu trong năm 2019 trong đó có 12 NHTM niêm yết và 7 NHTM chưa niêm yết. Các NHTM chào bán 117.130 tỷ đồng trái phiếu và phát hành được 115.022 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ thành công là 98,2%. Kỳ hạn bình quân là 4,1 năm và lãi suất bình quân là 7,04%/năm – là nhóm có lãi suất trái phiếu thấp nhất thị trường.

Ngoại trừ BIDV và Vietinbank có các đợt chào bán ra công chúng trong nước và VPB thực hiện chào bán trái phiếu quốc tế, hầu hết các NHTM đều phát hành dưới hình thức riêng lẻ.

Có 11/19 ngân hàng có phát hành trái phiếu kỳ hạn dài trên 5 năm trong đó nhiều nhất là BIDV (BID), Vietinbank (CTG), Seabank (SEA), Lienvietpost bank (LVP). Lãi suất các khoản trái phiếu kỳ hạn dài đều trội hơn hẳn, ở mức 7,5-8,5%/năm.

Bùng nổ kênh TPDN: Lãi suất trung bình 8,8%/năm, nhóm BĐS chi trả cao nhất – hơn 10%/năm - Ảnh 2.

Quán quân phát hành nhiều nhất thuộc về BIDV với tổng cộng 18.371 tỷ đồng trái phiếu được phát hành các kỳ hạn từ 6-15 năm trong đó 45,7% là trái phiếu kỳ hạn 6 năm nhưng có kèm theo cam kết mua lại sau 1 năm lưu hành. Vietinbank cũng phát hành 5.500 tỷ đồng trái phiếu các kỳ hạn 7-15 năm chủ yếu dưới hình thức phát hành ra công chúng. Có thể thấy, yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II và thông tư 41 khiến nhiều NHTM phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, cải thiện hệ số CAR.

Có 81.360 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 70,7% tổng lượng phát hành của các ngân hàng có kỳ hạn từ 3 năm trở xuống với lãi suất chủ yếu là dưới 7%/năm. Việc phát hành các trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm có thể giúp các ngân hàng giảm được tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tuy vậy các kỳ hạn dài thường phải có lãi suất cao hơn kỳ hạn ngắn nhưng thực tế đa số trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm này lại có lãi suất thấp hơn. Ví dụ trái phiếu SHB có kỳ hạn bình quân 2,23 năm và lãi suất trung bình 6,85%, thấp hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 năm là 7%.

Các CTCK mua 31.500 tỷ đồng, chiếm gần 40% lượng phát hành các kỳ hạn 3 năm trở xuống. Nhiều lô phát hành chỉ ghi bên mua chung chung là "tổ chức trong nước". Lượng mua này là rất lớn nên ngoài các định chế tài chính thì khó có đơn vị nào có đủ năng lực để tham gia (tính đến 30/9/2019, tổng vốn chủ sở hữu của các CTCK tại Việt Nam chỉ là 77.800 tỷ đồng).

Nhà đầu tư cá nhân chỉ mua các trái phiếu 6-10 năm của BID, CTG, SEA và TPB với tổng giá trị 12.084 tỷ, lãi suất dao động từ 8-9.5% (có lãi suất thả nổi), một khoảng lãi suất hợp lý tương ứng với kỳ hạn dài.

Bùng nổ kênh TPDN: Lãi suất trung bình 8,8%/năm, nhóm BĐS chi trả cao nhất – hơn 10%/năm - Ảnh 3.

Nhóm BĐS: Lãi suất cao thu hút nhà đầu tư cá nhân với giá trị mua vào 11.000 tỷ đồng

Tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành năm 2019 là 106.5 nghìn tỷ đồng, chiếm 38% tổng phát hành toàn thị trường và chỉ xếp sau nhóm ngân hàng (một số lô phát hành của các tổ chức đa ngành nghề nhưng mục đích sử dụng vốn là đầu tư BĐS nên vẫn được SSI Research xếp vào nhóm này). Kỳ hạn bình quân của nhóm này là 3,7 năm và lãi suất bình quân là 10,3%/năm – cao nhất thị trường nếu loại trừ lô phát hành của Hồng Hoàng.

Bùng nổ kênh TPDN: Lãi suất trung bình 8,8%/năm, nhóm BĐS chi trả cao nhất – hơn 10%/năm - Ảnh 4.
Bùng nổ kênh TPDN: Lãi suất trung bình 8,8%/năm, nhóm BĐS chi trả cao nhất – hơn 10%/năm - Ảnh 5.
Bùng nổ kênh TPDN: Lãi suất trung bình 8,8%/năm, nhóm BĐS chi trả cao nhất – hơn 10%/năm - Ảnh 6.

Nhà đầu tư cá nhân mua gần 11 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS, còn lại là các nhà đầu tư tổ chức. Trong đó các NHTM mua 19,1 nghìn tỷ đồng, các CTCK mua 4,4 nghìn tỷ đồng, tổ chức nước ngoài mua 1,66 nghìn tỷ đồng các trái phiếu của KDH, PDR, DXG. Còn lại được ghi chung chung dưới tên là "tổ chức trong nước" hoặc thiếu thông tin cụ thể.

NHNN đang định hướng giảm tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thông qua điều chỉnh hệ số rủi ro để tính chỉ số CAR tại thông tư 22/2019/TT-NHNN nên kênh trái phiếu tất yếu sẽ được các doanh nghiệp BĐS tìm đến. Trái phiếu bất động sản thời gian tới sẽ vẫn nở rộ vì lãi suất hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn và nhu cầu phát hành cao.

Tuy vậy, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro nên cần sự tăng cường giám sát từ các cơ quan quản lý để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.

Bùng nổ kênh TPDN: Lãi suất trung bình 8,8%/năm, nhóm BĐS chi trả cao nhất – hơn 10%/năm - Ảnh 7.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên