MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước đi đúng tạo môi trường đầu tư thuận hơn ở Việt Nam

26-09-2016 - 16:44 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo đại diện E&Y, Việt Nam chưa có cơ chế cụ thể bán nợ xấu theo giá thị trường, hay công ty chuyên về mua bán nợ, nên việc xử lý nợ xấu phần nào chưa đi vào thực chất.

Theo ông Võ Hiển, Giám đốc điều hành phụ trách Dịch vụ tư vấn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thuộc Tập đoàn kiểm toán Ernst&Young (E&Y), kế hoạch thoái vốn nhà nước ra khỏi một số tổng công ty lớn như Tổng công ty Cổ phần Bia- Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco)..., mà Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai là tin vui đối với thị trường. Đây cũng là một bước đi đúng nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn ở Việt Nam.

Nhận định này của ông xuất phát từ những lý do sau.

Thứ nhất, Chính phủ đã thực hiện cam kết thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (SOE), tăng tính cạnh tranh và minh bạch hóa hoạt động của các tổng công ty nhà nước, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả. Thứ hai, nhà đầu tư sẽ có thêm hàng hóa chất lượng để lựa chọn đầu tư, thay vì chỉ có Vinamilk, Vietcombank, VinGroup..., là những công ty có vốn hóa lớn, kinh doanh hiệu quả. Thứ ba, sau khi lên sàn, Habeco và Sabeco sẽ có vốn hóa vào Top 5-10 trên thị trường. Điều này sẽ góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường cổ phiếu và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trong quá trình cổ phần hóa, nên có sự thẩm định bởi ban điều hành cổ phần hóa, trực thuộc thẩm quyền trực tiếp từ Chính phủ, có sự đóng góp chặt chẽ từ các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và tư vấn độc lập quốc tế. Đây cũng là cách mà Chính phủ Anh gần đây đã cổ phần hóa thành công một số công ty, trong đó có Royal Mail (doanh nghiệp bưu chính quốc gia Anh). Ngoài ra, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ rất quan trọng nhằm nâng cao trình độ quản trị của doanh nghiệp cũng như sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp.

Về tái cơ cấu nợ xấu của khu vực ngân hàng, Việt Nam chưa có cơ chế cụ thể bán nợ xấu theo giá thị trường, hay công ty chuyên về mua bán nợ, nên việc xử lý nợ xấu phần nào chưa đi vào thực chất. Nợ xấu mới chỉ chuyển từ hệ thống ngân hàng sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), mà phần lớn chưa được xử lý tận gốc (mua đứt bán đoạn). Tại Vương quốc Anh và các thị trường tài chính lớn khác đều có các công ty hay quỹ đầu tư chuyên mua bán nợ xấu. Đa số các doanh nghiệp được yêu cầu phải tiến hành kế hoạch cổ phần hóa đều là yếu kém, nên nếu bán cổ phần họ sẽ phải bán ở mức giá thấp thì nhà đầu tư mới mua.

Trên thực tế, đây sẽ là một trong những nguy cơ gây thất thoát vốn của Nhà nước. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng chưa dám mạnh tay làm. Trong khi đó, những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì chỉ muốn bán một phần nhỏ cổ phần, dẫn đến việc nhà đầu tư không có tiếng nói trong ban điều hành, vì vậy nhà đầu tư không mấy mặn mà. Trên nền bức tranh toàn cảnh đó, việc những hàng hóa tốt như Habeco và Sabeco được chào bán là một hướng đi đúng đắn để góp phần phát triển thị trường.

Ông Võ Hiển cho biết: "Bản thân tôi đã trực tiếp tham dự một vài diễn đàn ở London bàn về cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Gần đây nhất cuộc gặp gỡ do Quỹ đầu tư Dragon Capital tổ chức. Tôi thấy các nhà đầu tư nước Anh rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Họ đặc biệt quan tâm đến những lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, năng lượng (năng lượng sạch, năng lượng tái sinh), viễn thông, bán lẻ và tài chính ngân hàng. Vì vậy, trên phương diện là một nhà quan sát, tôi cho rằng kế hoạch thoái vốn nhà nước hiện nay của Chính phủ Việt Nam được đánh giá cao và nhận được sự quan tâm chặt chẽ cả trong và ngoài nước"./.

Theo Lê Phương

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên