MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Buồn với lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản quý 1

11-05-2016 - 09:09 AM | Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp thủy sản đã có một quý kinh doanh khó khăn khi có 02 doanh nghiệp báo lỗ và tới 8 doanh nghiệp báo lãi sụt giảm.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản trong quý 1/2016 ước đạt 1,36 tỷ đô la Mỹ (USD), tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên ngành chế biến thủy sản quý 1 đã gặp khó về nguyên liệu khi diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL giảm 22% và sản lượng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, nguyên liệu tôm chế biến và tôm giống cũng bị thiếu hụt do tác động của tình hình hạn, mặn.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản trên 2 sàn niêm yết đã công bố BCTC quý 1/2016 kém khả quan trong đó tình hình khó khăn là hiện hữu đối với cả những ông lớn như Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), Thủy sản Hùng Vương (HVG), Thủy sản Bến Tre (ABT).

Cụ thể, Thủy sản Vĩnh Hoàn đạt 100,53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm nhẹ gần 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ tỷ giá gần 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2015 chỉ là 2,3 tỷ đồng. Trong khi đó các chi phí phát sinh trong kỳ tăng cao khiến Thủy sản Hùng Vương (HVG) chỉ lãi ròng chưa đến 1,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 95% so với cùng kỳ năm trước. Thủy sản Bến Tre (ABT) cũng báo lãi sụt giảm mạnh hơn 47% so với cùng kỳ.

Hiện cả VHC và HVG đều có khoản phải thu rất lớn, VHC có khoản phải thu ngắn hạn khách hàng chiếm 1.076 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu từ Vĩnh Hoàn USA là 785 tỷ đồng. Còn HVG có tới 5.869 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu niên độ, trong đó phải thu khách hàng trong nước hơn 4.086 tỷ đồng và khách hàng nước ngoài 1.783 tỷ đồng.

So với các doanh nghiệp trên thì rõ ràng lợi nhuận của FMC hiện vẫn còn tốt - Mặc dù lãi từ hoạt động chính giảm mạnh nhưng nhờ cắt giảm chi phí và giảm lỗ từ hoạt động khác nên lãi ròng đạt hơn 15 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ. Ngoài ra Ntaco (ATA) và Thủy sản 4 (TS4) có mức lãi khả quan hơn so với cùng kỳ.

Trường hợp thua lỗ đáng chú ý là thủy sản An Giang (Agifish), mặc dù doanh thu tăng vọt cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ đạt 1.142,6 tỷ đồng nhưng các khoản chi phí đều tăng cao đặc biệt là giá vốn khiến doanh nghiệp này lỗ ròng 2,6 tỷ đồng. Công ty cho biết nguyên nhân thua lỗ là do giá xuất khẩu trong kỳ giảm. Thủy hải sản Việt Nhật lỗ thêm quý thứ 10 liên tiếp với mức lỗ ròng gần 1 tỷ đồng. Cổ phiếu của công ty đã bị đưa vào diện kiểm soát từ 30.3.2016 do LNST năm 2014, 2015 âm.

Nhận định về tình hình xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, trong một chia sẻ với báo giới, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, thông thường thời điểm đầu năm các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn do không phải mùa tiêu thụ, nguyên liệu khan hiếm. Giá trị xuất khẩu thủy sản trong quý 1 thường thấp nhất trong năm.

Trước đó hồi đầu năm, các doanh nghiệp thủy sản trên cả 2 sàn đều đã đề xuất kế hoạch kinh doanh khởi sắc cho năm 2016. Trong đó ấn tượng nhất là kế hoạch của Hùng Vương (HVG), doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu 24.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, tăng mạnh so với thực hiện năm 2015 là 151 tỷ đồng. Agifish (AGF) cũng thông qua kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh với doanh thu 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng.

Tú Anh

HNX&HSX

Trở lên trên