MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá ngừ sao mãi bấp bênh!

13-03-2017 - 08:11 AM | Thị trường

Hơn 20 năm, công nghệ đánh bắt, bảo quản và giá cá ngừ đại dương vẫn như cũ, trong khi chi phí khai thác tăng cao, lao động đi biển ngày một giảm.

Phú Yên được xem là chiếc nôi của nghề câu cá ngừ đại dương. Theo nhiều lão ngư ở đây, nghề này được hình thành vào năm 1995 từ những người câu cá mập. Hiện nghề câu cá ngừ đại dương chủ yếu phát triển mạnh ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với khoảng 3.500 tàu khai thác và 35.000 ngư dân.

Sản lượng tăng, lợi nhuận giảm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá ngừ năm 2016 tăng 12% so với năm 2015, lên gần 510 triệu USD nhờ sản lượng khai thác tăng, lên trên 17.600 tấn. Thế nhưng, so với 4 năm trước, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ năm 2016 lại giảm hơn 10%.

Năm 2016, hầu hết thị trường lớn mà Việt Nam xuất khẩu cá ngừ đều có kim ngạch xuất khẩu tăng. Trong đó, đặc biệt là Trung Quốc. Nếu như năm 2015, Trung Quốc chỉ là thị trường nhỏ thì sang năm 2016 vươn lên thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tăng tới 67%, lên 21 triệu USD, chủ yếu là sản phẩm phi lê đông lạnh. Trong khi đó, Nhật Bản, thị trường nhập khẩu cá ngừ ăn tươi với giá cao thì năm 2016 lại giảm 5% so với 2015, chỉ còn 19 triệu USD.

Các con số trên cho thấy kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong nhiều năm qua vẫn cứ ở mức trên dưới 500 triệu USD, trong khi sản lượng khai thác ngày một tăng.

Cá ngừ đại dương được bảo quản bằng đá lạnh nên phần lớn không đạt chất lượng ăn tươi, giá thấp

Cá ngừ đại dương được bảo quản bằng đá lạnh nên phần lớn không đạt chất lượng ăn tươi, giá thấp

Trong một hội nghị về phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương gần đây diễn ra tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản do công nghệ, kỹ thuật khai thác, bảo quản, thu mua còn nhiều bất cập dẫn đến nghịch lý là trong khi số tàu và sản sản lượng khai thác tăng, chất lượng và giá trị sản phẩm lại giảm. Điều này làm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu cá ngừ Việt Nam.

Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - cho biết giá cá ngừ đại dương đánh bắt bằng câu đèn (câu tay kết hợp ánh sáng) hiện chỉ 96.000 đồng/kg, bằng một nửa so với 20 năm trước. Trong khi giá dầu, vật tư cho chuyến biển tăng gấp đôi, năng suất đánh bắt thì ngày một giảm do nguồn cá ngừ không nhiều như trước.

“Nếu không có chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương đã bỏ nghề. Nếu cứ thế này thì không biết nghề câu cá ngừ đại dương sẽ đi về đâu” - ông Thuẫn băn khoăn.

Công nghệ bảo quản cũ

Lý giải về chất lượng, giá cá giảm, ông Thuẫn cho rằng phần lớn tàu câu cá ngừ đại dương hiện là vỏ gỗ. Việc bảo quản cá trên tàu vẫn là ướp đá với độ lạnh thấp nhất là âm 5 độ C. Trong khi đó, theo các chuyên gia, để bảo quản tốt cá ngừ thì độ lạnh tối thiểu phải âm 60 độ C. Trước đây, với cách bảo quản bằng đá lạnh nhưng nhờ chuyến biển ngắn, tối đa không quá 1 tuần nên chất lượng cá vẫn tốt, có thể xuất khẩu để ăn tươi. Bây giờ, vẫn cách bảo quản như thế nhưng chuyến biển dài ngày, trung bình khoảng 1 tháng nên chất lượng cá giảm nhiều.

“Gần thì không có cá, ra xa mà về sớm thì không đủ chi phí, khai thác dài ngày thì chất lượng cá không còn tốt, phải bán giá thấp. Phần lớn cá ngừ đại dương khai thác được hiện nay phải bán giá thấp làm phi lê cấp đông, chứ khó có cá tốt để xuất khẩu ăn tươi. Vì thế mà giá cá giảm” - ông Thuẫn phân tích.

Trên thực tế, nhiều chủ tàu sẵn sàng đóng tàu to, công suất lớn nhưng công nghệ bảo quản thì vẫn như cũ, trong khi đây mới là khâu quan trọng để bảo đảm chất lượng và nâng giá cá. Ông Nguyễn Văn Ái (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) có đội tàu 4 chiếc, tổng công suất trên 4.000CV, trong đó chiếc BĐ-94032-TS có công suất lên đến 1.250CV. Lão ngư 66 tuổi này là người đầu tiên trong cả nước dám đóng tàu trên 1.000CV để khai thác cá ngừ đại dương. Thế nhưng, đến giờ, cả đội tàu của ông vẫn còn áp dụng phương pháp bảo quản cá truyền thống là ướp đá lạnh.

“Xem trên mạng thấy ngư dân nước ngoài bảo quản cá ngừ bằng máy làm lạnh trên tàu, thấy con cá mướt rượt mà mê. Còn mình ướp lạnh bằng đá, cá bèo nhèo, làm sao mà bán giá cao được?” - ông Ái bộc bạch.

Theo ông Ái, khi 1 chiếc tàu ra khơi, ông phải tốn trên dưới 10 triệu đồng để đưa khoảng 2.000 cây đá xuống tàu. Đấy là chưa tính chi phí nhiên liệu phải chở số lượng đá lạnh này trong suốt hành trình đánh bắt, lại không bảo quản cá được tốt.

“Tôi chỉ ao ước có ai hỗ trợ ngư dân mình lắp hệ thống làm lạnh trên tàu để cấp đông, bảo quản cá. Tàu lớn của tôi thì lắp bao nhiêu thùng lạnh mà chẳng được. Có điều, tôi chẳng biết nơi nào hỗ trợ. Hơn nữa, chắc vốn cũng cao. Nếu được hỗ trợ phí 20% thì tốt quá. Có vậy, mình mới nâng được chất lượng và giá cá lên” - ông Ái nói.

Thực tế, đã có nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ ngư dân. Trong đó, nhiều chương trình giúp bảo quản cá ngừ, như khai thác, bảo quản, chế biến theo chuỗi hay các mô hình cấp đông, khai thác bảo quản của Nhật… nhưng phần lớn vẫn không hiệu quả. “Ngư dân quen kiểu làm ăn như trước đây. Trong khi liên kết chuỗi đòi hỏi phải có phương án hoạt động, ăn chia… phức tạp nên họ không thích, không tham gia” - ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên, nhận xét.

Về việc phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần để mua cá ngay trên biển, ngư dân không phải dự trữ dài ngày, ông Phương cho rằng chỉ có thể áp dụng với khai thác cá ngừ vằn, không thể thực hiện với cá ngừ đại dương. “Tàu khai thác cá ngừ đại dương bảo quản bằng đá lạnh trong hầm, khi chuyển sang tàu dịch vụ thì cá dễ bị hư nên không ai muốn” - ông Phương cho biết.

Tỉnh Phú Yên cũng đã thí điểm mô hình bảo quản cá bằng thùng đông lạnh nước biển nhưng cũng không thành công. “Muốn làm như vậy thì tàu phải lớn, chứa được nhiều thùng đông lạnh nhưng tàu của mình vẫn chủ yếu là nhỏ. Hơn nữa, chi phí làm thùng lạnh khá cao, trong khi giá cá thấp nên không ai muốn làm” - ông Phương giải thích.

Bộ NN-PTNT đang có chương trình hỗ trợ thùng lạnh ướp cá cho 10 tàu cá ở Phú Yên nhưng Sở NN-PTNT tỉnh đang lo ngư dân không chịu nhận.

Theo ông Phương, cái khó trong nghề khai thác cá ngừ đại dương của Việt Nam so với các nước như Philippines, Nhật... là ngư trường quá xa. Để đến được nơi khai thác, tàu cá Việt Nam phải đi khoảng 3 ngày 2 đêm nên rất khó đưa cá khai thác được về sớm, bảo đảm chất lượng cá đạt chuẩn ăn tươi. Vừa qua, một số công ty của Nhật đến các tỉnh Nam Trung Bộ để đầu tư, phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương nhưng không thành công hoặc “một đi không trở lại”.

“Phải làm từng bước, thay đổi dần dần thói quen khai thác trên cơ sở tự nguyện của ngư dân, chứ họ không đồng tình thì chịu” - ông Phương đúc kết.

Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam:

Không cải thiện, nghề câu cá ngừ khó tồn tại
Không cải thiện, nghề câu cá ngừ khó tồn tại

Với tình hình hội nhập như hiện nay, nghề câu cá ngừ đại dương không cải thiện thì khó tồn tại. Hơn 20 năm qua, nghề câu cá ngừ đại dương hầu như không thay đổi. Ngay cả như Bình Định được doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ nhưng cũng không thay đổi được tình hình. Đấy là chưa kể, về lâu dài, nghề câu cá ngừ đại dương cũng sẽ gặp khó về lao động đi biển do nghề này quá vất vả, trong khi thu nhập thấp.

Phải dùng công nghệ hiện đại bảo quản cá ngừ trong khi ngư dân chưa thể tiếp cận công nghệ mới do phần lớn không được đào tạo. Do đó, để áp dụng công nghệ mới, nhà nước phải cùng doanh nghiệp triển khai, vận hành rồi chuyển giao cho ngư dân.

Theo Hồng Ánh

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên