MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả nước có hơn nửa triệu doanh nghiệp làm ăn có lãi

Năm 2017, cả nước có gần 517.900 doanh nghiệp (DN) đang tồn tại, tăng 51,6% so với năm 2012. Trong đó, số lượng DN đang hoạt động, có doanh thu, nộp thuế vào ngân sách nhà nước đạt 505.000 DN. Số DN còn lại mới đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngày 19/9, Tổng cục Thống kê công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017. Theo đó, DN không chỉ tăng về số lượng mà còn tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề mới, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh.

Kết quả Tổng điều tra cho thấy, đến 1/1/2017, cả nước có 517.000 DN đang tồn tại. Trong đó, có 505.100 DN đang hoạt động và 12.860 DN đăng ký nhưng đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dù số lượng DN như trên nhưng chỉ có 10,1 nghìn DN lớn, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 1,9%. Số DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm tới 98,1%. DN tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Bộ với gần 216 nghìn DN, chiếm 41,7%, trong đó dẫn đầu là TP HCM.

Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2016 của doanh nghiệp được cải thiện hơn 5 năm trước đây. Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn với 0,5% tổng số DN nhưng nguồn vốn chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn. Vốn bình quân trên một DN năm 2016 đạt 51,6 tỷ đồng/DN, tăng 5,8 tỷ đồng/DN so với năm 2011.

Doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 17.858 nghìn tỷ đồng, tăng 71,6% (7.450 tỷ đồng) so với năm 2011. Doanh thu thuần bình quân năm giai đoạn 2011-2016 tăng 11,4% (tương đương 1.400 nghìn tỷ đồng). Khu vực DN ngoài nhà nước có doanh thu thuần cao nhất với 55,9% tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN.

Khu vực DN FDI có doanh thu thuần tăng mạnh nhất với 134,5% so với năm 2011, chiếm 27,4% tổng doanh thu thuần. Doanh thu thuần bình quân năm đạt 560,7 nghìn tỷ đồng (tăng 18,6%), tuy nhiên lại thấp hơn khu vực DN ngoài nhà nước.

Tỷ trọng doanh thu thuần thấp nhất là khu vực DNNN chỉ chiếm 16,7%. Doanh thu thuần bình quân năm tăng 1,7%, tương đương 48,8 nghìn tỷ đồng.

Hiệu suất sinh lời trên tài sản (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản) năm 2016 đạt 2,7%. Khu vực doanh nghiệp FDI có hiệu suất sinh lời trên tài sản năm 2016 đạt cao nhất và vượt trội so với các loại hình doanh nghiệp khác với 6,9%; tiếp đến là khu vực DNNN đạt 2,6% và thấp nhất là khu vực DN ngoài nhà nước 1,4% (năm 2011 là 1,2%).

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng có hiệu suất sinh lời trên tài sản cao vượt trội với 4,8%. Hai khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và dịch vụ hiệu suất sinh lời trên tài sản đạt tương ứng là 2,0% và và 1,6%.

“Tổng điều tra kinh tế cho thấy, quy mô của nền kinh tế ngày càng mở rộng, số lượng doanh nghiệp tăng mỗi năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang có xu hướng nhỏ dần về quy mô lao động bình quân/doanh nghiệp, sự manh mún của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và tiến trình xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp còn diễn ra khá chậm”, ông  Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết.

Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên