MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cà phê trộn đậu nành có độc hại không?

10-09-2016 - 20:49 PM | Thị trường

Những thông tin trái chiều về cà phê trộn gần đây đã ít nhiều gây ra không ít hoang mang cho sức khỏe.

Để hiểu đúng hơn và cũng là cơ hội giúp người thích uống cà phê có đầy đủ thông tin, kiến thức về vấn đề này, chúng ta cùng tìm hiểu câu chuyện xung quanh về cà phê trộn và cà phê trộn đậu nành.

Có thể nói thị trường cà phê chưa bao giờ lại nhộn nhịp như hiện nay với đủ các chủng loại, từ cà phê hạt, cà phê bột nguyên chất, cà phê hòa tan… Chất lượng cà phê cũng thượng vàng hạ cám tùy vào định hướng kinh doanh của từng doanh nghiệp. Và liệu cà phê trộn đậu nành có nên được chấp nhận hay không? Đi tìm nguồn gốc của cà phê trộn sẽ giúp bạn đọc trả lời cho câu hỏi này.

Cà phê từ lâu đã trở thành thức uống quen thuộc của nhiều người, thậm chí đây còn là thức uống khó bỏ khi đã quen. Vào thế chiến I và II, khi những sản phẩm thiết yếu thường nhật bị hạn chế, cà phê không có sẵn như trước khiến người ta phải tìm đến những giải pháp thay thế bằng hạt sồi hoặc đậu rang.

Trong thế chiến thứ II, nước Đức bị cắt nguồn cung cấp cà phê, lúc này cà phê thật chỉ có ở chợ đen với cái giá đắt đỏ. Để duy trì thói quen uống cà phê, người Đức buộc phải sáng tạo ra loại đồ uống có hương vị tương tự cà phê được mang tên Ersatzkaffee. Nguyên liệu là rau diếp xoăn, mạch nha, đại mạch, lúa mạch đen, hạt sồi. Ngay tại Mỹ, cũng giai đoạn này, cà phê bị hạn chế và người dân phải tìm thứ thay thế.

Ngay cả Nhật và Thụy Sỹ - hai đất nước luôn được tôn vinh vì các sản phẩm chất lượng bậc nhất, đã bắt đầu sản xuất và sử dụng bột đậu nành rang từ trước năm 1912. Tại Ý- đất nước lừng danh về ẩm thực, người dân nơi đây cũng đã bắt đầu sử dụng bột đậu nành đen để trộn cùng cà phê từ năm 1905.

Tại Việt Nam, cây cà phê lần đầu tiên được trồng nhỏ lẻ ở phía Bắc do người Pháp đưa vào năm 1857. Dần dần, cà phê được trồng nhiều ở một số đồn điền người Pháp tại Phủ Quỳ (Nghệ An) và một số nơi ở Tây Nguyên.

Sau năm 1975, diện tích cà phê được mở rộng nhưng Nhà nước có chính sách tập trung xuất khẩu cà phê nên dẫn đến tình trạng khan hiếm sản phẩm cho người tiêu dùng nội địa. Điều đó khiến người dân phải “sáng tạo” ra thứ gần giống cà phê bằng cách trộn thêm hạt cà phê mẻ, xấu, thậm chí là vỏ cà phê.

Nhưng lý do thực sự khiến cà phê trộn đậu nành ra đời và được đón nhận thì phải kể đến bấy giờ cà phê nguyên chất rất khó uống (có thể do kỹ thuật rang không đúng). Vì thế, người ta mới tìm cách thêm bơ, caramen, sữa, đậu nành… để dậy mùi thơm. Dần dần, người ta lại trở nên yêu thích hương vị beo béo, thơm và sánh của cà phê trộn đậu nành từ lúc nào không hay.

Khởi nguồn cà phê trộn đậu nành ra đời là vậy. Thế còn ở khía cạnh khác, khi mà hiện nay người dân đang quan ngại việc cà phê trộn đậu nành là bẩn hay sạch, tốt hay không tốt thì việc tìm hiểu về đậu nành sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.

Đậu nành vốn nổi tiếng là giàu dinh dưỡng vì chứa nhiều axit béo thiết yếu, protein, khoáng chất, chất xơ và vitamin. Những thành phần này đều có lợi cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đậu nành giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch nhờ khả năng làm ức chế sự vận chuyển cholesterol đi vào máu. Chất phytoestrogen có trong đậu nành thúc đẩy sự hấp thụ canxi, nhờ đó giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương. Chất phytoestrogen cũng có thể thay thế cho estrogen ở phụ nữ độ tuổi mãn kinh, giúp cải thiện các triệu chứng mất ngủ, trầm cảm, bệnh ung thư vú…

Đối với nam giới, phytoestrogen lại là hoocmon thực vật duy nhất làm ức chế sự sản xuất testosterone, giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Nhờ giàu các axit béo omega 3, omega 6 và các chất chống oxy hóa mà đậu nành có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa. Cà phê đậu nành còn là giải pháp thay thế hoàn hảo cho những người bị dị ứng với caffeine.

Do đó, có thể khẳng định cà phê trộn đậu nành không chỉ thơm ngon hợp khẩu vị phần đông người Việt mà còn thực sự có lợi cho sức khỏe. Đây được xem là thức uống lý tưởng cho những người muốn có sự thay thế lành mạnh cho cà phê nguyên chất. Tuy nhiên, cà phê đậu nành chỉ được xem là sản phẩm chất lượng cao khi đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào hoàn toàn tốt, không nhiễm nấm mốc hoặc độc tố. Quy trình chế biến rang xay và tỷ lệ pha chế cà phê, đậu nành đạt chuẩn. Những tiêu chí này, hẳn nhiên lại phụ thuộc hoàn toàn vào định hướng và đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cà phê.

Theo Kim Anh

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên