MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các công ty có EPS cao nhất bán niên 2020: Bất ngờ với RAL, Dabaco và Danameco

Phích nước Rạng Đông bất ngờ tăng mạnh lợi nhuận và dẫn đầu về chỉ số EPS bán niên 2020.Dabaco và Danameco với sự tăng trưởng cao trong kinh doanh đã xuất hiện trong top 10.Một số đơn vị giảm mạnh chỉ số EPS như Bến xe miền Tây, Vĩnh Hoàn, Thương mại Tây Ninh…

Dịch Covid-19 bùng phát tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và làm thay đổi môi trường kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp bị tác động xấu khi lợi nhuận ròng các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán giảm 20% trong nửa đầu năm, theo một báo cáo của Chứng khoán VNDirect.

Dù vậy, trong nền kinh tế vẫn có những ngành nghề “phất lên” ngay giữa mùa dịch như sản xuất khẩu trang hay được hưởng lợi do thiếu cung như chăn nuôi lợn… Điều này giúp một số công ty có lãi đột biến và gia nhập nhóm có chỉ số sinh lời EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) hàng đầu trên thị trường.

Rạng Đông bất ngờ dẫn đầu toàn thị trường

Thay đổi lớn diễn ra ngay tại vị trí số 1 khi Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ( HoSE: RAL ) trở thành công ty có tỷ suất sinh lời trên mỗi đồng vốn cao nhất bán niên năm 2020, đạt 12.024 đồng.

Cụ thể, Rạng Đông ghi nhận doanh thu thuần tăng 13% đạt 2.036 tỷ và lợi nhuận sau thuế tăng 43% lên 138 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh chính với lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng 39%.

Phải nhắc rằng kết quả này diễn ra trong bối cảnh sự cố hỏa hoạn ngoài ý muốn ngày 28/8/2019 phải khắc phục đến 31/3/2020 gây thiệt hại lớn về tài sản và gây gián đoạn sản xuất. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng gây ra những khó khăn trong chuỗi cung ứng, gây nguy cơ đình trệ sản xuất, làm suy giảm đột ngột sức mua của thị trường, đặc biệt là xuất khẩu của công ty.

Các công ty có EPS cao nhất bán niên 2020: Bất ngờ với RAL, Dabaco và Danameco - Ảnh 1.

Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trở thành quán quân chỉ số EPS bán niên 2020.

Trong định hướng phát triển mới, Rạng Đông cho biết đã chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và tiến hành chuyển đổi số. Mục tiêu đến 2025 doanh thu tăng 4 lần so với 2019 và đến 2030 trở thành công ty “tầm tỷ đô”, phát triển hệ sinh thái Led I-4.0.

Rạng Đông được thành lập năm 1961 và được cổ phần hóa vào năm 2004. Ngày nay, năng lực sản xuất của công ty đạt 100 triệu đèn LED/năm, 23 triệu phích nước/năm… Công ty còn đang chủ trương đầu tư thêm nhà máy tại khu công nghệ cao Hoà Lạc với tổng vốn khoảng 2.500 tỷ đồng.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp giảm sâu

Giai đoạn bán niên 2019, Bến xe Miền Tây ( HNX: WCS ) từng giữ vị trí quán quân nhưng hiện đã rơi về vị trí thứ 5 trong với 7.958 đồng. Kết quả đi xuống này là do dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế di chuyển và phải tạm ngừng các hoạt động vận tải hành khách trong đợt giãn cách xã hội tháng 4. 

Công ty bến xe ghi nhận doanh thu giảm 24% còn 52 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 24,5 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ và hoàn thành 46% kế hoạch cả năm. Thu nhập trên mỗi cổ phần chỉ còn 7.958 đồng.

Vinacafé Biên Hòa ( HoSE: VCF ) cũng được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hàng đầu thị trường nhờ nhờ hoạt động chung trong hệ thống của Masan Group, từ đó tạo ra lợi thế về giá vốn và chi phí bán hàng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 1.152 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 259 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 9.797 đồng, đứng thứ 2 trong danh sách.

Các công ty có EPS cao nhất bán niên 2020: Bất ngờ với RAL, Dabaco và Danameco - Ảnh 2.

Thay đổi top 10 EPS bán niên 2019 và 2020. Số liệu bán niên 2020 chưa soát xét. Đơn vị: Đồng/cp

Công ty Du lịch – Thương mại Tây Ninh ( HNX: TTT ) thậm chí còn rời khỏi top 10 khi ghi nhận lợi nhuận bán niên giảm 76% còn gần 12 tỷ đồng, chỉ số EPS theo đó cũng giảm mạnh xuống còn 2.563 đồng. Đây là công ty hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch với lợi thế khai thác Cáp treo Núi Bà Tây Ninh nên thường có kết quả rất tốt thời điểm đầu năm.

Doanh nghiệp đầu ngành cá tra Vĩnh Hoàn ( HoSE: VHC ) cũng lao dốc khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm phân nửa còn gần 368 tỷ đồng khi giá bán giảm và ảnh hưởng bởi Covid-19. Thu nhập trên mỗi cổ phần chỉ còn 2.020 đồng.

Liên tục tăng vốn nhanh, hiệu quả sinh lời trên vốn của Tư vấn Xây dựng Điện 2 ( HoSE: TV2 ) giảm nhanh khi EPS chỉ đạt 3.933 đồng trong nửa đầu năm nay, giảm 33% so với cùng kỳ. Hay FPT Online ( UPCoM: FOC ) do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh dẫn đến chỉ số EPS bán niên cũng giảm 30% về 5.687 đồng. Giảm nguồn thu từ dự án Bàu Xéo, công ty Thống Nhất ( HNX: BAX ) báo lãi giảm 78% và là doanh nghiệp thứ 5 rời danh sách.

Sự lên ngôi của doanh nghiệp thịt lợn, khẩu trang

Ở chiều ngược lại, top 10 năm nay có sự gia nhập của các doanh nghiệp mới đáng chú ý. Hưởng lợi từ giá thịt heo ở mức cao, Tập đoàn Dabaco Việt Nam ( HoSE: DBC ) có lợi nhuận sau thuế hơn 750 tỷ đồng, gấp hơn 27 lần bán niên 2019 và là mức lãi cao kỷ lục của doanh nghiệp. Với EPS đạt 7.825, công ty đứng thứ 6 trong danh sách hiệu quả sinh lời trên vốn.

Không chỉ chăn nuôi lợn, một doanh nghiệp sản xuất khẩu trang cũng có kết quả tăng trưởn cao. Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco ( HNX: DNM ) công bố mức lãi bán niên đạt 25,5 tỷ đồng, gấp 8,5 lần cùng kỳ và vượt 5% kế hoạch năm.

Danameco được thành lập năm 1976 chuyên về sản xuất các loại bông băng gạc, khẩu trang y tế… Công ty hiện có 2 nhà máy sản xuất vật tư y tế tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Danameco đã thông qua phương án đầu tư 4-6 dây chuyền sản xuất khẩu trang và các máy móc liên quan.

Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang ( HoSE: THG ) bất ngờ vào top 10 nhờ lãi đột biến gần 92 tỷ đồng và có EPS bán niên đạt 6.505 đồng. Bên cạnh lợi nhuận ổn định từ hoạt động xây dựng công trình và bán bê tông, công ty năm nay còn có thêm nguồn thu lớn từ hoạt động cho thuê lại quyền sử dụng đất tại Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 giúp tăng lãi gộp thêm 63 tỷ đồng.

Với mức lãi tăng hơn 80% lên 150 tỷ đồng, Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 ( HoSE: D2D ) góp mặt trong danh sách với chỉ số EPS 7.048 đồng. Kết quả tăng trưởng đến nhờ tăng doanh thu dự án Khu dân cư Lộc An và tăng lãi tiền gửi.

Dược phẩm Trung ương 3 ( HNX: DP3 ) cũng là 1 trong 5 cái tên mới xuất hiện trong top 10. Công ty có lợi nhuận tăng nhẹ 2% lên 59 tỷ đồng, tuy nhiên do tăng vốn nên chỉ số EPS giảm 11% còn 6.493 đồng.

Các công ty có EPS cao nhất bán niên 2020: Bất ngờ với RAL, Dabaco và Danameco - Ảnh 3.

Những doanh nghiệp có tăng trưởng EPS cao nửa đầu năm.

Bên cạnh những cái tên đã lọt top 10, kỳ bán niên năm nay cũng còn ghi nhận nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng EPS rất tốt khác. Có thể kể thêm như Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG ( UPCoM: SIP ) có lãi gấp đôi cùng kỳ đạt 389 tỷ đồng nhờ ghi lãi các khoản đầu tư và hoàn nhập chi phí dự phòng.

Sadico Cần Thơ ( HNX: SDG ) doanh nghiệp chuyên kinh doanh plastic, giấy nhăn, xi măng... cũng  có lãi lớn hơn 37 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ; chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 8,9% lên trên 16,1%.

Công ty trong mảng xây lắp điện SCI E&C ( HNX: SCI ) có lợi nhuận tăng 68% trong nửa đầu năm đạt 67 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 10,7% lên 37,8% nhờ một số công trình/hạng mục về năng lượng tái tạo có tỷ lệ lợi nhuận cao đã bắt đầu được nghiệm thu.

Theo Huy Lê

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên