MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các công ty Trung Quốc cảnh báo về 1 cuộc khủng hoảng kinh tế vì cuộc chiến chống virus corona

13-02-2020 - 12:40 PM | Tài chính quốc tế

Nhanh chóng chuyển từ trạng thái tự tin sang bồn chồn lo lắng là tâm trạng đang bao phủ Trung Quốc trong những ngày này.

Hiếm khi ở Trung Quốc xảy ra tình trạng các kế hoạch sụp đổ một cách nhanh chóng và công khai như vậy. Ngày 12/1, các nhà lãnh đạo của tỉnh Hồ Bắc tuyên bố GDP của tỉnh sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay. Họ cũng đưa ra quyết tâm sẽ tăng cường đáng kể vị thế của Hồ Bắc trong chuỗi cung ứng công nghệ cao.

Các nhà lãnh đạo tỉnh đã không hề đề cập đến 1 loại virus mới đang gây ra bệnh viêm phổi trên nhiều thành phố và thị trấn của Hồ Bắc. Nhưng chưa đến 2 tuần sau, dịch viêm phổi lạ đã trở nên quá lớn để có thể phớt lờ. Dưới áp lực khổng lồ, cả tỉnh Hồ Bắc với gần 60 triệu người bị cách ly, và những mục tiêu tăng trưởng hào nhoáng được đưa ra cách đó không lâu giờ đã trở thành những con số nằm quá xa tầm với. Mục tiêu duy nhất hiện giờ là ngăn chặn dịch bệnh và cung cấp đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.

Nhanh chóng chuyển từ trạng thái tự tin sang bồn chồn lo lắng cũng là tâm trạng đang bao phủ Trung Quốc trong những ngày này. Trong vài tháng trước khi dịch bệnh bùng nổ, TTCK đã tăng điểm rất tốt. Các doanh nghiệp tràn đầy lạc quan về triển vọng năm 2020, một phần bởi vì Trung Quốc và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận giai đoạn 1. Nhưng trong 2 tuần qua, khi chính phủ dốc sức cho cuộc chiến toàn diện chống virus corona, niềm lạc quan đã vụn vỡ.

Dù đã hãm phanh được đà trượt dốc, các cổ phiếu ở đại lục đã giảm 10% kể từ ngày 20/1. Nhiều nhà máy và văn phòng vẫn đóng cửa im lìm. Hầu hết các tỉnh thành yêu cầu họ không mở cửa trước 10/2, thậm chí có thể muộn hơn. Người nông dân chăn nuôi gia cầm cảnh báo những con gà của họ có lẽ sẽ chết đói vì nguồn cung thức ăn chăn nuôi bị gián đoạn do cấm đường. Nhà hàng khách sạn bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng vì người dân ở trên khắp Trung Quốc chứ không chỉ Hồ Bắc chọn ở lì trong nhà. Trong 1 đoạn video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, Jia Guolong, nhà sáng lập của chuỗi nhà hàng nổi tiếng cho biết nếu như lệnh cách ly kéo dài thêm vài tháng nữa, rất nhiều người sẽ mất việc. "Đó chẳng phải là 1 cuộc khủng hoảng kinh tế hay sao?", Jia nói.

Các chuyên gia phân tích nhanh chóng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế. Con số tăng trưởng 6% trong quý I giờ đã bị hạ xuống còn 4% - sẽ là mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố số liệu hàng quý từ năm 1992.

Giống như các đợt dịch bệnh trước đây, chắc chắn nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh khi virus được kiểm soát. Nhưng thời điểm đó là khi nào vẫn còn rất mơ hồ, và sẽ phụ thuộc vào 3 câu hỏi: bao giờ mới có thể kiểm soát virus, sau đóbao lâu thì các biện pháp cách ly mạnh tay ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thường ngày được nới lỏng, và sau bao lâu thì các hoạt động giúp nền kinh tế Trung Quốc tràn đầy sức sống sẽ trở lại bình thường.

Đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế thì đây là 1 thách thức không nhỏ. Bạn càng cố gắng dự báo xa hơn thì mức độ mơ hồ càng lớn hơn. Nhưng các quan chức Trung Quốc có lý do để tự tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ trở lại quỹ đạo vào năm sau. Và những tháng sắp tới sẽ là một "hố đen thăm thẳm". Trong hoàn cảnh hiện nay, những chính sách linh hoạt để giúp người dân và các công ty vượt qua khó khăn sẽ là thứ đáng quý nhất, dù đó không phải là điều dễ dàng.

Một số người dự báo Trung Quốc sẽ tung ra gói kích thích lớn, có lẽ là một loạt dự án cơ sở hạ tầng, để đưa tăng trưởng quay trở lại tốc độ trước đây. Nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn về điều này. Ở thời điểm hiện tại, chính phủ chỉ muốn mọi người ở trong nhà để tránh virus lây lan thay vì tới các công trường xây dựng hay nhà máy. Hơn nữa sẽ có độ trễ, có thể khiến hiệu quả của các dự án được công bố hôm nay chỉ phát huy khi nền kinh tế đã tự hồi phục, dẫn đến tình trạng phát triển quá nóng.

Thay vào đó, Trung Quốc đang sử dụng biện pháp kết hợp hỗ trợ tiền mặt, can thiệp thị trường và sự kiên nhẫn để đi qua khủng hoảng. Hôm 3/2, NHTW Trung Quốc tuyên bố bơm 1.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 172 tỷ USD) vào hệ thống tài chính. Các ngân hàng có thể sẽ trải qua làn sóng vỡ nợ trái phiếu dâng lên trong vài tuần tới.

Những chính sách can thiệp đã phát huy tác dụng. Dù có phiên đầu năm giảm điểm mạnh nhất kể từ 2015, chứng khoán Trung Quốc đã dần dần hồi phục.

Thành phố Thượng Hải quyết định hoãn thực thi quy định buộc các công ty phải tăng mức đóng góp cho an sinh xã hội sang ngày 1/7 thay vì 1/4 như ban đầu – động thái có thể giúp các công ty tiết kiệm khoảng 10 tỷ nhân dân tệ. Ở Bắc Kinh, các chủ đất được khuyến khích giảm tiền thuê nhà đất, bù lại sẽ được chính phủ trợ cấp. Và các nhà quản lý cũng kêu gọi các ngân hàng đảo nợ cho doanh nghiệp, điển hình là các doanh nghiệp nhỏ sẽ thiếu hụt tiền mặt để có thể sống sót.

Trong bối cảnh các bệnh viện rất thiếu các thiết bị bảo vệ như găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ, chính phủ đã kêu gọi các công ty tăng sản lượng. Nhiều công ty đã nghe theo tiếng gọi này, coi đó là 1 nghĩa vụ với đất nước. Nhưng Liu Shangxi, 1 cố vấn của Bộ Tài chính, cho rằng rất có thể các công ty thiết bị y tế sẽ bị dư thừa sản lượng trầm trọng khi cuộc khủng hoảng qua đi, và khi đó chính phủ nên có chính sách hỗ trợ họ.

Những lời đề nghị như vậy hoàn toàn khác với kế hoạch tăng trưởng và đầu tư đầy tham vọng mà các lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc vạch ra cách đây chưa đầy 1 tháng. Giờ đây ưu tiên hàng đầu không phải là kích thích kinh tế hay leo lên nấc thang công nghệ mà phải đảm bảo trật tự xã hội trong thời loạn lạc. Hiện thực phũ phàng mà Trung Quốc phải đối mặt là mọi thứ, trong đó có cả chính sách kinh tế, đều xoay quanh câu hỏi làm thế nào để đánh bại virus.

Tham khảo The Economist

Các công ty Trung Quốc cảnh báo về 1 cuộc khủng hoảng kinh tế vì cuộc chiến chống virus corona - Ảnh 4.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên