MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng thắng lớn trong năm 2019

23-01-2020 - 12:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Lợi nhuận cao kỷ lục, nợ xấu giảm mạnh, các ngân hàng có lực để lấy lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý, gần 20 ngân hàng đã hoàn thành chuẩn Basel II…

Các ngân hàng thắng lớn trong năm 2019 - Ảnh 1.

Tính đến thời điểm Tết Nguyên đán năm nay đã có hơn một nửa số các ngân hàng trong hệ thống công bố kết quả lợi nhuận thông qua các buổi tổng kết triển khai hoạt động năm 2019 và báo cáo tài chính trước kiểm toán với những con số hết sức lạc quan. Đáng chú ý, tất cả các ngân hàng đều ghi nhận vượt kế hoạch đề ra và đều là các con số cao kỷ lục từ trước tới nay, và câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng đã không còn gọi tên riêng mình Vietcombank như các năm trước.

Dẫn đầu ngành vẫn là Vietcombank khi lợi nhuận năm qua đạt 23.155 tỷ đồng – chạm con số 1 tỷ USD trước 1 năm so với kế hoạch và cũng vượt xa con số 20.000 tỷ mà ngân hàng nhận nhiệm vụ trước cổ đông.Ngân hàng tiếp theo trong nhóm đã cổ phần hóa gọi tên VietinBank khi ngân hàng này công bố bố lợi nhuận đạt 11.500 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra và tăng 83% so với năm 2018. "Ông lớn" khác là BIDV thì báo lãi 10.768 tỷ đồng, cũng vượt kỳ vọng.

Trong nhóm cổ phần tư nhân, hai ngân hàng là VPBank và Techcombank tiếp tục giữ vị trí tiên phong. Trong năm 2019 Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 12.800 tỷ đồng và đứng thứ 2 trong nhóm các ngân hàng đã niêm yết về hiệu quả hoạt động chỉ sau Vietcombank. Trong khi đó VPBank cũng ghi tên mình vào nhóm lợi nhuận 10.000 tỷ với con số cao kỷ lục 10.334 tỷ đồng. Xếp thứ 3 trong nhóm này là MB khi năm vừa qua đạt lợi nhuận cũng ở mức nghìn tỷ hai con số.

Trong nhóm 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trở lên còn có thêm HDBank và ACB. Các ngân hàng khác còn lại lợi nhuận đều tăng mạnh và ở mức cao như TPBank với 3.868 tỷ đồng, VIB dự kiến hơn 4.000 tỷ, OCB đạt trên 3.200 tỷ, Nam A Bank 925 tỷ đồng, SeABank đạt 768 tỷ, Bac A Bank cũng 928 tỷ đồng, VietBank ghi nhận hơn 600 tỷ đồng..

Các ngân hàng thắng lớn trong năm 2019 - Ảnh 2.

Nhờ kinh doanh tốt lên, các ngân hàng không chỉ tự xử lý được nợ xấu mà còn có tiềm lực mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trước thời hạn. Tính đến hết năm 2019 đã có 11 ngân hàng sạch nợ tại VAMC đó là Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank, VPBank, Agribank, Kienlongbank và SeABank.

Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2019 ở mức 1,89% trên tổng dư nợ (nợ xấu nội bảng), đạt mục tiêu dưới 2% đã đề ra. Còn nợ xấu bao gồm cả nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC thì chỉ còn chiếm 4,9%, so với mức 10,8% cuối năm 2016.

Về việc áp dụng Basel II, nếu như đầu năm 2019 mới có 2 ngân hàng là VIB và Vietcombank đạt chuẩn Basel II (trụ cột 1 về an toàn vốn, thể hiện tại Thông tư 41 của NHNN) thì đến cuối năm 2019 đã có 18 ngân hàng được chấp thuận áp dụng Basel II sớm. Đó là Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, VietCapitalBank, SeABank, LienVietPostBank, NamABank, BIDV, ShinhanBank và Standard Chartered Việt Nam.

Sacombank – một trong 10 ngân hàng được chọn để thí điểm áp dụng Basel II sớm nhưng sau đó xin hoãn lại do trong giai đoạn tái cơ cấu hậu nhận sáp nhập Southern Bank, song đến cuối năm 2019 cũng cho biết đã sẵn sàng áp dụng Basel II kể từ đầu năm 2020, chỉ còn chờ NHNN chấp thuận.

Ngoài ra Việt Nam cũng đã có ngân hàng đầu tiên đạt được cả 3 trụ cột của Basel II – sớm hơn 1 năm so với quy định – đó là VIB. Dự kiến năm 2020 sẽ có thêm nhiều ngân hàng đáp ứng được cả 3 trụ cột, chẳng hạn như TPBank khi nhà băng này đầu năm 2020 đã đáp ứng được thông tư số 13 của NHNN.

Các ngân hàng thắng lớn trong năm 2019 - Ảnh 3.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh tích cực thì năm 2019 còn là một năm thắng lớn của các thương vụ M&A và hợp tác của ngân hàng nội với các định chế ngoại.

Đầu tiên là trường hợp của BIDV khi nhà băng này đã phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank với tổng giá trị tới 20.300 tỷ đồng – là thương vụ bán vốn lớn nhất ngành ngân hàng từ trước đến nay.

Trong khi đó Vietcombank ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Á FWD. FWD cũng sẽ mua lại Liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI- Công ty liên doanh bảo giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif). 2 bên không tiết lộ giá trị thương vụ, song theo nguồn tin của Bloomberg, tổng giá trị của thỏa thuận Bancassurance này có thể lên tới 1 tỷ USD – lớn nhất từ trước tới nay trong một thương vụ hợp tác ngân hàng bảo hiểm.

Vào những ngày đầu tiên của năm 2020 thêm trường hợp OCB tiết lộ thông tin có đối tác Nhật Bản là ngân hàng Aozora sẵn sàng chi 15 tỷ Yên tương đương khoảng 139 triệu USD tức 3.200 tỷ đồng để mua 15% cổ phần của OCB và thương vụ sẽ hoàn thành trước tháng 4/2020.

Ngoài ra còn một trường hợp cũng có tín hiệu chuẩn bị hoàn tất bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài như Nam A Bank sau khi được NHNN chấp thuận cho phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn hôm 31/12. Trước đó lãnh đạo ngân hàng này từng đề cập câu chuyện có nhiều nhà đầu tư Mỹ và Nhật tìm hiểu Nam Á để tham gia góp vốn.

Và không chỉ việc bán cổ phần, các ngân hàng Việt năm qua còn có thêm thành công từ việc hút vốn ngoại khi huy động được nguồn trái phiếu nước ngoài như VPBank, SHB, SeABank hay TPBank…, hay các nguồn vốn vay hợp kênh từ các định chế tài chính hàng đầu phục vụ cho hoạt động tín dụng, đặc biệt là tín dụng xanh, như Vietcombank và VPBank.

Các ngân hàng thắng lớn trong năm 2019 - Ảnh 4.

Năm 2020 được xem là mốc quan trọng của nhiều ngân hàng khi đây là năm cuối cùng của tái cơ cấu giai đoạn 2, cũng là năm bản lề để các ngân hàng bước vào giai đoạn mới với tâm thế sẵn sàng bứt phá. Tại các buổi triển khai kế hoạch, nhiệm vụ 2020 của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong những ngày qua, hầu hết lãnh đạo các ngân hàng đều bày tỏ lạc quan vào năm mới và đặt kế hoạch tăng trưởng ít nhất 10% dù mốc 2019 đã ở mức cao kỷ lục.

Còn ở góc nhìn của giới phân tích, sự lạc quan được đưa ra nhiều hơn với các ngân hàng có nhiều triển vọng như Vietcombank (hợp tác với FWD về phân phối bảo hiểm và bán công ty liên doanh Cardif), BIDV (sau thương vụ bán vốn cho Keb Hana Bank cuối năm 2019 và kế hoạch bán tiếp 10% vốn nữa trong năm 2020), VPBank, HDBank và MB (nhờ mảng tín dụng tiêu dùng vẫn tiếp tục ăn nên làm ra), hay như các ngân hàng đã sạch nợ xấu tại VAMC cũng như đã hoàn tất sớm Basel II.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên