MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nước đã và đang điều chỉnh tăng thuế Giá trị gia tăng và thuế Tiêu thụ đặc biệt

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, để bù đắp cho nguồn thu sụt giảm từ các khoản thuế trực thu, các nước đã và đang chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng là thuế Giá trị gia tăng và thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Theo Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh giữa các nước ngày càng gia tăng cùng với xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, nợ công ở nhiều nước tăng cao, các quốc gia đã và đang thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo đó, để bù đắp cho nguồn thu sụt giảm từ các khoản thuế trực thu như thuế Thu nhập doanh nghiệp và thuế Thu nhập cá nhân, theo đó các nước đã và đang chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (thuế Giá trị gia tăng và thuế Tiêu thụ đặc biệt).

Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính chỉ ra, hiện số lượng quốc gia áp dụng thuế Giá trị gia tăng/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014 và lên đến 166 nước năm 2016.

Cùng với đó, từ năm 2009 – 2016, nhiều nước đã tăng thuế suất thuế Giá trị gia tăng phổ thông một cách mạnh mẽ. Thuế suất thuế Giá trị gia tăng tại các nước EU trung bình tăng từ khoảng 19% năm 2000 lên đến xấp xỉ 21,5% vào năm 2014. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế Giá trị gia tăng từ mức trung bình 18% năm 2000 lên hơn 19% vào năm 2016.

Tại Philipinines, quốc gia này đã tăng thuế suất thuế Giá trị gia tăng đối với hàng hóa và dịch vụ từ 12% lên 15% nhằm bù đắp nguồn thu bị thâm hụt do ảnh hưởng việc điều chỉnh giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Với Malaysia, nước này đã chuyển sang áp dụng Thuế hàng hóa và dịch vụ (Goods and Services Tax) với mức thuế suất 6% áp dụng chung cho cả hàng hóa và dịch vụ từ 1/4/2015 thay cho Thuế bán hàng và Dịch vụ (Sales Tax/Service Tax) có mức thuế suất phổ thông 10% và 5% đối với một số sản phẩm dầu mỏ, mức thuế suất 6% đối với dịch vụ.

Nhật Bản đã tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014 và có kế hoạch tăng tiếp lên 10% vào tháng 10/2015, tuy nhiên do GDP giảm liên tiếp vào quý I, quý II/2014 Nhật Bản đã hoãn việc tăng thuế lần 2 đến tháng 4/2017.

Đối với thuế Tiêu thụ đặc biệt, Phillipines đã tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với rượu mạnh từ 20,8 Php/lít năm 2016 lên 21,63 Php/lít năm 2017; tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu từ 4,53 Php/lít xăng lên 10 Php/lít; tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ 21 Php/bao năm 2016 lên 30 Php/bao năm 2017.

Còn tại Phần Lan, từ 2017 nước này đã tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với khí thiên nhiên và nhiên liệu diesel thêm 0,02 Euro mỗi lít.

Riêng tại Nam Phi, thuế đối với lốp xe sẽ được áp dụng vào 01/10/2016 và thuế đối với các loại đồ uống có đường (dự kiến mức thuế suất là 0,0229 R/ một gram đường) cũng được áp dụng từ 1/4/2017.

Với mức tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt của các nước, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, Việt Nam cần xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Theo Thùy Linh

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên