MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các thương vụ M&A Trung Quốc chững lại do Mỹ, EU siết chặt quản lý

21-06-2018 - 13:44 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ, EU và Nhật Bản đang siết chặt giám sát các thương vụ mua bán sát nhập (M&A) từ Trung Quốc, tránh để nước này nắm trong tay những công ty sở hữu công nghệ tiên tiến có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và cuộc đua công nghệ cao.

Dù đã có những khung hạn chế tầm quốc tế trong việc xuất khẩu vũ khí, nguyên liệu hạt nhân và công nghệ, M&A vẫn là điểm mù của việc chuyển giao các công nghệ nhạy cảm. Nếu Mỹ, EU và Nhật Bản bắt tay trong việc giám sát các thương vụ của Trung Quốc, đây sẽ là hạn chế tầm quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư xuyên biên giới.

Từ tháng 1 - 3/2018, M&A ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc đạt 25,7 tỷ USD, giảm gần 70% từ mức 85,4 tỷ USD 2 năm trước. Cùng giai đoạn đó, số tiền đổ vào các thương vụ tại Mỹ và EU lần lượt giảm 80% và 90%. Chỉ riêng trong tháng 4, tổng cộng các thương vụ của Trung Quốc tại Mỹ và EU giảm xuống còn 200 triệu USD, dấu hiệu cho thấy các gói thầu M&A của các công ty Trung Quốc đang bị chững lại.

Số lượng các vụ mua lại các công ty công nghệ cao, điển hình cho hiện tượng chảy máu chất xám công nghệ, sụt giảm mạnh mẽ. Từ tháng 4 đến tháng 5, Trung Quốc thực hiện 7 thương vụ M&A thâu tóm các công ty cao của EU và Mỹ, giảm từ con số cao nhất 21 vụ trong giai đoạn tháng 4 - 6 năm 2016.

Tại Mỹ, cơ quan cản trở các thương vụ M&A từ Trung Quốc là Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), chuyên đánh giá các hợp đồng M&A của các công ty nước ngoài trên khía cạnh an ninh quốc gia.

Gần đây, CFIUS đã ngăn chặn việc một chi nhánh tài chính của đại gia thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba mua lại công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế lớn của Mỹ, MoneyGram. Quyết định của CFIUS được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về an ninh. Nhiều người chỉ ra rằng MoneyGram có thể chứa dữ liệu chuyển tiền của các quân nhân do nhiều nhà cung cấp của hãng này nằm gần các căn cứ quân sự.

Chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch “Made in China 2015” với tham vọng giúp các doanh nghiệp trong nước đạt được ngôi vị dẫn đầu trên toàn cầu.

Nếu không giám sát các vụ M&A tích cực của Trung Quốc, các ngành công nghệ cao của Mỹ như trí thông minh nhân tạo và robot có thể bị Trung Quốc khai thác vì mục đích quân sự, chuyên gia quan hệ Mỹ - Trung tại đại học Yale, ông Robert Williams cho biết. Chính phủ Mỹ sẽ siết chặt hơn nữa các khoản đầu từ Trung Quốc. Hôm 15/6, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer cho biết Mỹ sẽ tiến hành hạn chế đầu tư từ Trung Quốc.

EU cũng gia tăng cảnh giác với các động thái của Trung Quốc. Năm 2017, hãng sản xuất thiết bị điện gia dụng Midea của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất robot công nghiệp Kuka, vốn dẫn đầu phong trào sáng tạo công nghệ của chính phủ Đức. Thương vụ này làm dấy lên những lo ngại về rò rỉ công nghệ. Tháng 7/2017, chính phủ Đức siết chặt quy định về việc mua lại từ nước ngoài, mở rộng đối tượng thẩm tra của chính phủ lên nhiều lĩnh vực đầu tư, trong đó bao gồm cả chế tạo linh kiện vũ khí. Quy định mới cũng tăng thời gian sàng lọc, trì hoãn các nỗ lực tiếp quản. Anh và Pháp cũng nêu lên ý định hạn chế các vụ mua lại doanh nghiệp trong nước từ nhà đầu tư nước ngoài.

Có nhiều nỗ lực riêng biệt để có một quy định thống nhất về hạn chế M&A trên toàn EU. Tháng 9/2017, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đề xuất một khung sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài trên các nước thành viên. Các nỗ lực thâu tóm các công ty EU, vốn làm dấy lên lo ngại về khả năng rò rỉ thông tin nhạy cảm bao gồm cơ sở hạ tầng, công nghệ và an ninh, sẽ bị sàng lọc.

Nhưng còn có những nỗ lực mang tầm quốc tế để phối hợp trong việc áp đặt hạn chế. Tại cuộc họp cấp Bộ trưởng hồi tháng 5, quan chức Mỹ, Nhật Bản và EU đã cùng thảo luận để đưa ra giải pháp ngăn chặn các nỗ lực thâu tóm từ Trung Quốc có thể dẫn đến việc rò rỉ công nghệ hoặc tài sản trí tuệ. Hiện nay các cuộc họp cấp cao đang bàn luận đến các vấn đề như thông tin nào nên được chia sẻ giữa các quốc gia. Nếu Mỹ và EU đạt được thỏa thuận, đây sẽ là thỏa thuận quốc tế đầu tiên về vấn đề quản lý các thương vụ mua bán sát nhập.

Nhật Bản cũng đã có những biện pháp chống lại các nỗ lực tiếp quản không mong muốn, dựa trên các sửa đổi Điều luật Ngoại hối và Ngoại thương tháng 10/2017. Nếu một nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp tại một công ty Nhật Bản mà không báo cáo với chính phủ, và khoản đầu tư này đe dọa an ninh quốc gia, chính phủ có thể yêu cầu nhà đầu tư bán cổ phần đã mua.

Những nghi ngờ phổ biến về nỗ lực tiếp quản của Trung Quốc bắt nguồn từ bản chất khép kín của thị trường nước này. Trung Quốc đã áp đặt hạn chế lên việc gia nhập thị trường của các công ty nước ngoài và ép họ phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp địa phương. Cả Mỹ và EU đều tức giận trước động thái được cho cạnh tranh không lành mạnh này và có thể tiến tới yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường.

Theo Tuyết Chu

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên