MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các tờ báo lớn tại Việt Nam đang dần chuyển dịch theo xu hướng số hóa

22-08-2016 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Tính đến tháng 6 năm 2016, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam tăng gần 38% so với năm 2005, đạt hơn 49 triệu người sử dụng (theo Moore và Statista). Theo xu hướng đó, việc các tòa soạn tập trung phát triển báo điện tử thay vì báo giấy đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Nhu cầu, thị hiếu cũng như hành vi của độc giả và khán thính giả đã thay đổi, vì thế, việc phát hành nội dung báo chí trong thời đại hiện nay cũng không còn bó hẹp trong một phương thức – ví dụ chỉ là báo in, phát thanh truyền hình hay điện tử – mà thay vào đó là nhiều dạng thức và các phiên bản trên nhiều nền tảng kỹ thuật số.

Thực tế chỉ ra rằng, để vươn lên dẫn đầu trong bối cảnh hiện nay thì một cơ quan báo chí phải có khả năng phục vụ độc giả ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào độc giả muốn. Nếu một tờ báo chỉ tiếp cận độc giả qua duy nhất một kênh thì sẽ không thể cạnh tranh với hàng trăm tờ báo khác mỗi ngày. Đó là lý do báo in hiện nay phải chiếm lĩnh cả lĩnh vực kỹ thuật số – website, ứng dụng cho tablet hay mobile, mạng xã hội – để độc giả dù sử dụng nền tảng nào cũng không bị đứt đoạn thông tin. Truyền hình cũng không thể yên vị chỉ với cách thức tiếp cận độc giả truyền thống mà còn phải hiện diện trên Internet, điện thoại thông minh, và các mạng xã hội đang nổi như Facebook, Youtube…

Cách độc giả tiếp cận tin tức ngày nay (Nguồn: Moore). (Tạm dịch: Biểu đồ bên trái: Mọi người biết về sản phẩm họ mua theo cách nào - Biểu đồ bên phải: Mọi người nghe về sản phẩm/ lời mời từ quảng cáo lần đầu qua phương tiện nào).

Từ sự chuyển dịch báo giấy sang báo điện tử trên toàn thế giới…

Trên trang MediaWeek đăng ngày 29/6/2015, giám đốc thương mại của Bloomberg Media, ông Matt Teeman nhận định rằng sức mạnh hiện tại của Bloomberg nằm ở sự kết hợp giữa truyền hình, báo in, nội dung số và những sự kiện được truyền trực tiếp; hỗ trợ bởi lượng dữ liệu khổng lồ và những phân tích chuyên sâu từ hệ thống của hãng tin này.

Bên cạnh đó, có thể kể ra rất nhiều tên các tờ báo hàng đầu nước Mỹ như New York Times, Washington Post cho đến nhiều cơ quan báo chí của Châu Âu, Châu Á, hay các hãng tin toàn cầu như Reuters, Al Jazeera đã và đang áp dụng mạnh mẽ chiến lược đa nền tảng. Các chương trình truyền hình thực tế ăn khách hàng đầu thế giới như American Idol, Next Top Model, Master Chef cũng không thể nổi tiếng mà thiếu đi sự hỗ trợ của Internet với lượng bình luận khổng lồ từ độc giả.

… Đến những người tiên phong đưa báo chí lên Internet tại Việt Nam

Cùng với xu hướng của toàn cầu, những tờ báo uy tín thuộc làng “gạo cội” của Việt Nam cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng số hoá để không trở nên tụt hậu. Nhờ sự chuyển dịch đó mà họ đã đạt được những thành công nhất định ở mảng online.

Báo Lao Động

Báo Lao Động không chỉ tự hào là một trong những tờ báo lớn nhất tại Việt Nam mà còn là tờ báo đầu tiên có phiên bản điện tử vào ngày 19/5/1999. Theo SimilarWeb, báo Lao Động trên Internet thu hút khoảng 5,8 triệu lượt truy cập hàng tháng. Trong đó, độc giả đến từ miền Bắc chiếm 50%, miền Nam 43% còn lại là miền Trung và từ nước ngoài. Có thể thấy Lao Động vẫn là một tờ báo có tiếng nói lâu đời và được sự quan tâm lớn từ độc giả nước ta, đặc biệt là hai miền Nam, Bắc.

Báo Tuổi Trẻ

Vào những năm 2007-2008, đã từng có thời kỳ nhật báo Tuổi Trẻ phát hành tới 500.000 bản/ ngày trên cả nước. Tuy nhiên, số lượng đó về sau giảm dần chỉ còn 220.000 bản/ngày (năm 2015) do cạnh tranh với báo điện tử. Để bắt kịp xu hướng số hóa, báo điện tử Tuổi Trẻ Online (TTO) ra mắt chính thức ngày 1 tháng 12 năm 2003. Năm 2016, TTO tiếp tục lớn mạnh và theo SimilarWeb, báo điện tử này thu hút tới 25,3 triệu lượt truy cập trung bình tháng, trong đó 64% là độc giả miền Nam (theo Admicro) - nơi thị trường quảng cáo rất phát triển.

Báo Thanh Niên

Thanh Niên cũng là một tờ báo uy tín và lâu đời có trụ sở đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất Việt Nam với 300.000 bản một ngày (có thời điểm hơn 400.000 bản). Để phục vụ nhu cầu online của độc giả, báo điện tử Thanh Niên đã ra đời và hiện đang thu hút 22,4 triệu lượt view mỗi tháng, chiếm phần lớn là độc giả miền Nam (54% tổng lượng truy cập), theo SimilarWeb và Admicro.

Không chỉ dừng lại ở độc giả trong nước, các báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ còn cho ra đời bản tin tiếng Anh phục vụ cho người nước ngoài và Việt kiều. Theo SimilarWeb, lượng traffic từ nước ngoài của Tuổi Trẻ khá tốt: 13,09% từ Mỹ, 5,16% từ Australia, 3,66% từ Singapore và 2,48% từ Canada. Với báo Thanh Niên, có 14,58% lượng độc giả từ Mỹ, 4% từ Australia và một số nước khác.

Gần đây, Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên thể hiện rõ chiến lược chiếm lĩnh thị trường digital khi hợp tác với Admicro (thuộc Công ty cổ phần VCCorp), chính thức gia nhập mạng lưới quảng cáo trực tuyến khổng lồ tiếp cận 96% người dùng Internet tại Việt nam, cùng các báo và trang tin điện tử lớn như Dân Trí, CafeF, VnEconomy,… Sự hợp tác trên càng củng cố vị thế, tăng cường sức tiếp cận độc giả của Admicro tại thị trường miền Nam - nơi ngành quảng cáo phát triển sôi động nhất cả nước.

Độc giả có thể chờ đợi những lợi ích từ sự hợp tác trên như: thông tin cập nhật nhanh và dễ theo dõi trên nhiều nền tảng, nhận được những tin quảng cáo đúng với nhu cầu của mình, tránh spam...

Còn với các nhà kinh doanh đang tìm kiếm giải pháp truyền thông, việc này sẽ mở ra 1 cơ hội rất lớn để nhắm đúng khách hàng mục tiêu có độ phân loại cao trong và ngoài nước, đặc biệt trong 1 lĩnh vực đang rất hot gần đây như Bất động sản.

Sự chuyển dịch của báo chí sang nền tảng digital là xu hướng tất yếu trên toàn cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu tìm kiếm tin tức và quảng cáo của độc giả mọi nơi, mọi lúc và trên mọi thiết bị.

A.D

Trở lên trên