MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các vị “tứ trụ” ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14 tại đâu?

26-04-2016 - 18:15 PM | Xã hội

Có 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khoá mới, để bầu 500 vị...

Chiều 26/4 tại buổi họp báo do Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày nghị quyết về công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14 theo từng đơn vị bầu cử.

Thông tin khái quát, có 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khoá mới để bầu 500 vị ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước.

Trong đó đại biểu do Trung ương giới thiệu là 197 người, địa phương giới thiệu là 673 người, đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu (trong đó 11 người tự ứng cử).

Cả Tp.HCM và thành phố Hà Nội đều được bầu 30 đại biểu trong số 50 ứng cử viên.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia nêu rõ, tổng số đại biểu được bầu tại Hà Nội là 30 (trong đó Trung ương là 13 và địa phương là 17). Tương tự trong 30 đại biểu được bầu ở Tp.HCM, thì đại biểu Trung ương là 14 và đại biểu địa phương là 16.

Các tỉnh, thành còn lại tuỳ theo dân số được bầu từ 6 đến trên 10 đại biểu.

Ứng cử tại Hà Nội có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang ứng cử tại Tp.HCM. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ứng cử ở Hải Phòng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ứng cử tại Cần Thơ.

Như vậy, cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng đều ứng cử tại các địa phương mà những người tiền nhiệm đã ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 13.

Trong tổng số danh sách 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khoá mới có 339 phụ nữ (38,97%), dân tộc thiểu số 204 người (23,45%), 97 người ngoài Đảng (11,15%).

Có 168 vị đại biểu khoá 13 tái cử, chiếm tỉ lệ 19,31%, 268 người ứng cử dưới 40 tuổi (30,80%).

Trả lời câu hỏi tại buổi họp báo, ông Phúc cho biết các vị trong Bộ Chính trị và các vị “tứ trụ” ứng cử đều trên các vùng miền. Thành viên Chính phủ, các vị bộ trưởng cũng được phân bổ ứng cử ở các vùng sâu, vùng xa, chứ không chỉ ở thành phố.

Về câu hỏi tỷ lệ người ứng cử vào danh sách chính thức để bầu cử rất thấp, có những người cả hai nơi công tác và cư trú đều đạt tín nhiệm 100% vẫn bị loại, ông Phúc trả lời là hội nghị hiệp thương lần 3 để lập danh sách chính thức có cái nhìn bao quát rộng hơn.

Chẳng hạn, ông Trần Đăng Tuấn chỉ được 13/83 người tham dự hội nghị hiệp thương lần thứ ba đồng ý, tỷ lệ rất thấp.

* Trong danh sách chính thức, ngoài 4 vị “tứ trụ”, tất cả các uỷ viên Bộ Chính trị đều có mặt.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải ứng cử tại đơn vị bầu cử số 8 (huyện Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây).

BÍ thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng được xếp ứng cử tại huyện Hóc Môn, Củ Chi.

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh được giới thiệu ứng cử tại thành phố Đà Nẵng. Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ứng cử tại tỉnh Đồng Nai. Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ứng cử tại tỉnh Lâm Đồng.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ứng cử tại tỉnh Quảng Ninh. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ứng cử tại tỉnh Quảng Bình.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ứng cử tại quê hương - tỉnh Sơn La. Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng ứng cử tại tỉnh Yên Bái, trong một đơn vị bầu cử có tới 3 ứng viên là nông dân.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ứng cử tại tỉnh Hà Tĩnh. Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch ứng cử tại tỉnh Hà Nam. Bộ trưởng Công an Tô Lâm ứng cử tại tỉnh Bắc Ninh. Phó thủ tướng Trương Hoà Bình ứng cử tại tỉnh Long An.

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chuyển sang ứng cử tại tỉnh Thái Nguyên thay vì tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ này.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân được chuyển giới thiệu ứng cử tại tỉnh Trà Vinh thay vì tại Bắc Giang như khoá 13.

Theo Nguyên Lê

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên