MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách giữ công ty phát triển bền vững, trơn tru: Hãy đi tìm những nhân viên gắn bó trong đám đông chăm chỉ

22-07-2018 - 12:54 PM | Doanh nghiệp

Không phải ngẫu nhiên, các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp ở các nước phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản, luôn tìm mọi cách để giữ chân nhân viên được việc.

Có một điều trong kinh doanh ai cũng hiểu rằng công ty nào càng có nhiều nhân sự thạo việc gắn bó, thì guồng quay của toàn doanh nghiệp càng hoạt động trơn tru, mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm được chi phí tuyển dụng, đào tạo, và rất nhiều hao tổn liên quan khác khi phải thay người.

Ví dụ bạn có hai nhân viên đang làm việc chăm chỉ trong một dự án mà nếu kịp tiến độ họ sẽ được thưởng. Mới đầu cả hai đều ra sức như nhau để hoàn thành công việc đúng hạn. Cả hai rõ ràng đều có động lực làm việc. Tuy nhiên khi đã gần đến hạn thì mới thấy rằng dự án này không thể hoàn thành đúng hạn và chắc chắn sẽ không có thưởng gì nữa.

Thấy vậy, một nhân viên tỏ ra ít hăng hái hơn trước. Anh ta không còn được phần thưởng thúc đẩy nữa và như vậy rõ ràng anh ta không gắn bó. Nhân viên còn lại vẫn tiếp tục miệt mài làm việc như trước, rõ ràng là cô ấy muốn làm cho tốt vì khách hàng và luôn nghĩ tới tổ chức chứ không phải chỉ cho bản thân.

Những nhân viên tìm kiếm động lực làm việc vì những lý do cá nhân đòi hỏi phải có phần thưởng hay lợi ích nào đó thì mới chịu làm việc tốt. Những người gắn bó thì lại khác, họ nỗ lực làm tốt chỉ vì họ hiểu công việc phải được hoàn thành tốt nhất có thể.

Một nhân viên gắn bó có biểu hiện gì?

Thường những điều một nhân viên gắn bó quan tâm sẽ là bối cảnh chung của tập thể như: Tổ chức của ta (hay những người ta phục vụ) được lợi gì? Công việc của tôi có giúp gì không?

Những câu nói thể hiện sự gắn bó với công việc:

• "Tôi vừa nảy ra một ý."

• "Tôi vừa tìm ra cách làm việc này nhanh hơn."

• "Tôi đang nghĩ, không biết làm thế này có tốt hơn hay không."

Người gắn bó còn có những biểu hiện không lời như:

• Ở lại muộn để hoàn tất công việc.

• Dọn dẹp dù không phải việc của mình.

• Tự nguyện gánh thêm công việc.

Những lời nói, việc làm như vậy cho thấy nhân viên cam kết gắn bó và cảm thấy gắn kết với tổ chức. Họ biết rằng việc làm của mình liên quan không chỉ đến chuyện thưởng phạt. Ngày nay, chúng ta hẳn nhiên không thể xem tiền bạc là chuyện nhỏ theo kiểu có cũng được mà không có thì cũng chẳng sao, nhưng tiền thưởng chỉ là một sản phẩm phụ của động lực và sự gắn bó chứ không nên là động lực làm việc.

Nhân viên gắn bó luôn quan tâm và tận tụy trong công việc. Họ còn muốn nhận thêm những trách nhiệm mới và họ lưu tâm đến sự thành bại của tổ chức. Nhân viên gắn bó dùng thời gian riêng tư, dùng trí tuệ và nỗ lực của mình vượt quá những gì người ta trông đợi.

Nhân viên không gắn bó có biểu hiện gì

Thật không may, nghiên cứu cho thấy rằng phần lớn người đi làm đều không có được sự gắn bó quan trọng nói trên. Nhiều người thậm chí còn coi công việc là một bước đệm vô nghĩa, chán ngắt mà họ phải đi qua để đạt mục đích – phiếu lương. Năm 2013 một báo cáo đồ sộ của Gallup đã chỉ ra rằng chỉ có 13% ít ỏi người cảm thấy gắn bó với nơi làm việc. Đó là những nhân viên cảm thấy gắn kết với tổ chức của mình, làm việc hiệu quả và trung thành.

Ngược lại, có 63% người "không gắn bó", nghĩa là tuy họ vẫn đi làm nhưng lại dành ít năng lượng cho công việc và không mấy gắn bó với tổ chức. Họ chỉ làm ở mức tối thiểu những gì cần thiết và không hề cố gắng thêm.

24% còn lại "không gắn bó một cách tích cực", nghĩa là họ không vui vẻ, thiếu động lực và cố làm sao để đỡ phải làm. Họ thậm chí còn cố tình làm xói mòn cố gắng của tổ chức.

Điều này có nghĩa là gần 60% người được khảo sát đang làm những công việc họ không thích, vì các tổ chức của họ không quan tâm xem nhân viên của mình đang làm việc say mê hay uể oải. Các tác động tiêu cực của lực lượng lao động thiếu động lực và không gắn bó chắc chắn gây nên ảnh hưởng tới cấp lãnh đạo. Ở đâu thiếu nhân viên gắn bó thì kết quả hoạt động và kinh doanh thấp là không thể tránh khỏi.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên