MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để các triệu phú đôla Việt Nam trốn thuế thu nhập cá nhân?

Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam cho biết, thuế thu nhập cá nhân được thực hiện theo hình thức tự khai, tự nộp nên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là nguyên nhân giúp những kỹ sư Việt Nam kiếm được triệu USD trốn thuế.

Gần đây, người ta nói nhiều đến câu chuyện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những triệu phú đôla rất trẻ ở Việt Nam, làm ra các sản phẩm dịch vụ CNTT, bán trên thị trường nước ngoài nhưng cơ quan thuế không hề biết và không thu được một đồng thuế nào. Bà nghĩ gì về điều này?

Chính sách thuế thu nhập cá nhân hay các loại thuế khác đều dựa trên cơ chế tự khai, tự nộp nên việc có một số cá nhân có những khoản thu nhập lớn mà không kê khai, không nộp thuế là vi phạm của chính họ, chứ hoàn toàn không phải là lỗi của cơ quan thuế.

Vấn đề một số cá nhân nộp thuế không đủ hoặc trốn thuế thì không phải đến cách mạng công nghiệp 4.0 mới xảy ra, mà có từ rất lâu rồi và xảy ra ở mọi quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam. Điều này cũng không phải chỉ xảy ra đối với các sản phẩm dịch vụ CNTT bán trên thị trường nước ngoài và có thể xảy ra với các sản phẩm dịch vụ bán trên thị trường trong nước.

Có thể nhìn một cách đơn giản hơn thì việc một số ca sĩ, diễn viên, bác sĩ… có thu nhập rất cao nhưng không nộp thuế đủ thì cũng giống như các kỹ sư công nghệ thông tin, kiếm cả triệu đô từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và làm điều tương tự mà thôi.

Trong số những người trở thành triệu phú đôla nhờ cách mạng công nghiệp 4.0, Nguyễn Hà Đông là một kỹ sư hiếm hoi công khai thu nhập của mình và làm việc với cơ quan thuế tại Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ. Việc này nói lên điều gì?

Theo quy định pháp luật, những người kinh doanh có thu nhập như Nguyễn Hà Đông phải tự kê khai và nộp thuế. Dòng tiền chảy vào tài khoản của những người kinh doanh dịch vụ như Đông đều phải qua hệ thống ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước có thể nhìn thấy dòng tiền này. Tuy nhiên, ngay cả với trường hợp của Nguyễn Hà Đông thì việc kê khai, nộp thuế cũng trên cơ sở tự giác.

Không phải ai cũng công khai thu nhập của mình từ việc bán dịch vụ ra nước ngoài như Nguyễn Hà Đông (cha đẻ của trò chơi Flappy Bird nổi tiếng thế giới), làm thế nào để có thể thu tiền thuế TNCN từ những kỹ sư CNTT kiếm được hàng triệu USD nhưng ẩn danh?

Với những cá nhân có thu nhập cao (có thể lên tới hàng triệu USD) nhưng không kê khai và nộp thuế thì họ đang thực hiện hành vi trốn thuế. Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, điều này xảy ra rất nhiều.

Để khuyến cáo cá nhân thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của mình, các nước đều có biện pháp trừng phạt rất nặng đối với cá nhân có hành vi trốn thuế, thậm chí là có thể ngồi tù (nếu chứng minh được). Trường hợp nghi ngờ trốn thuế và phải ra tòa nhiều lần của siêu sao bóng đá Messi (CLB Barcelona) là một ví dụ điển hình của các biện pháp răn đe. Đây là những biện pháp mạnh mà các nước đã áp dụng để tránh việc thất thu thuế.

H.Ly – Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên