MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cách mạng robot” làm rung chuyển nền kinh tế thứ 2 thế giới

03-03-2017 - 13:56 PM | Tài chính quốc tế

Số lượng lớn lao động nhập cư, những người vô cùng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đang đứng trước nguy cơ mất việc làm khi hàng loạt công ty Trung Quốc trang bị robot trên các dây chuyền sản xuất.

Cuộc "cách mạng robot" ở Trung Quốc

Tự động hóa là xu thế toàn cầu nhưng tại Trung Quốc, robot hóa dường như đang trở thành “mốt”. Theo một cuộc khảo sát uy tín, việc gia tăng tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc khiến nhu cầu nhân công giảm sút, gây tác động trực tiếp tới lao động nhập cư.

Là một phần của chính sách thúc đẩy từ trên xuống dưới, chính quyền các địa phương đang đưa ra các ưu đãi để giúp doanh nghiệp chế tạo và mua robot. Trong khi đó, các công ty cũng đặt ra mục tiêu tăng năng suất và giảm nhu cầu với người lao động, điều kiện để quá trình robot hóa được thúc đẩy mạnh mẽ hơn tại Trung Quốc.

Dù các công ty vẫn đề cao nhân công có tay nghề cao nhưng chắc chắn số người “sống sót” qua cuộc cách mạng robot sẽ không nhiều bởi phần đông lao động ở Trung Quốc vẫn là phổ thông. Việc áp dụng ồ ạt robot vào sản xuất có thể đẩy nhanh sự sụp đổ trong thị trường lao động.


Nhu cầu về Robot của Trung Quốc so với thế giới.

Nhu cầu về Robot của Trung Quốc so với thế giới.

Theo một cuộc khảo sát được tiến hành ở các khu sản xuất từ Quảng Đông ở miền Nam tới Chiết Giang ở miền đông, trong tổng số các công ty có kế hoạch robot hóa trong 12 tháng tới, 72,7% khẳng định sẽ cắt giảm lao động.

Tuy nhiên, tự động hóa lại được coi là câu trả lời cho lượng dân số trong độ tuổi lao động đang ngày càng sụt giảm ở Trung Quốc. Tới năm 2020, Chính phủ Trung Quốc muốn có 150 dây chuyền hoạt động bằng robot trong tổng số 10.000 lao động, tăng gấp 3 so với năm 2015.

Người lao động khốn đốn

96,8% số công ty được hỏi khẳng định sự có mặt của robot giúp tăng đáng kể năng suất. Chúng cũng góp phần làm giảm chi phí sản xuất, với trung bình là 27% và cao nhất là 77,4%. Lãnh đạo công ty Henghui Furniture ở Đông Quản, Quảng Đông, cho biết, công ty đã cắt giảm 1/5 số lao động trong hai năm qua sau khi lắp đặt 4 robot. Chỉ một năm sau, số tiền robot giúp tiết kiệm đã bù lại được khoản tiền bỏ ra để mua chúng.

Cũng trong các công ty được khảo sát, 74,2% cho biết số lượng công nhân đã giảm sau khi lắp đặt robot trên các dây chuyền. Những người không có tay nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 80,6% bị sa thải. Theo một trung tâm nghiên cứu ở Quảng Đông, trong giai đoạn từ 2014 đến 2016, có 40.000 lao động ở Đông Quản mất việc mỗi năm vì robot.

Chính quyền các địa phương đang khuyến khích thu hẹp quy mô lao động nhập cư, động thái nhằm thể hiện quyết tâm theo đuổi một nền kinh tế hiệu quả hơn. Ở Chiết Giang, chính quyền có kế hoạch cắt giảm 500.000 việc làm mỗi năm và thay thế bằng tự động hóa. Chính quyền tỉnh này cũng thừa nhận đưa ra các ưu đãi để các doanh nghiệp mua robot nhưng cũng khuyến khích lao động có tay nghề tới làm việc.


Số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đang sụt giảm.

Số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc đang sụt giảm.

Cuối năm 2015, công nhân tại nhà máy nhựa Xinwei ở Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang, đã đình công khi công ty muốn giảm 1/3 tổng số nhân lực để thay thế bằng máy móc. Nhằm chấm dứt căng thẳng kéo dài và đưa nhà máy trở lại hoạt động, lãnh đạo Xinwei đã phải nhượng bộ. Chính giám đốc công ty cũng thừa nhận ban lãnh đạo chưa hình dung hết những khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình robot hóa dây chuyền sản xuất.

Các mối đe dọa từ robot là hiện hữu và chắc chắn các nhà quản lý hiểu rõ điều này. Tuy nhiên, bài toán nhân khẩu học, với dân số đang ngày một già nua, khiến Trung Quốc phải tính tới việc sử dụng máy móc để thay thế con người. Hiện tại, 60% các công ty được hỏi cho biết những lao động bị robot thay thế sẽ được điều chuyển công việc khác hoặc tái đào tạo nhưng về lâu dài, phương án này có thể không còn khả thi.

Ở phương diện khác, sự phổ dụng của robot cũng mở ra một lĩnh vực khác là bảo trì, lập trình và sản xuất robot. Công việc mới đòi hỏi tay nghề cao nhưng cũng được đáp lại bằng mức lương xứng đáng. Tuy nhiên, không nhiều người có cơ hội kiếm được công việc này vì số lượng hạn chế. Nói cách khác, khó có sự công bằng cho tất cả những người bị robot thay thế.

45.000 con robot "cướp" việc làm của con người trong các kho hàng Amazon

Linh Anh

Nikkei

Trở lên trên