MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách mạng tự động hoá: 86% số người lao động ngành may có nguy cơ rủi ro về việc làm

Đó là con số rất đáng lưu ý được các đại biểu quan tâm tại Hội thảo “An sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững và tương lai tươi sáng cho mọi người” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 28.3 tại Hà Nội. Bên cạnh việc cảnh báo nguy cơ mất việc vì tự động hóa, các đại biểu cũng đề cập tới những giải pháp để giải quyết vấn đề tồn dư lao động trong tương lai.

Nguy cơ thất nghiệp hàng loạt

“Việt Nam cần làm gì để có thể thích ứng tốt nhất với thị trường lao động và tạo ra sự bền vững, định hướng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh kỷ nguyên số” - là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm tại Hội thảo “An sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững và tương lai tươi sáng cho mọi người” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Theo báo cáo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2016, dưới tác động của cuộc cách mạng tự động hoá và số hoá, NLĐ làm việc trong một số ngành đối mặt với nguy cơ mất việc. Dự báo, riêng trong ngành công nghiệp ôtô, trên 60% số lao động ở Indonesia và 73% số lao động ở Thái Lan bị rủi ro bởi tự động hoá. Tại Việt Nam, 75% số lao động trong ngành điện tử và 86% trong ngành may mặc và giày dép bị rủi ro bởi tự động hoá. Họ dễ rơi vào tình trạng bị tổn thương do bị mất việc làm trong điều kiện hệ thống an sinh xã hội (ASXH) chưa phát triển. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa chứng kiến tác động của công nghệ tại nơi làm việc ở mức độ giống như một số nước phát triển hơn trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, điều này được dự đoán là không xa.

Để thực hiện khẩu hiệu “Không ai bị bỏ rơi phía sau”, PGS-TS Nguyễn Lan Hương nhận định, xu hướng công nghệ mới đem lại những thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Vấn đề đầu tiên được bàn luận là việc áp dụng tự động hoá có thể tăng năng suất lao động và giảm chi phí; đi cùng đó là ảnh hưởng đến quy mô lực lượng lao động dẫn đến sa thải lao động. Bên cạnh đó, bản thân những NLĐ được giữ lại thì bản chất việc làm cũng sẽ thay đổi. Theo dự đoán, có 70-80% số việc làm hiện tại bị mất đi và khoa học công nghệ sẽ sản sinh ra một lượng nghề mới. “Tuy nhiên, trong vòng vật lộn như thế thì sẽ có khoảng 20-30% công việc mất hoàn toàn; đồng nghĩa với việc từng ấy lao động cũng sẽ không có việc. Đây là một con số rất lớn” - PGS-TS Nguyễn Lan Hương nhận định.

Trước những diễn biến đó, cơ chế làm việc linh hoạt và sự bất ổn định. Lực lượng lao động sẽ có xu hướng kết hợp một hoặc nhiều công việc bán thời gian với các công việc tự do. Ví dụ: Làm văn phòng lúc rảnh rỗi có thể đi lái xe taxi... Vì thế, chỉ những người có trình độ cao hơn mới có thể bám trụ.

Các chuyên gia cũng đưa ra lo ngại về sự phát triển quan hệ lao động theo các hình thức mới giữa con người và máy móc dẫn đến hình thức quan hệ lao động mới và thay đổi bản chất và vai trò của các cấu phần trong quan hệ lao động như hợp đồng lao động, thương lượng tập thể...

Đáng chú ý nhất là sự gia tăng bất bình đẳng: Bất bình đẳng về kỹ năng, việc làm, tiền lương và thu nhập. Nếu ANXH không được thực hiện tốt sẽ dẫn đến nghèo đói, cùng cực. Sự xuất hiện và gia tăng các nhóm lao động yếu thế cũng ngày càng nhanh. Đặc biệt, là gia tăng phân các vùng miền, nhóm người, khu vực và giữa các quốc gia trên toàn thế giới và nguy cơ đối mặt với thảm hoạ nhân đạo, di cư và người tị nạn. Mặc khác, Việt Nam cũng như các nước phát triển dựa vào cạnh tranh giá rẻ sẽ mất dần lợi thế về công nhân rẻ, gánh nặng giải quyết việc làm những nước đang phát triển với một lượng lớn công nhân trình độ thấp. Mà lúc này, việc di cư lao động cũng sẽ vô cùng khó khăn.

Bài toán an sinh xã hội

Để có thể thay đổi và thích ứng với công nghệ mới, theo các chuyên gia tham dự hội nghị, trước hết, cần nghiên cứu các chính sách về thị trường lao động, từ đó đưa ra các loại hình đào tạo và đào tạo liên tục. Bên cạnh đó, vai trò của thông tin thị trường lao động và kết nối thị trường lao động cần được chú trọng.

Trong bối cảnh ấy, vai trò của công đoàn cũng cần được cải cách và đề cao để NLĐ không mất việc và phát triển quan hệ lao động khi công việc đang ngày càng trở nên cá nhân hoá và chủ yếu là tại nhà.

Về bảo hiểm xã hội, các quy định mới phải được điều chỉnh theo bản chất của việc làm và thị trường lao động. Các hình thức mới của chính sách/hệ thống xã hội và pháp luật cần phải đảm bảo cho những NLĐ bán thời gian, toàn thời gian, trực tuyến và tự làm được bảo vệ tốt hơn. Cần thay đổi chuyển từ bảo hiểm thất nghiệp sang bảo hiểm việc làm bởi thất nghiệp hàng loạt có thể xảy ra khi các nhóm công nhân ra khỏi quá trình sản xuất trong các lĩnh vực hoạt động mới và nhiều người lao động không thể đáp ứng các yêu cầu của công việc mới ngay cả khi họ được giữ lại.

Chính sách ASXH theo kiểu “đóng - hưởng” cũng cần được thay đổi lại, nguyên tắc xây dựng ASXH kỹ thuật, công nghệ thay đổi thành mô hình đầu tư xã hội, công bằng và bình đẳng.

TS Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, VASS - kiến nghị việc củng cố ASXH cần gắn liền với thúc đẩy việc làm có năng suất như bình đẳng cơ hội, đầu tư vào vốn con người đúng hướng, đúng nhịp. Chính sách phân phối lại tích cực theo hướng tăng dư địa tài khoá như xây dựng sàn ASXH, thay đổi mục tiêu trợ giúp ASXH, quản trị số để giảm biên chế không cần thiết nhằm tiết kiệm chi ngân sách, giảm chi phí giao dịch cho người dân...

Theo Tuệ Nhi

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên