MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách nhìn khác để giải bài toán năng suất lao động thấp hơn cả...Lào

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam trong nhiều năm vẫn “giậm chân tại chỗ”. Hiện, tốc độ này vào khoảng 4%, thấp hơn Trung Quốc (7%), Hàn Quốc (5%) ở vào thời điểm những nước này có cùng trình độ phát triển như Việt Nam.

World Bank gần đây đã cảnh báo nếu Việt Nam không cải thiện được năng suất lao động, hiện đang còn thấp hơn cả Lào (nhận xét của Tổng cục Thống kê), có khả năng sẽ không hoàn thành được mục tiêu thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2035.

Bài toán về tăng năng suất lao động là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Điều này cũng đã được Người đứng đầu Chính phủ thừa nhận.

Dù vậy, “nhiều đề xuất về cải thiện năng suất lao động đang không đi vào trọng tâm”, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Mekong nói với Trí Thức Trẻ.

Theo ông, hai căn cứ là chất lượng nguồn nhân lực thấp và sự lạc hậu của máy móc khiến cho năng suất suy giảm là không hoàn toàn thuyết phục nếu nhìn vào lượng lao động của Samsung cũng như độ mở thị trường cho phép nhập khẩu máy móc. Như vậy, cần phải có cách nhìn khác với những giải pháp khác cho bài toán năng suất lao động.

Để nâng cao năng suất lao động Việt Nam, ông Tùng đưa ra 6 điểm chính, trong đó, 2 điểm trọng tâm là giảm đi sự cồng kềnh của bộ máy hưởng lương từ ngân sách nhà nước và lượng người làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi lẽ 2 lĩnh vực này chiếm đến gần 70% cơ cấu lao động và có năng suất rất thấp.

Theo thống kê, cả nước đang có khoảng 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó, 1,3 triệu công chức. Đây là những con số khổng lồ khiến cho chi phí thường xuyên bị phình to, trong khi năng suất lao động ở khu vực này nhiều năm liền không được cải thiện.

Bởi lẽ, như ông Tùng ví dụ, ở các DNNN, người điều hành doanh nghiệp không phải là chủ doanh nghiệp nên họ không có động lực để nâng cao năng suất lao động. Còn ở bộ máy công chức thì việc vào biên chế đã đảm bảo một cuộc sống ổn định lâu dài, không có sự đào thải, dẫn đến sự triệt tiêu động lực thay đổi.

Do vậy, đối với khối DNNN, ông Tùng cho rằng cần phải đẩy mạnh việc cải cách và cổ phần hoá DNNN vì chỉ có vậy mới nâng cao được tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải tinh giản bộ máy biên chế, phát triển chính phủ điện tử vốn khá yếu ở thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng Nhà nước nên tư nhân hoá một số dịch vụ công để giảm gánh nặng cũng như mạnh dạn bỏ đi một số cơ quan ở cấp huyện, xã không có chức năng trọng yếu.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đây là ngành có năng suất lao động thấp nhất ở Việt Nam nhưng lại có tỷ trọng lao động lớn, khoảng 43- 46%. Để tăng năng suất lao động cho ngành, theo ông Tùng, vấn đề cốt lõi là sửa được Luật đất đai, làm cho thị trường đất nông nghiệp hoạt động và vấn đề về tích tụ ruộng đất được thực hiện... mới có thể khiến cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khắc phục được vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún tồn tại từ trước đến nay.

Với hai giải pháp trên, nếu khắc phục được, vị chuyên gia này cho rằng trong ngắn hạn sẽ giải quyết được vấn đề về năng suất lao động của Việt Nam do hơn 70% lao động Việt hoạt động trong lĩnh vực này.

Viện trưởng Viện Mekong cũng đề cập đến việc Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Nếu những doanh nghiệp này không có động lực để lớn lên dẫn đến chi phí cho doanh nghiệp luôn cao do thiếu quy mô thì năng suất không thể tăng được.

Ngoài ra, các vấn đề về quy hoạch đô thị, hạ tầng, chi phí logistics cao hay câu chuyện về văn hoá hiện đang là điểm nghẽn tăng năng suất lao động cũng cần phải được thay đổi trong tương lai.

“Đơn cử như việc người Việt dành quá nhiều thời gian cho tụ tập bạn bè, cưới xin, ma chay kéo dài cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động. Một nước công nghiệp mọi thứ phải công nghiệp hoá thì năng suất mới cao được”, ông Phùng Đức Tùng cho biết.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên