MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái bụng phệ của người đàn ông thành đạt và cuộc chơi lớn của ông chủ Tập đoàn Phú Thái: Rót 200 tỷ, quyết đưa Owen "có số có má" trước bộ ba sát thủ H&M, Zara, Uniqlo

01-11-2018 - 15:23 PM | Doanh nghiệp

"H&M, Zara, Uniqlo như là bộ ba, khi vào các nước đều tàn phá, khuynh đảo thị trường thời trang rất nhiều", ông chủ Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn nhìn nhận. Phú Thái cũng quyết tâm "chơi lớn", đầu tư 200 tỷ đồng thay đổi chiến lược thương hiệu cho nhãn hàng thời trang chủ lực Owen, tập trung vào Chất liệu, Thiết kế và Trải nghiệm khách hàng. Chiến lược đầu tư này chăm chút đến độ với những chiếc áo sơ mi Owen dành cho người đàn ông trung niên, vùng bụng sẽ được "nới" ra một chút…

Trước sức tàn phá của "bộ ba sát thủ", sẽ có rất nhiều thương hiệu thời trang phải rời bỏ thị trường

"H&M, Zara, Uniqlo như là bộ ba, khi vào các nước đều tàn phá, khuynh đảo thị trường thời trang rất nhiều", ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhìn nhận.

Theo ông Đoàn, hiện Mango, Zara cũng sản xuất ở Việt Nam, cũng xây dựng thương hiệu đẳng cấp, giá hợp lý, và đặc biệt rẻ lúc chạy các chương trình khuyến mãi. Do vậy, việc các thương hiệu thời trang trong nước gặp khó khăn là đương nhiên.

Cái bụng phệ của người đàn ông thành đạt và cuộc chơi lớn của ông chủ Tập đoàn Phú Thái: Rót 200 tỷ, quyết đưa Owen có số có má trước bộ ba sát thủ H&M, Zara, Uniqlo - Ảnh 1.

Sau H&M, Zara, đến ông lớn Uniqlo sẽ bước chân vào thị trường Việt Nam vào mùa thu năm tới.

"Trong bối cảnh hội nhập, một số kinh nghiệm ở các nước cạnh Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, các thương hiệu thời trang của chính nước ấy ít khi có thể tồn tại được, nếu có chăng cũng chỉ 1 - 2 thương hiệu".

"Câu chuyện này tôi đã nhìn thấy ở các nước xung quanh. Do vậy, trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều thương hiệu thời trang cũng phải rời bỏ thị trường. Vừa rồi, 3 nhãn hiệu thời trang lớn đã thất bại…", ông Đoàn nói.

Rất nhiều nhãn hiệu thời trang Việt hiện làm rất bứt phá, rất nhanh. Nhưng ông Đoàn cho rằng, cạnh tranh như một cuộc chạy marathon, sao biết được trong 5 - 10 năm nữa, ai là người tồn tại, ai là người không?

Owen - thương hiệu thời trang chủ lực của Phú Thái - có "sợ" Uniqlo hay Zara?

Cái bụng phệ của người đàn ông thành đạt và cuộc chơi lớn của ông chủ Tập đoàn Phú Thái: Rót 200 tỷ, quyết đưa Owen có số có má trước bộ ba sát thủ H&M, Zara, Uniqlo - Ảnh 2.

Một cửa hàng Owen ở Vincom Lê Văn Việt (TPHCM). Ảnh: Owen.

Ông Đoàn cho rằng trong khi các thương hiệu thời trang nước ngoài như Uniqlo có lịch sử hàng chục năm, Owen mới ra đời được 10 năm, và phải lựa chọn đi theo cách khác.

"Cách khác" mà ông Đoàn đề cập là một chiến lược toàn diện từ chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ đến chiến lược thương hiệu, trong đó không thể không kể đến vai trò của đại gia đến từ Nhật Bản Itochu - tập đoàn đang nắm 19% CTCP Thời trang Kowil (đơn vị sở hữu thương hiệu thời trang Owen).

Itochu - đại gia Nhật Bản đang nắm 19% cổ phần của Kowil sẽ là "đối tác tiếp sức" của Phú Thái trong cuộc đua Marathon ngành thời trang

"Tôi muốn dùng toàn bộ nguồn lực về chất lượng và kiểm soát chất lượng cũng như kinh nghiệm của một công ty lớn như vậy để hỗ trợ mình. Itochu hàng năm xuất khẩu từ Việt Nam ra nước ngoài khoảng 500 triệu USD, gia công tại hàng trăm nhà máy ở Việt Nam".

"Ở Nhật, Itochu là nhà cung cấp dệt may lớn nhất Nhật Bản, cung cấp nguyên phụ liệu cho cả Zara, Uniqlo, Mango... Chính việc ấy mà chúng tôi muốn tận dụng sự tiếp sức của những công ty như vậy. Đây là một trong những yếu tố khiến chúng tôi tự tin để làm", ông Đoàn nói.

Ông Đoàn cho biết Phú Thái đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để đầu tư cho toàn bộ thay đổi của Owen, trong đó đặc biệt quan tâm tới chất lượng sản phẩm.

Về nguyên vật liệu, đối tác Nhật Bản nhắc nhiều đến việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và áp dụng công nghệ mới. Dấu ấn dễ thấy là các chất liệu sợi Tre và sợi Nano, chống tia UV, làm mát và không nhăn trong các sản phẩm của Owen.

Về thiết kế, Owen bắt tay với nhà thiết kế số 1 của Project Runway Vietnam mùa đầu tiên Hoàng Minh Hà, cho ra mắt bộ sưu tập Owen by Hoang Minh Ha, hướng tới giới trẻ với Slogan mới "Lịch lãm thời trang, vững vàng bản lĩnh".

Cái bụng phệ của người đàn ông thành đạt và cuộc chơi lớn của ông chủ Tập đoàn Phú Thái: Rót 200 tỷ, quyết đưa Owen có số có má trước bộ ba sát thủ H&M, Zara, Uniqlo - Ảnh 4.

Màn trình diễn BST Owen by Hoang Minh Ha trên sàn diễn Vietnam International Fashion Week.

Về chất lượng dịch vụ, các cửa hàng flagship của Owen tới đây sẽ áp dụng nguyên lý phục vụ Omotenashi của Nhật Bản - có nghĩa là phục vụ khách hàng từ trái tim, giống như tiếp đón với người thân.

Để tăng cường trải nghiệm của khách hàng, Owen cũng mở 30 cửa hàng "đạt chuẩn", với bộ nhận diện thương hiệu mới, cung cách phục vụ mới. Số lượng cửa hàng flagship này dự kiến tăng lên 100 cửa hàng vào năm 2019. Trong đó, phần lớn do Owen tự mở.

"Người tiêu dùng giờ muốn đến cửa hàng đẹp, nhận diện đẹp, phong phú chủng loại, thái độ phục vụ tốt, trải nghiệm tại cửa hàng tốt", ông Phạm Đình Đoàn nói.

Sự chăm sóc của Owen tới khách hàng còn chu đáo ở chỗ, hướng đến giới trẻ, Owen có dòng áo ôm slimfit, còn với những người đàn ông ngoài 30, vùng bụng sẽ được nới hơn một chút.

Nhiều DN thời trang nhập về 1 đồng bán ra 3 đồng, còn Owen dùng chất liệu Nhật, gia công cùng nhà máy với Mango, nhưng giá sẽ Việt Nam

"Chúng tôi quyết tâm đầu tư lớn, chắc chắn Owen sẽ có vị trí xứng đáng trong tâm trí khách hàng và trên thị trường Việt Nam", doanh nhân Phạm Đình Đoàn cho biết.

Là chủ một doanh nghiệp phân phối đã có mặt trên thương trường 25 năm, với 180.000 đại lý phân phối ở khắp các ngành hàng máy móc, thiết bị, thời trang, dược phẩm, thức ăn, nhà hàng…, ông Đoàn tâm sự: "Chúng tôi đều có suy nghĩ rằng đến một lúc nào đấy, trách nhiệm của chính mình với xã hội là làm sao chúng ta phải tạo ra những sản phẩm thương hiệu của người Việt".

Rất nhiều nhãn hiệu thời trang có thể nhập về 1 đồng bán 3 đồng. Đến một lúc nào đấy, người tiêu dùng đủ thông minh để nhận ra rằng sản phẩm ấy chỉ xứng đáng từng này tiền thôi.

"Và trong câu chuyện ấy, chỉ những DN có kinh nghiệm, có tiềm lực, có nhiều cách làm tốt thì mới có thể trụ lại được. Tôi nghĩ với Phú Thái, trách nhiệm của chúng tôi là làm được điều ấy, bởi lẽ chúng tôi đã là nhà phân phối hàng đầu Việt Nam".

Với Owen, ông Đoàn cho biết các chất liệu sử dụng đều là chất liệu của các công ty Nhật, gia công tại các nhà máy hàng đầu Việt Nam - cũng là các nhà máy gia công cho Mango, Zara, thiết kế đẹp và hiện đại, kiểm soát chất lượng bởi công ty Nhật, còn mức giá thì rất Việt Nam. Một chiếc áo sơ mi sợi Nano của Owen hiện có mức giá hơn 500.000 đồng/chiếc.

"Chúng tôi không có ý định để giá cao, để có thể phục vụ cho cộng đồng đông đảo người Việt. Rất nhiều nhãn hiệu thời trang có thể nhập về 1 đồng bán 3 đồng, họ xây dựng một thương hiệu rất cao cấp. Nhưng đến một lúc nào đấy, người tiêu dùng đủ thông minh để nhận ra rằng sản phẩm ấy chỉ xứng đáng từng này tiền thôi".

"Chúng tôi mong muốn định vị làm sao để đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu, và sản phẩm này hướng tới thị trường mass ở Việt Nam", Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết.

Theo Bảo Bảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên