MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấm xe máy, đi bằng gì?

21-04-2017 - 13:34 PM | Xã hội

Mức thu nhập trung bình của đa số người dân không cao, xe máy đối với nhiều người là tài sản lớn, “cần câu cơm”. Cấm thì phải có hướng giải quyết hợp lý hợp tình

Tại hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP HCM- thực trạng và giải pháp” vừa tổ chức, PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng xe máy đang gây ra nhiều bất tiện, bất lợi và thiệt hại đối với cộng đồng; không nên và không được xem xe máy là một phương tiện giao thông ở Việt Nam bởi tất cả các nước có nền giao thông và văn hóa phát triển đều không sử dụng xe máy vào mục đích giao thông. Ông Mai thẳng thắn đề nghị TP sớm loại bỏ xe máy ra khỏi hệ thống giao thông. Ý kiến này đã “gây bão” trong dư luận.

Không thể đổ lỗi cho mỗi xe máy

Theo nhiều bạn đọc, trước khi đề xuất hạn chế xe máy, cần phải xem xét đến quy hoạch, hạ tầng giao thông, ý thức giao thông, thay thế xe máy bằng xe gì, trong bao lâu, với tình hình thực tế ở TP HCM thì có được hay không? Đặc biệt, mức thu nhập trung bình của đa số người dân không cao, xe máy đối với nhiều người là tài sản lớn, “cần câu cơm”, không thể nói bỏ là bỏ mà không có chính sách hỗ trợ đi kèm.

“Nước ta là nước nông nghiệp, hàng vạn dân sống nhờ giao thông và thương mại, khác với các nước công nghiệp sống nhờ vào làm thuê. Bỏ xe máy thì đi bằng gì, làm ăn sinh sống thế nào, cũng giống câu chuyện vỉa hè. Cấm thì phải có hướng giải quyết hợp lý hợp tình”- bạn đọc Tuan Anh lưu ý.

Đi thẳng vào vấn đề, bạn đọc Huy Nguyen viết: “Lỡ mua xe, đóng thuế, giờ cấm đi. Chỉ cần trả lại tiền mua xe cả vốn lẫn lãi, tôi sẽ trả lại xe”.

Nhiều bạn đọc cho rằng không thể đổ cho một mình xe máy là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Việc ùn tắc do nguyên nhân chủ yếu là ý thức người tham gia giao thông (trong đó có người đi xe máy, ô tô và cả xe buýt) và cơ sở hạ tầng giao thông còn thấp. “Đổ lỗi cho xe máy là không công bằng. Ra đường là thấy ô tô cũng vi phạm nhiều lắm, chiếm cả làn đường xe máy, đỗ xe bất chấp biển cấm… Vì vậy, phải coi đâu gốc rễ vấn đề khi đó mới giải quyết được”- bạn đọc Nghi Bình nhận xét.

Còn bạn đọc Giahuyhuy phân tích: “Cơ sở hạ tầng kém, thử hỏi sao không kẹt xe? Người chịu trách nhiệm chính là cơ quan cấp phép xây dựng tràn lan, không thực hiện đúng quy hoạch, người dân thì cứ xây cứ lấn, chính quyền không có biện pháp chế tài xử phạt nghiêm minh thì chúng ta còn phải sống chung với kẹt xe muôn thủa...”.

Phải kết hợp nhiều giải pháp

Theo nhiều bạn đọc, thực ra không ai muốn đi xe máy giữa trời nắng nóng hoặc mưa ngập đường, ai cũng muốn đi ô tô hay tàu điện ngầm. Nhà nước hãy nghiên cứu, sắp xếp, quy hoạch hệ thống và mạng lưới giao thông công cộng, tự khắc người dân sẽ điều chỉnh. Chứ bỗng dưng nói cấm thì người dân đi bằng gì? Hơn nữa, nói cho chính xác không phải cấm xe máy mà phải là hạn chế phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô, xe đạp điện…), đồng thời cũng cần loại bỏ dần các phương tiện xe thô sơ tự chế.

“Cấm xe máy, những người có chút ít điều kiện sẽ chuyển sang dùng ô tô, cộng thêm số lượng và số lượt xe buýt tăng cao, dòng người đi bộ chiếm một phần lòng đường vì vỉa hè không đủ diện tích...Kẹt xe vẫn hoàn kẹt xe...”- bạn đọc Thu phân tích.

Theo bạn đọc Minh Trí, cấm xe máy đồng nghĩa với việc chính quyền phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chẳng hạn giảm giá vé các phương tiện công cộng, xây dựng được các tuyến xe buýt liên tục, tăng số chuyến, kéo dài thời gian phục vụ trong ngày… Nói tóm lại, những giải pháp đưa ra phải gắn với thực tế và được sự đồng thuận của người dân.

Cần có nhiều lựa chọn

Một số ý kiến bạn đọc đồng ý với đề xuất cấm xe máy vì xe máy có nhiều hệ lụy: tai nạn giao thông, kẹt xe (do luồn lách điền vào chỗ trống), ô nhiễm và nhất là nạn buôn bán vỉa hè. Tuy nhiên, để cấm xe máy cần phải có lộ trình, việc quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông phải đồng bộ.

“Cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống giao thông công cộng đảm bảo và tiện ích. Muốn hạn chế xe cá nhân thì phải cho người dân có 1 lựa chọn khác tốt hơn. Nếu có đến 2 sự lựa chọn phù hợp thì khỏi cần vận động, người dân sẽ dùng phương tiện công cộng”- bạn đọc Hoàng Triều nêu ý kiến.

Theo Vy Thư

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên