MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấm xe máy - quyết định khó khăn nhưng cần thiết

07-07-2017 - 14:52 PM | Xã hội

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cấm xe máy vào nội đô Hà Nội từ năm 2030 là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết.

Bài viết của TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về việc Hà Nội dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành từ năm 2030.

Cuối cùng, sau rất nhiều bàn cãi, chính quyền Thủ đô Hà Nội cũng đã đưa ra quyết định sẽ cấm xe máy vào năm 2030. Đây là một quyết định khó khăn, nhưng rất cần thiết.

Khó khăn là vì quyết định này dụng chạm đến lợi ích sát sườn của hàng triệu người dân. Với 4,9 triệu xe máy đang lưu hành thì có bao nhiêu triệu người đang phải đi lại bằng phương tiện này ở Thủ đô?

Hơn thế nữa, đối với rất nhiều người, xe máy không chỉ là phương tiện giao thông, mà còn là phương tiện kiếm cơm. Những người làm nghề xe ôm sẽ kiếm sống như thế nào khi xe máy bị cấm? Những người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe máy cũng sẽ phải đối mặt với câu hỏi không dễ trả lời nói trên.

Đó là chưa nói tới những người làm nghề sửa chữa xe máy, những người kinh doanh xe máy và phụ kiện xe máy… Kể mãi không hết là những người sẽ bị chính sách cấm xe máy tác động tiêu cực đến đời sống. Một quyết định dụng chạm đến lợi ích của hàng triệu người như vậy chắc chắn là một quyết định hết sức khó khăn.

Thông thường, cái dễ ban hành hơn là những quyết định mang tính dân túy như cắt giảm thủ tục, tăng trợ cấp, giảm thuế, giảm phí… Vì những quyết định như vậy thường được lòng dân và dễ được ca tụng. Tuy nhiên, không ít các quyết định mang tính dân túy lại chỉ nhắm vào việc lấy lòng hơn là việc xử lý những vấn đề có thật của cuộc sống. Mà vấn đề ách tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường vì giao thông của Hà Nội là một vấn đề có thật và đã đến mức cùng cực.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, để thực hiện được đề án cấm xe máy, chính quyền thành phố Hà Nội phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng.

Nạn nhân ở đây không phải là hàng triệu người nữa, mà là tất cả mọi người dân Hà Nội (gần 8 triệu người). Tất cả chúng ta đều đang phải chịu cảnh ách tắc đến ngột ngạt vào giờ cao điểm. Tất cả chúng ta đều đang bị đầu độc nghiêm trọng vì không khí bị ô nhiễm khói bụi nặng nề. Vấn đề là với một không gian nội thị khá chật hẹp như của Hà Nội, không cắt giảm các phương tiện giao thông cá nhân (đặc biệt là xe máy và kể cả ô tô) thì không thể có một giải pháp nào khác.

Tất cả mọi người đều tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân trong một thành phố đông đúc đến gần cả chục triệu dân là điều hoàn toàn bất khả thi. Vì vậy, cấm xe máy là một lựa chọn mang tính bắt buộc.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Tất cả mọi người đều tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân trong một thành phố đông đúc đến gần cả chục triệu dân là điều hoàn toàn bất khả thi. Vì vậy, cấm xe máy là một lựa chọn mang tính bắt buộc.

Có người sẽ cho rằng, cấm xe máy mà không cấm ô tô là không công bằng. Quả thực cấm xe máy máy để tạo điều kiện tốt hơn, thông thoáng hơn cho xe ô tô không phải và không thể là mục tiêu của chính sách. Để bảo đảm một sự công bằng ở đây, chính quyền thành phố cần nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm của Singapore về việc đấu giá quyền mua và sử dụng ô tô cá nhân, về việc thu phí đối với xe ô tô lưu thông vào khu vực nội đô.

Lần này, chính quyền thành phố đã công bố một chính sách sẽ có hiệu lực sau 13 năm nữa. Đây là cách làm mà Quốc hội và Chính phủ cũng cần phải học tập. Bất cứ một chính sách nào tác động mạnh đến đời sống của người dân, thì người dân đều cần có thời gian để chuyển đổi và thích nghi.

Video: Hơn 90% người dân Hà Nội được khảo sát đồng ý cấm xe máy vào nội đô từ năm 2030

13 năm là thời gian đủ dài cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh xe máy có thể chuyển đổi và hình thành chiến lược kinh doanh mới. Tuy nhiên, thời gian 13 năm chưa chắc đã đủ dài cho những người dân ngoài cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe máy ra không có kỹ năng và điều kiện để làm bất kỳ việc gì khác. Sự trợ giúp của chính quyền để những người này có thể mưu sinh sau khi xe máy bị cấm là rất cần thiết và phải là một phần cấu thành của chính sách cấm xe máy.

Cuối cùng, 13 năm cũng là khoảng thời gian mà chính quyền thành phố phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Nếu đến lúc đó hệ thống giao thông công cộng vẫn không đảm nhận được sứ mệnh thay thế cho xe máy cá nhân, thì cấm xe máy chỉ là một sự đánh đố mà thôi!

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên