MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cán bộ công an tiếp tay đường dây thuê Việt kiều buôn lậu siêu xe về Sài Gòn

22-08-2018 - 08:54 AM | Xã hội

Sau quá trình điều tra lại, 2 cán bộ công an bị cáo buộc tiếp tay cho đường dây thuê Việt kiều buôn lậu hàng chục siêu xe do Trần Quang Vinh cầm đầu.

Cuối tháng 8, TAND TP HCM sẽ đưa đường dây buôn lậu hàng loạt xe sang do Nguyễn Quang Vinh (36 tuổi), Nguyễn Giang Lam (43 tuổi, nguyên cán bộ công an) và Trần Phước Thạnh (51 tuổi), Trần Thái Nguyên (46 tuổi) thực hiện ra xét xử về tội "Buôn lậu".

Sau quá trình điều tra lại, cơ quan chức năng truy tố thêm bị cáo Bùi Khắc Hà (43 tuổi, nguyên cán bộ công an) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Cán bộ công an tiếp tay buôn lậu siêu xe

Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng chính sách của nhà nước đối với người Việt định cư ở nước ngoài khi về nước được nhập một ôtô để sử dụng, Vinh cùng đồng phạm tổ chức buôn lậu ôtô từ Mỹ về Việt Nam.

Thủ đoạn nhóm này sử dụng là thuê các Việt kiều đứng tên nhập khẩu ôtô, làm giả thủ tục, hồ sơ xuất nhập cảnh giả mạo theo diện hồi hương để hợp thức hóa hồ sơ nhằm trốn thuế.

Để thực hiện trót lọt các phi vụ, Trần Quang Vinh, Trần Phước Thạnh và Trần Thái Nguyên móc nối với Nguyễn Giang Lam (nguyên cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP HCM) nhờ đóng dấu xuất nhập cảnh khống vào hộ chiếu Việt kiều.

Lam lợi dụng nhiệm vụ đứng ra thuê và giới thiệu cho Vinh 36 Việt kiều, hưởng lợi 10.000 USD với mỗi chiếc xe nhập lậu thành công.

Từ tháng 1/2011 đến cuối năm 2012, Vinh cùng đồng phạm được cho đã làm thủ tục nhập khẩu ôtô, môtô cho 64 Việt kiều hồi hương. Trong đó, 54 xe được thuê mướn để hợp thức hoá việc buôn lậu, bao gồm các loại siêu xe như Rolls Royce, Land Rover, Bentley, Lexus, Audi, BMW, Porsche… và 12 môtô phân khối lớn.

Theo đó, nếu nhập bình thường các xe sang này phải chịu thuế hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, bằng thủ đoạn của mình, Vinh cùng đồng phạm nhập khẩu chỉ phải đóng hơn 64 tỷ đồng.

Trước đó, TAND TP HCM từng xét xử và tuyên phạt Trần Quang Vinh, Nguyễn Giang Lam cùng 16 năm tù, Trần Phước Thạnh 12 năm tù, Trần Thái Nguyên 9 năm tù về tội "Buôn lậu".

Hồi tháng 10/2016, TAND Cấp cao tại TP HCM hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại. Theo nhận định của HĐXX, cấp sơ thẩm chưa làm rõ kẻ chủ mưu thật sự của vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

 Cán bộ công an tiếp tay đường dây thuê Việt kiều buôn lậu siêu xe về Sài Gòn - Ảnh 1.

Các bị cáo từ phải sang trái: Vinh, Nguyên, Thạnh và Lam tại phiên phúc thẩm hồi tháng 10/2016. (Ẩnh: H.Đ)

Thêm một cán bộ công an xộ khám

Quá trình điều tra lại, tháng 10/2017, ông Nguyễn Khắc Hà (nguyên cán bộ công an thuộc Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an) bị bắt giam vì có liên quan đến đường dây buôn lậu nói trên.

Theo cơ quan điều tra, ông Hà đã lợi chức vụ quyền hạn của mình đóng dấu kiểm chứng xuất nhập khẩu vào hộ chiếu của 16 Việt kiều dù thực tế họ hoàn toàn không mua vé máy bay, không đi nước ngoài.

Động thái này được cho là giúp giả mạo việc xuất nhập cảnh cho những người này. Từ đó, ông Hà giúp Vinh cùng đồng phạm hợp thức hóa hồ sơ và thực hiện trót lọt hành vi buôn lậu như trên thu lợi bất chính.

Tại cơ quan điều tra, Hà ban đầu không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên qua quá trình đấu tranh của nhà chức trách, ông này sau đó đã thừa nhận hành vi phạm tội, thay đổi toàn bộ lời khai.

Cụ thể, nguyên cán bộ công an khai từng được Lam làm thủ tục gia hạn visa cho một người quen tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP HCM vào năm 2009.

Sau đó một thời gian, Lam nhờ Hà đóng dấu khống cho một số hộ chiếu của các Việt kiều Mỹ. Theo ông Hà, Lam  nói việc này nhằm giúp một số người quen là các Việt kiều già yếu, có hoàn cảnh đặc biệt để làm một số thủ tục cá nhân bên Mỹ như an sinh xã hội, thuế, bảo hiểm...

Hà đã làm giúp dù không quen biết, gặp mặt chỉ vì tin tưởng Lam và không biết mục đích buôn lậu. Đồng thời, Hà không nhận bất kỳ lợi ích vật chất gì. Theo cáo buộc, hành vi của Hà đã giúp cho nhóm Lam thực hiện trót lọt buôn lậu 16 ô tô, năm mô tô gây thất thu thuế.

Hồ sơ vụ án cũng xác định, các Việt kiều Mỹ thuê đứng tên trong vụ án có lỗi nhưng hành vi của họ chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó, cơ quan chức năng không xử lý trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, nhiều cán bộ cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm sai quy trình kiểm chứng xuất nhập cảnh với ý thức giúp người quen làm thủ tục nhanh. Họ đã bị xử lý kỷ luật của ngành với các loại hình thức theo quy định.  Do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, họ cũng không bị truy cứu trách niệm hình sự.

Theo Bảo Minh

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên