MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cán cân quyền lực thế giới sau G-20: Nước Mỹ một mình một lối

10-07-2017 - 10:52 AM | Tài chính quốc tế

Nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang đi con đường riêng có lẽ là kết luận chung nhất sau Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vừa diễn ra ở Đức, nơi Washington khác biệt với phần còn lại của thế giới.

Trong vai trò chủ nhà, Thủ tướng Đức Angela Merkel – người chủ trì các cuộc hội đàm – đã làm hết sức với một bản thông cáo chung được chuẩn bị rất cẩn thận. Tuy nhiên, nó không thể che mờ sự thật là kết quả của các chương trình nghị sự không như ý bởi nhiều căng thẳng chưa được giải quyết.

Về thương mại, các nhà lãnh đạo dành vài tuần để giải quyết những vấn đề âm ỉ trong lĩnh vực sản xuất thép bắt nguồn từ kế hoạch áp thuế nhập khẩu của Mỹ. Về biến đổi khí hậu, chẳng có gì thay đổi sau khi nước Mỹ quyết tâm rút khỏi Hiệp định Paris dù thông cáo cuối cùng kêu gọi sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách “sạch sẽ hơn”.

Tuy nhiên, bầu không khí của G20 được đánh giá là đỡ căng thẳng hơn so với G-7 tại Sicily, Italy hồi tháng 5. Tổng thống Trump và nguyên thủ các nước thực sự đã mỉm cười tới khi ông Trump để cô con gái Ivanka dự buổi họp thượng đỉnh với các nguyên thủ hàng đầu như Thủ tướng Đức, Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Anh….

Những điểm nhấn khó phai

Bản tuyên bố chung: Người ta cố gắng tạo ra một văn bản mà về ngôn từ, tất cả các nhà lãnh đạo có thể ký vào đó. Tuy nhiên, tài liệu này dường như còn không cố giải quyết những mâu thuẫn giữa chính sách nước Mỹ là trên hết với phần còn lại của thế giới.

Thiêu cháy Hamburg: Thành phố lớn thứ 2 của Đức, nơi tổ chức G20, vừa phải trải qua đợt bạo động tồi tệ nhất ở quốc gia này trong nhiều năm qua, khi những kẻ quá khích cướp bóc các cửa hàng, đốt phá ô tô đậu trên đường. Tuy nhiên, trên một phương diện khác, những người phản đối toàn cầu hóa và đổ lỗi cho bà Merkel đã thành công. Thậm chí, lãnh đạo đảng đối lập còn gọi “G-20 là lỗi thời và hội nghị thượng đỉnh năm nay đặc biệt thất bại”.

Khoảnh khắc của bà Merkel: Khi cuộc bầu cử ở Đức còn chưa đầy 3 tháng, bà Merkel sẽ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu G-20 chìm trong mẫu thuẫn. Tuy nhiên, sự thỏa hiệp mong manh ở phút cuối đã cho phép bà giành được một chiến thắng. Nếu đắc cử, bà Merkel sẽ chèo lái nước Đức trong nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.

Con gái, trợ tá hay cả hai? Tổng thống Trump dường như rất thích thú trong việc xóa mờ những ranh giới giữa việc kinh doanh của gia đình và công việc của Nhà Trắng. Tại G-20, ông Trump đẩy nó lên tới đỉnh điểm khi đưa con gái ngồi vào chiếc ghế của mình trong phiên họp về châu Phi. Hình ảnh Ivanka ngồi giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh Theresa May làm dấy lên làn sóng phản đối. Tuy nhiên, trong vai trò chủ nhà, bà Merkel nói không có vấn đề gì khi Ivanka ngồi vào vị trí đó vì cô là một phần của phái đoàn Mỹ.


Ivanka Trump đại diện cho nước Mỹ trong cuộc họp thượng đỉnh của các lãnh đạo G-20.

Ivanka Trump đại diện cho nước Mỹ trong cuộc họp thượng đỉnh của các lãnh đạo G-20.

Một cuộc chiến tranh thương mại đang bùng nổ: Cuối cùng, G-20 cũng chẳng thể làm gì nhiều để xua đi nỗi sợ Tổng thống Trump sẽ đánh thuế nhập khẩu thép trong vài tháng tới. Trong khi Mỹ đồng ý về mặt ngôn từ cho một bản thông cáo chung về những nguy cơ từ chủ nghĩa bảo hộ, người ta cũng không thể quên đi câu khẳng định quyền của các thành viên trong việc “áp dụng các công cụ bảo vệ thương mại hợp pháp” được đưa ra để “giải quyết những thực tiễn bất công”.

Sự nhiệt tình của Macron: Trước mắt công chúng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người bạn thân thiết của Tổng thống Trump, luôn đi bên cạnh ông, cười, nghiêng đầu hay có những cử chỉ thân thiện khác. Tuy nhiên, các quan chức Pháp mô tả một ông Macron rất khác phía sau cánh cửa đóng kín. Đó là một Macron đầy mạnh mẽ, với những ngôn từ cứng rắn phản đối việc Mỹ đi ngược lại hiệp định về biến đổi khí hậu. Thậm chí, có lúc ông Macron rút chiếc iPhone của mình ra để giải thích với phái đoàn Mỹ về thương mại toàn cầu.

Những điều bất ngờ: Ngay cả các nhà lãnh đạo thế giới cũng luôn phải đấu tranh để đi sát với chương trình nghị sự. Hôm 8/7, người ta thấy bà Merkel nhìn Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông cử động những ngón tay để nhắc bà nhấn mạnh vào một điểm trong sự kiện. Trong một cuộc hội đàm khác, ông Trump tỏ thái độ cau mày và khoanh tay khi ông Tập phát biểu. Vào chiều ngày cuối cùng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khiến một nhóm phụ nữ ngạc nhiên khi ông ngồi ở bàn tiếp tân và làm vai trò phục vụ: “Xin chào mừng tới Hamburg. Tôi giúp gì được các vị?”.

Cuối cùng, bạn chắc chắn đã có cơ hội nhìn thấy những kiểu bắt tay của Tổng thống Trump với các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Nga Purin. “Thật vinh dự khi gặp ngài”, Tổng thống Trump nói với người đồng cấp Nga trước khi bắt đầu cuộc hội đàm kéo dài nhiều giờ. Hình ảnh đó khá quen thuộc với người hâm mộ chương trình truyền hình House of Cards dù đây là cuộc gặp giữa nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên