MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần có một sự tập trung chính sách đặc biệt trong xử lý nợ xấu

02-11-2016 - 16:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Đây là một trong những khuyến nghị của HSBC trong báo cáo công bố mới đây khi tổ chức này nhận định về tình hình tín dụng và chất lượng nợ.

Theo nhận định của HSBC, tăng trưởng tín dụng vẫn mạnh suốt cả năm. Vào tháng 8, tổng tăng trưởng dư nợ tín dụng giảm ở mức chậm nhất trong vòng 17 tháng qua, nhưng vẫn còn đạt mức 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi việc sử dụng các công cụ đòn bẩy nhiều hơn thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhưng cũng gây thêm nhiều gánh nặng nợ nần. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý gánh nặng "nợ xấu" hơn là nợ thông thường.

Từ năm 2012, Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách đối với hệ thống ngân hàng sau khi cho vay quá mức và quản lý thiếu hiệu quả dẫn đến nợ xấu tăng. Tỷ lệ các khoản nợ xấu trên tổng dư nợ đã giảm dần còn 2,6% trong quý II/2016.

Đó chính là lý do Chính phủ thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam VAMC vào năm 2013 để mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng.

Tuy nhiên, HSBC chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn về tín dụng và việc suy giảm vốn liên kết chưa được loại bỏ hoàn toàn. Do đó, việc giải quyết các khoản nợ xấu kéo dài cần có một sự tập trung chính sách đặc biệt.

Trước đó tại Hội thảo "Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ", TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết với nguồn lực hạn chế về con người và mạng lưới hoạt động, trong khi số lượng khoản nợ VAMC mua rất lớn, TSBĐ các khoản nợ xấu đa dạng, phân tán tại nhiều nơi nên VAMC chưa thể trực tiếp quản lý để nắm bắt được đầy đủ thực trạng các khoản nợ mua từ TCTD, việc tổ chức thực hiện xử lý tài sản để thu hồi nợ kém hiệu quả.

Ngoài ra, nguồn vốn của VAMC còn hạn chế và chưa phù hợp với yêu cầu xử lý nợ theo chức năng, nhiệm vụ của VAMC, đặc biệt trong công tác mua bán nợ theo giá trị thị trường. Việc xử lý nợ xấu của VAMC không thể triệt để và hiệu quả nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các TCTD, khách hàng.

Hàng lang pháp chế để vận hành thị trường mua bán nợ còn nhiều hạn chế: chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ bị giới hạn theo quy định pháp luật, VAMC mua bán nợ của TCTD nhưng chưa thể bán nợ cho bên thứ 3 (ngoài DATC, các AMC của các TCTD) nếu không có chức năng kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ; quyền và trách nhiệm của người mua nợ, người bán nợ, người xử lý nợ chưa được quy định rõ ràng;...việc thu giữ, phát mại TSBĐ gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế....

Do đó, VAMC muốn tăng cường tiềm lực tài chính để chủ động xử lý tận gốc nợ xấu như nâng vốn điều lệ, cho VAMC được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, xây dựng khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường thông tin minh bạch,...

Ông Hùng kiến nghị cần có cái nhìn khách quan về nợ xấu. Đồng thời nợ xấu không phải là do một mình hệ thống ngân hàng gây ra mà ngân hàng chỉ là một trong những nguyên nhân. Nợ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế vì vậy cần cả xã hội chung tay xử lý nợ xấu trên tinh thần công khai minh bạch.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên