MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần có thêm nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài

Đây là nhận định của ông Đặng Xuân Minh (ảnh) Phó trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam xung quanh những cơ hội và thách thức để thị trường M&A Việt Nam 2019 bứt phá thành công.

Thưa ông, thị trường M&A 2019 đang đứng trước nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức. Và dự báo giá trị thương vụ M&A 2019 của Diễn đàn M&A thấp hơn 2018 cũng phần nào cho thấy tác động của những thách thức, khó khăn. Theo đánh giá của ông, đâu là trở ngại lớn nhất của M&A 2019?

Như con số đã được công bố, tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. Tuy nhiên, nếu loại bỏ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco - yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng 41,4%. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỷ USD). Theo một thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước đạt 2,64 tỷ USD. Tuy nhiên, trong hai tháng vừa qua, đã có thêm những thương vụ M&A và đầu tư mới được công bố, điển hình như KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đầu tư vào BIDV với quy mô gần 900 triệu USD. Dự báo của Nhóm nghiên cứu MAF và CMAC về M&A 2019 (ở mức 6,7 tỷ USD) là dự báo thận trọng, tuy vậy, chúng tôi hy vọng, chỉ với một số thương vụ lớn, giá trị M&A Việt Nam 2019 sẽ vượt con số dự báo này.

Nhìn lại hoạt động M&A năm 2017 cho thấy có sự tăng trưởng đột biến. Nếu loại trừ sự đột biến về giá trị của thương vụ ThaiBev - Sabeco, có thể thấy thị trường vẫn trong giai đoạn tăng trưởng, tuy nhiên cần có nhiều thay đổi và nỗ lực nếu muốn có sự bứt phá. Cơ hội vẫn được đánh giá là nhiều tại Việt Nam, tuy vậy thách thức và những khó khăn cũng còn không ít. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, thương mại của khu vực và thế giới thì các nguyên nhân chủ quan vẫn là chính.

Theo kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu MAF và Trung tâm CMAC, các yếu tố trở ngại lớn nhất là Tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà nước đang quá lớn (85%), Báo cáo tài chính & công bố thông tin chưa minh bạch (80%), Định giá quá cao (76%) và Thời gian thực hiện thương vụ quá dài (75%). Các yếu tố khác lần lượt là: Yếu tố văn hóa và sự thay đổi, Không có nhiều cơ hội chất lượng, Khó tiếp cận doanh nghiệp, Yếu tố ngoại ngữ.

Một điểm đáng chú ý là 8/8 yếu tố này liên quan đến Nhà nước và DNNN, 6/8 yếu tố này liên quan đến khu vực DN tư nhân. Điều này cũng làm cho các nhà hoạch định và thực thi chính sách, các nhà quản lý DN, các chủ DN Việt Nam cần suy nghĩ và tìm giải pháp để giải phóng các rào cản này.

Thưa ông, năm 2019 những lĩnh vực nào sẽ là "món ngon" thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư? Theo ông, cần có những ưu đãi nào cho những giao dịch M&A trong các lĩnh vực cần tạo động lực phát triển như công nghệ kỹ thuật cao, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hạ tầng thông minh...?

Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, chúng tôi cho rằng, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Qua tham khảo các nhà đầu tư, trong hoạt động M&A các nhà đầu tư không cần có ưu đãi, cái họ cần là tìm được các cơ hội đầu tư tốt, tạo điều kiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận DN sau M&A.

Đối với các ngành công nghệ kỹ thuật cao, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hạ tầng thông minh…, Chính phủ Việt Nam đang có chính sách thúc đẩy, và nhiều DN đã tập trung đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư. Hoạt động M&A thường đi sau các hoạt động đầu tư trực tiếp, vì vậy chúng ta có thể tin rằng, đây chính là những ngành tiềm năng cho M&A trong thời gian tới.

Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 đang có dấu hiệu chững lại. Theo ông, các rào cản cần được tháo gỡ quyết liệt như thế nào để đạt mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ cũng như các nhà đầu tư?

Theo báo cáo của các cơ quan, năm 2017 đã cổ phần hóa 69 DN với tổng giá trị DN là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng. Khi thực hiện bán cổ phần lần đầu, còn một số DN tỷ lệ bán còn rất thấp so với phương án đã duyệt, như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (chỉ đạt 0,1%); Công ty TNHH MTV Bột mỳ Vinafood 1 (chỉ đạt 4%); Tổng công ty Phát điện 3 (chỉ đạt 3%); Tổng công ty Sông Đà (chỉ đạt 0,8%)… Trong 11 tháng đầu năm 2018 đã cổ phần hóa 12 DN với tổng giá trị DN là 29.747 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.413 tỷ đồng. Về thoái vốn, năm 2017 thoái được 9.046 tỷ đồng, thu về 138.327 tỷ đồng (gồm khoản thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Vinamilk). Trong 11 tháng đầu năm 2018, chúng ta thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng.

Chúng ta có thể thấy hiện nay tốc độ cổ phần hóa và thoái vốn đang có dấu hiệu chững lại, đây cũng là lý do mà Chính phủ đã đưa ra thông điệp chỉ đạo quyết liệt về cổ phần hóa và thoái vốn. Tuy nhiên, trên thực tế có những rào cản như chất lượng DN, vấn đề xác định giá trị DN… Các nhà đầu tư tin rằng, nếu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thì Việt Nam có thể thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn, góp phần gia tăng giá trị cho thị trường M&A.

Chủ đề của diễn đàn M&A 2019 là "Thay đổi để bứt phá". Theo ông, Chính phủ và các DN cần phải có sự thay đổi như thế nào để M&A 2019 cũng như các năm tiếp theo thực sự bứt phá?

Diễn đàn năm nay chọn chủ đề "Thay đổi để bứt phá" nhằm nhấn mạnh vào bối cảnh của thị trường M&A Việt Nam, sự quyết tâm của Chính phủ và các nhà đầu tư nhằm đạt được các mục tiêu bứt phá. Thị trường M&A có thể vượt ngưỡng 10 tỷ USD và xếp vào top các quốc gia Đông Nam Á thu hút đầu tư hay không, Chính phủ có đạt được mục tiêu thoái vốn và cổ phần hóa hay không, các DN có tận dụng được cơ hội để nâng tầm DN hay không, phụ thuộc vào những sự thay đổi của nhà đầu tư, Chính phủ và các DN.

Trong khảo sát của MAF và CMAC, ba yếu tố quan trọng cần thực hiện quyết liệt là: Thứ nhất, thoái vốn quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Thứ hai là thúc đẩy các tập đoàn tư nhân và thứ ba là DN cần minh bạch và công bố thông tin tốt hơn. Ngoài ra, còn có các yếu tố quan trọng như: Chủ động tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy niêm yết các công ty nhà nước cổ phần hóa và hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách

Tôi cho rằng, thị trường M&A Việt Nam cần có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần của Nhà nước vẫn còn quá cao và nhiều năm vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược. Kiến nghị mỗi năm Nhà nước cần đặt mục tiêu thoái vốn tại 1 – 2 công ty lớn, có tính chất dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện và tháo dỡ các rào cản cũng như các vấn đề về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, vấn đề quy hoạch, vấn đề thuế cho các giao dịch M&A.

Dưới góc độ DN, các DN Việt Nam bao gồm cả DNNN cổ phần hóa và DN tư nhân cần minh bạch hơn về thông tin DN và thông tin tài chính để nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin nhằm ra quyết định đầu tư.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống:

"Thị trường M&A Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới. Cơ hội mới này đến trước tiên từ các yếu tố tích cực của nền kinh tế trong năm 2019 như: Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao, kinh tế vĩ mô duy trì được sự ổn định, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định EVFTA, EVIPA vừa được ký kết, cùng với đó Việt Nam đã và sẽ tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường XK và thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động M&A tăng trưởng đột phá. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật PPP… đang được xây dựng... Tất cả những yếu tố trên đang mở ra những cơ hội rộng mở để thị trường M&A Việt Nam có bước đột phá. Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động M&A gắn với cổ phần hóa DNNN trong các lĩnh vực, như: Vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, DN quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các DN Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển".

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, Phó trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội:

"Một trong những điều quan trọng nhất để bứt phá M&A là có chiến lược M&A bền vững cho thị trường nội địa Câu chuyện của BigC vừa qua là ví dụ điển hình, khi các DN nội địa đã bị nằm ngoài kênh phân phối của DN ngoại. Đây là dấu hiệu không tốt cho thị trường M&A.

Bên cạnh đó, để M&A có sự bứt phá thời gian tới, dưới góc độ chính sách cũng như nhà đầu tư thì chúng ta thấy, hiện nay công tác cổ phần hóa đang giảm, điều này ảnh hưởng nguồn cung trên thị trường giảm sút. Thị trường tốt cần cả bên mua và bên bán, nếu một trong hai bên bị lệch thì sẽ không tốt cho thị trường. Hiện nay bên mua ngày càng nhiều, đặc biệt là sau khi các Hiệp định thương mại tự do quan trọng giữa Việt Nam và các nước được ký kết, tuy nhiên muốn thị trường M&A sôi động, bứt phá thì hàng hóa trên thị trường cũng phải có chất lượng và phải da dạng hơn. Dưới góc độ DN, muốn bứt phá thì các DN phải có chiến lược M&A, có báo cáo tài chính tốt hơn để cho bên mua đánh giá tốt hơn về hàng hóa của mình".

Hoài Anh (ghi)

Theo Thu Hiền

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên